Tập trung chăm sóc lúa Thu Đông

Đến nay, nông dân trên địa bàn tỉnh Long An xuống giống trên 39.970ha lúa Thu Đông 2023, bằng 69,9% kế hoạch, bằng 105,9% so cùng kỳ năm 2022, tập trung ở các huyện: Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Tân Hưng và thị xã Kiến Tường. Trong đó, đã thu hoạch trên 9.710ha, năng suất ước đạt 55 tạ/ha, sản lượng 53.400 tấn.

Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhiều loại sâu, bệnh gây hại đã xuất hiện trên lúa Thu Đông. Trong đó, bệnh lem lép hạt, diện tích nhiễm trên 2.420ha, giảm trên 4.310ha so với tuần trước, tỷ lệ nhiễm phổ biến 5-10%, tập trung chủ yếu trên trà lúa giai đoạn trổ chín ở huyện Tân Hưng và Tân Thạnh; 3.169ha bị nhiễm bệnh cháy bìa lá, giảm 30ha so với tuần trước, tỷ lệ nhiễm phổ biến 10-15%, tập trung chủ yếu trên trà lúa giai đoạn đòng trổ ở huyện Tân Thạnh; chuột gây hại trên 3.270ha, tăng 945ha so với tuần trước, tỷ lệ nhiễm phổ biến 3%, chủ yếu trên trà lúa giai đoạn đòng trổ ở huyện Tân Hưng và Tân Thạnh.

Nông dân chăm sóc lúa Thu Đông 2023

Nông dân chăm sóc lúa Thu Đông 2023

Ngoài ra, còn có các đối tượng sinh vật gây hại như bệnh đạo ôn lá (428ha),... xuất hiện chủ yếu trên các trà lúa đẻ nhánh, đòng trổ ở huyện Tân Hưng, Tân Thạnh và Thạnh Hóa.

Ngành Nông nghiệp tỉnh khuyến cáo nông dân cần vệ sinh kỹ đồng ruộng, cày ải phơi đất, bảo đảm thời gian cách ly giữa 2 vụ ít nhất 3 tuần; theo dõi chặt chẽ tình hình rầy vào đèn, xuống giống tập trung, né rầy hiệu quả trên từng ô bao, cánh đồng tại địa phương nhằm hạn chế thấp nhất sự gây hại của muỗi hành, rầy nâu, bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá. Bên cạnh đó, nông dân cần áp dụng tốt các giải pháp kỹ thuật ngay từ đầu vụ như “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM),.../.

Kim Ngọc - Bùi Tùng

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/tap-trung-cham-soc-lua-thu-dong-a161408.html