Tập trung Đội tuyển Bóng bàn trẻ QG: Lộ ra bất cập

Quyết định tập trung Đội tuyển Bóng bàn trẻ quốc gia năm 2013 đã được ban hành. Đáng chú ý, trong danh sách không có các gương mặt của CLB Hà Nội và Hà Nội T&T - hai đơn vị mạnh về đào tạo trẻ.

Chấp nhận thiếu người tài

Đội tuyển trẻ quốc gia tập trung tại ĐH TDTT Bắc Ninh, gồm 20 tay vợt, trong đó có cả những VĐV đã thi đấu cho đội tuyển quốc gia như Nguyễn Thị Việt Linh (Bộ Công an). Trong danh sách này, số VĐV thi đấu cho Bộ Công an là nhiều nhất (8 người), tiếp theo là Quân đội, Tiền Giang, TP Hồ Chí Minh, Lâm Đồng. Trong khi đó, các VĐV Hà Nội, nhất là của CLB Hà Nội T&T, không có mặt. Đó là điều đáng quan tâm bởi trong những năm gần đây, Hà Nội T&T được coi là lò đào tạo VĐV bóng bàn uy tín, bài bản, hiệu quả nhất. Ở Giải Vô địch trẻ toàn quốc năm 2012, các VĐV Hà Nội T&T đã giành 6 HCV ở nội dung đồng đội nam nhi đồng, đồng đội nam lứa tuổi 12-13, đồng đội nam lứa tuổi 14-15, đơn nam nhi đồng, đơn nam 12-13 tuổi, đơn nam 14-15 tuổi. Trong số này, có ít nhất 3 tay vợt đáng được gọi tập trung cùng Đội tuyển trẻ quốc gia.

Tay vợt Nguyễn Việt Linh (Bộ Công an).

Tay vợt Nguyễn Việt Linh (Bộ Công an).

Theo ông Nguyễn Đức Long, người phụ trách bộ môn bóng bàn (Tổng cục TDTT), các HLV rất muốn gọi những VĐV này tập trung nhưng do không giải quyết được vấn đề học văn hóa của VĐV. Hiện tại, số VĐV của Hà Nội cũng như Hà Nội T&T đang học văn hóa ổn định, nếu thay đổi môi trường học văn hóa sẽ gây xáo trộn không đáng có. "Vì thế, chúng tôi sẽ đề xuất lãnh đạo Tổng cục TDTT triệu tập các VĐV của Hà Nội cũng như Hà Nội T&T khi năm học kết thúc".

Các VĐV Hà Nội T&T cũng như của Hà Nội không thể lên tập trung cùng Đội tuyển trẻ quốc gia đồng nghĩa mất chế độ tập huấn quốc gia.

Chưa hỗ trợ

Để giải quyết vấn đề này, một số CLB đã đề xuất bộ môn bóng bàn Tổng cục TDTT hỗ trợ kinh phí đào tạo trẻ cho các địa phương. Số tiền hỗ trợ có thể chỉ bằng một phần nhỏ so với mức đầu tư của các CLB nhưng lại có ý nghĩa động viên, ghi nhận sự nỗ lực của các CLB trong việc phát triển hệ thống đào tạo VĐV trẻ. Về chuyện này, ông Nguyễn Đức Long cho biết: "Cách làm này cũng có cái hay. Thực tế là trước đây, thông qua chương trình mục tiêu, Ủy ban TDTT đã hỗ trợ rất nhiều cho các bộ môn ở địa phương, trong đó có bóng bàn. Tuy vậy, trong quá trình thực hiện cũng có vấn đề phát sinh, đặc biệt là tiền hỗ trợ không được sử dụng đúng mục đích".

Ông Nguyễn Đức Long không nói cụ thể nhưng trong quá khứ, sau khi kiểm tra hoạt động của bộ môn bóng bàn ở một số địa phương, đơn vị đã phải trả lại tiền hỗ trợ cho Ủy ban TDTT. Có lẽ cũng vì những chuyện trong quá khứ mà Tổng cục TDTT trở nên "dè dặt" khi nhắc tới chuyện hỗ trợ kinh phí đào tạo trẻ cho địa phương. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng vấn đề nằm ở cơ chế kiểm tra, giám sát, không nên vì thế mà cắt khoản hỗ trợ đối với những đơn vị đào tạo trẻ có hiệu quả như Hà Nội hay Hà Nội T&T. Theo ông Nguyễn Đức Long, thời gian tới có thể Tổng cục TDTT lại áp dụng việc hỗ trợ đào tạo trẻ cho các địa phương sau khi lãnh đạo Bộ VH,TT&DL có chủ trương cụ thể.

Từ chủ trương đến hiện thực khó biết "dài ngắn" thế nào. Chỉ biết, trước mắt, những CLB như Hà Nội hay Hà Nội T&T vẫn phải tự lực cánh sinh để tạo nguồn VĐV chất lượng cho chính mình cũng như quốc gia.

Minh Quang

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/The-thao/573138/tap-trung-doi-tuyen-bong-ban-tre-qg-lo-ra-bat-cap