Tập trung các biện pháp kéo giảm tai nạn giao thông tối thiểu 5%

Trong 6 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra 30 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 26 người, bị thương 14 người. So với cùng kỳ năm 2022: tăng 15 vụ (tăng 100% ), tăng 10 người chết (tăng 73,3%), tăng 7 người bị thương (tăng 100%)… Lạng Sơn là 1 trong 7 tỉnh có số người chết do TNGT tăng cao trên 20%. Trước thực trạng đó, Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh nhanh chóng triển khai các giải pháp quyết liệt nhằm kiềm chế, kéo giảm tối thiểu 5% các tiêu chí TNGT trong thời gian tới. Phóng viên (PV) Báo Lạng Sơn đã phỏng vấn ông Dương Công Vĩ, Giám đốc Sở Giao thông – Vận tải (GTVT), Phó Trưởng Ban Thường trực Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh về vấn đề này.

Cán bộ Đội CSGT – TT Công an huyện Tràng Định kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển phương tiện giao thông trên tuyến quốc lộ 4A, đoạn qua thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định

Cán bộ Đội CSGT – TT Công an huyện Tràng Định kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển phương tiện giao thông trên tuyến quốc lộ 4A, đoạn qua thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định

PV: Trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn trong 6 tháng đầu năm 2023, TNGT tăng cả 3 tiêu chí và tăng cao so với cùng kỳ 2022, vậy theo ông, đâu là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng này ?

Ông Dương Công Vĩ: Trong 6 tháng đầu năm 2023, tình hình kinh tế – văn hóa – xã hội trên đà phục hồi và phát triển. Đặc biệt, hoạt động xuất khẩu hàng hóa qua địa bàn tỉnh sang Trung Quốc tăng mạnh nên mật độ phương tiện tham gia giao thông trên các tuyến quốc lộ tăng cao đột biến so với cùng kỳ năm 2022. Đơn cử như quốc lộ 1A có mật độ phương tiện lưu thông trung bình khoảng 10.700 phương tiện/ngày, so với thời gian trước liền kề tăng khoảng 6.000 phương tiện/ngày. Cùng đó, ý thức tham gia giao thông của một số lái xe chưa cao, điều đó đã làm tăng các vi phạm về trật tự ATGT và tăng các vụ TNGT trong thời gian qua. Công tác tuyên truyền pháp luật về ATGT đã được các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh chú trọng triển khai thực hiện, song có thời điểm chưa duy trì được thường xuyên, nhất là việc tuyên truyền đến số lái xe người ngoài tỉnh tham gia giao thông trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn.

Công tác thanh tra, tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm của các lực lượng chức năng dù đã triển khai rất quyết liệt song còn khó khăn về biên chế, chưa đủ lực lượng để thanh tra, kiểm soát bao quát hết trên các tuyến. Ngoài ra, trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, công cụ hỗ trợ… phục vụ các lực lượng chuyên trách còn thiếu, thường xuyên hỏng, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ. Ý thức tự giác chấp hành Luật Giao thông đường bộ của một bộ phận người tham gia giao thông còn hạn chế, dẫn đến vi phạm và TNGT tăng cao.

PV: Trước thực trạng TNGT như vậy, Ban ATGT tỉnh đề ra những giải pháp gì để kiềm giảm TNGT trong thời gian tới ?

Ông Dương Công Vĩ: Ban ATGT tỉnh đã đề ra các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để tập trung triển khai thực hiện trong thời gian tiếp theo nhằm kéo giảm TNGT. Cụ thể là: Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của các trung ương và của tỉnh trong công tác bảo đảm trật tự ATGT. Cùng đó, kiện toàn, nâng cao trách nhiệm và năng lực hoạt động của ban ATGT các cấp, gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong việc triển khai thực hiện công tác bảo đảm ATGT; tăng cường lực lượng, phương tiện nghiệp vụ, triển khai đồng bộ, quyết liệt công tác thanh tra, tuần tra kiểm soát, khép kín các địa bàn, tuyến đường trọng điểm, nhất là trên các tuyến quốc lộ; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm với tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Đồng thời đổi mới, đa dạng hóa nội dung, hình thức, tuyên truyền pháp luật về ATGT phù hợp với từng địa bàn, nhóm đối tượng; trong đó có các đối tượng là lái xe ngoài tỉnh tham gia giao thông trên địa bàn tỉnh… Cùng với đó là siết chặt công tác quản lý nhà nước về trật tự ATGT trong các lĩnh vực kinh doanh vận tải; đào tạo, sát hạch lái xe; kiểm định phương tiện; tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, xử lý điểm đen, điểm tiềm ẩn về TNGT; thực hiện xóa bỏ lối đi tự mở qua đường sắt theo lộ trình đề ra..

PV: Bên cạnh những giải pháp chung thì đối với các địa bàn, các tuyến đường có số vụ TNGT tăng đột biến Ban ATGT tỉnh sẽ triển khai các giải pháp ra sao để ngăn ngừa, kiềm chế tai nạn?

Ông Dương Công Vĩ: Đối với các tuyến quốc lộ, khu vực có số vụ TNGT tăng cao như: tuyến quốc lộ 1A, các huyện Hữu Lũng, Chi Lăng, Văn Lãng, Tràng Định…, lãnh đạo UBND tỉnh đã chỉ đạo Ban ATGT tỉnh trực tiếp đến làm việc, kiểm tra, đối với các huyện xảy ra TNGT tăng cao nói trên, đồng thời tổ chức họp kiểm điểm, đánh giá làm rõ những tồn tại hạn chế, trên cơ sở đó đề ra giải pháp bảo đảm trật tự ATGT phù hợp, kịp thời và hiệu quả. Cụ thể, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về trật tự ATGT, đặc biệt là tuyên truyền đến các lái xe là người ngoại tỉnh; bố trí các nguồn lực lắp thêm hệ thống camera giám sát, xử lý vi phạm trên các tuyến đường, khu vực có lưu lượng người, phương tiện tham gia giao thông cao; khảo sát các điểm tiềm ẩn TNGT để bổ sung đèn tín hiệu, biển báo, biển hướng dẫn giao thông; tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát 24/24 giờ, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm… qua đó, góp phần ngăn ngừa, kiềm chế TNGT.

PV: Xin cảm ơn ông!

HOÀNG CƯỜNG

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/xa-hoi/598985-tap-trung-cac-bien-phap-keo-giam-tai-nan-giao-thong-toi-thieu-5.html