Tập trung chăm sóc cây trồng vụ xuân

Xác định vụ xuân là vụ chủ lực, quan trọng nhất, quyết định đến kết quả sản xuất các vụ khác trong năm nên ngành nông nghiệp đang tích cực phối hợp với các địa phương trong tỉnh hướng dẫn bà con nông dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật chăm sóc cây trồng để đạt năng suất, sản lượng cao.

Nông dân xã Thọ Lộc (Thọ Xuân) chăm sóc lúa xuân.

Vụ xuân 2024, xã Xuân Minh (Thọ Xuân) gieo cấy 215ha lúa các loại. Trong đó, trà xuân chính vụ 45ha, trà xuân muộn 170ha, phần lớn là giống lúa lai có thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất cao, chất lượng tốt, khả năng thích ứng và chống chịu sâu bệnh tốt như VRL 20, BC15, TBR 225, Thái Xuyên 111. Để lúa xuân đạt năng suất, sản lượng cao, xã Xuân Minh đã hướng dẫn bà con nông dân thực hiện gieo cấy cùng trà, mỗi cánh đồng bố trí từ 1 - 2 loại giống nhằm tạo thuận lợi cho việc chăm sóc và quản lý sâu bệnh hại.

Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Minh Trịnh Văn Toàn cho biết: Hiện địa phương đang tập trung chỉ đạo cán bộ khuyến nông xã bám sát đồng ruộng, tập trung hướng dẫn nông dân chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật và chủ động phòng, trừ dịch hại trên cây lúa cũng như cây màu vụ xuân khác. Đồng thời, theo dõi, nắm bắt diễn biến tình hình sâu bệnh để khuyến cáo người dân các biện pháp phòng, chống sâu bệnh hại lúa làm ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng cây trồng vụ xuân.

Vụ chiêm xuân 2024 toàn huyện Thọ Xuân gieo trồng 13.300ha cây trồng các loại. Trong đó, diện tích lúa 7.900ha, cây ngô 950ha, cây lạc 150ha, rau đậu các loại 1.500ha, các cây trồng khác 2.800ha... Huyện phấn đấu tổng sản lượng lương thực đạt hơn 60.600 tấn. Nhằm tăng năng suất, sản lượng lúa, huyện cơ cấu bằng các giống chủ lực như: X21, Thái Xuyên 111, TBR 89, Phúc Thái 168, Thụy Hương 308, VNR 20, VT404, Phú Ưu 978; TBR225, TBR279, TBR97, BC15 mới, Thiên Ưu 8... Đối với diện tích trồng ngô, huyện cơ cấu các giống: NK4300, CP511, CP311, CP511; DK6818, DK6919S, DK6919S, DK 9955S, ngô nếp các loại. Diện tích cây lạc, bố trí các giống L14, L18, L23, L26. Đối với cây rau màu, lựa chọn các giống cây trồng thích hợp với từng xã, thị trấn gắn với thị trường tiêu thụ. Thời điểm này nông dân huyện Thọ Xuân cơ bản gieo trồng xong cây trồng vụ xuân. Hiện các xã, thị trấn, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đang bám sát địa bàn, hướng dẫn bà con các biện pháp phòng trừ một số đối tượng sâu bệnh ở giai đoạn đầu vụ, nhất là bệnh đạo ôn, nhện vàng và sâu cuốn lá trên cây lúa và các cây trồng khác.

Theo tổng hợp của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, đến ngày 25/2 tổng diện tích gieo trồng vụ xuân toàn tỉnh đạt 158.667,8ha/191.000ha, đạt 83,1% kế hoạch. Trong đó, lúa 114.167,1ha/112.500ha, đạt 101,5% kế hoạch; ngô 9.053ha/14.000ha, đạt 64,7% kế hoạch, lạc 4.638,7ha/6.000ha, đạt 77,3% kế hoạch; rau đậu các loại và cây trồng khác 30.809ha...

Xác định vụ xuân là vụ có nhiều đối tượng sâu bệnh phát sinh và gây hại, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã tích cực công tác dự tính dự báo, phát hiện sớm và khoanh vùng phòng trừ kịp thời, không để lây lan thành dịch. Đồng thời, phối hợp với các huyện giám sát chặt chẽ các đối tượng sâu bệnh và hướng dẫn biện pháp phòng trừ một cách triệt để trên các loại cây lúa, ngô, lạc, sắn... Đồng thời, hướng dẫn người dân các biện pháp diệt chuột gây hại ngay từ đầu vụ và suốt trong quá trình sinh trưởng của cây trồng, đặc biệt là vào cuối tháng 3 đầu tháng 4/2024. Hiện nông dân trên địa bàn tỉnh đang khẩn trương dùng các loại giống cây rau màu ngắn ngày tiếp tục gieo trồng vụ xuân theo kế hoạch. Đồng thời, thực hiện làm cỏ, xới đất, bón phân, chăm sóc để cây phát triển rễ, thân ở giai đoạn đầu vụ.

Trưởng Phòng Trồng trọt, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Trịnh Văn Chất cho biết: Tranh thủ thời tiết thuận lợi, nông dân các địa phương tích cực ra đồng chăm sóc cây trồng vụ xuân. Đối với cây ngô, lạc, đậu các loại, ngoài việc gieo trồng đúng thời vụ, người dân tranh thủ độ ẩm đất để gieo trồng và sử dụng các loại giống tốt, đúng cơ cấu của ngành nông nghiệp và không gieo trồng trong những ngày nhiệt độ thấp dưới 15oC.

Để bảo đảm nguồn nước ương dưỡng cho các loại cây trồng, nhất là cây lúa, các địa phương phối hợp chặt chẽ với các công ty quản lý và khai thác công trình thủy lợi để điều tiết nước hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và không để hạn hán xảy ra. Do đang trong đầu vụ nên diện tích lúa cần bón thúc đợt 1 người dân sử dụng khối lượng lớn phân bón các loại, vì vậy các địa phương thường xuyên kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn, tránh tình trạng người dân sử dụng phân bón kém chất lượng cho cây trồng.

Bài và ảnh: Lê Hợi

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/tap-trung-cham-soc-cay-trong-vu-xuan/207916.htm