Tập huấn và đánh giá năng lực quản lý rủi ro bom mìn, vật nổ

Trong hai ngày 15 và 16-6 tại Hà Nội, Trung tâm hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC) đã phối hợp với Trung tâm quốc tế Geneva về khắc phục bom mìn nhân đạo (GICHD) tổ chức khóa tập huấn và đánh giá năng lực quản lý rủi ro (QLRR) bom mìn, vật nổ cho các cán bộ của VNMAC.

Hoạt động này nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa GICHD và VNMAC nhằm thực hiện Chương trình khắc phục bom mìn Quốc gia giai đoạn 2010-2025.

Theo bà Katrin Stauffer, chuyên gia QLRR bom mìn, vật nổ và ông Armen Harutyunyan, chuyên gia về hiệu quả hoạt động khắc phục bom mìn của GICHD, lớp tập huấn nhằm trang bị và nâng cao kiến thức về QLRR, các yếu tố của quy trình QLRR và việc ứng dụng các nguyên lý này (tiêu chuẩn IMAS-07.14 và tiêu chuẩn TCVN- ISO 31000:2018) cũng như các bài học về QLRR do bom mìn, vật nổ tồn dư trong khắc phục hậu quả bom mìn quốc tế.

Quang cảnh khóa tập huấn.

Quang cảnh khóa tập huấn.

Lớp tập huấn đã trang bị cho các học viên những kiến thức, định nghĩa, khái niệm và thuật ngữ liên quan đến QLRR do bom mìn, vật nổ tồn dư sau chiến tranh gây ra; hiểu rõ mục tiêu hoạt động đánh giá năng lực QLRR; đánh giá các thế mạnh và các lĩnh vực cần cải thiện trong công tác QLRR dựa trên các chỉ số và các tiêu chí được chuẩn hóa. Ngoài ra, người tham dự cũng nhận được tổng quan về các phương pháp xây dựng chính sách cũng như các công cụ QLRR dài hạn trong khắc phục hậu quả bom mìn ở Việt Nam.

Việc áp dụng nguyên lý QLRR trong khắc phục hậu quả bom mìn sẽ giúp cho các cơ quan chức năng xác định rõ mức độ ưu tiên, phân phối nguồn lực dành cho khắc phục hậu quả bom mìn một cách hợp lý và hiệu quả hơn.

Các học viên làm bài tập nhóm.

Các học viên làm bài tập nhóm.

Tại khóa tập huấn, các học viên cũng đã được giới thiệu kinh nghiệm của một số nước châu Âu cũng như của quốc tế trong việc QLRR và khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh, trong đó việc thay đổi từ phương thức khảo sát và rà phá chủ động sang quản lý và ứng phó rủi ro đã tỏ ra hết sức hiệu quả cả về việc hoàn thành các mục tiêu chương trình quốc gia cũng như việc phân bổ và sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn.

Ngay sau khi kết thúc chiến tranh, Nhà nước, Quân đội và nhân dân Việt Nam đã tiến hành khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh một cách hết sức hiệu quả. Những tác động, tai nạn và rủi ro do bom mìn, vật nổ tồn lưu sau chiến tranh gây ra đã được giảm thiểu rõ rệt.

Tuy vậy, việc làm sạch bom mìn, vật nổ tồn dư trên toàn đất nước đòi hỏi phải có một nguồn lực rất lớn trong một khoảng thời gian hàng chục năm tiếp theo. Do vậy, cần có một cách tiếp cận mới, vừa đảm bảo an toàn cho tính mạng, tài sản của người dân và phục vụ việc phát triển các mục tiêu kinh tế-xã hội, vừa tiết kiệm tối đa các nguồn lực của đất nước.

QLRR trong khắc phục hậu quả bom mìn đang trở thành một phương thức được áp dụng phổ biến và hiệu quả trên thế giới. Khóa tập huấn do những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực khắc phục hậu quả bom mìn kết hợp với các chuyên gia của Trung tâm hành động bom mìn Việt Nam giảng dạy theo hình thức trực tuyến kết hợp trực tiếp.

Bên cạnh đó, một dự án áp dụng thí điểm phương pháp quản lý rủi ro trên địa bàn một số tỉnh miền Trung Việt Nam sắp được tiến hành sẽ giúp các cán bộ của VNMAC và các cơ quan liên quan hiểu biết tốt hơn về nhu cầu và các yếu tố còn thiếu trong công tác QLRR trong lĩnh vực khắc phục hậu quả bom mìn ở Việt Nam và hỗ trợ những người hoạch định chính sách đề xuất áp dụng phương thức này trên một phạm vi rộng hơn nhằm thực hiện thành công các mục tiêu của Chương trình khắc phục hậu quả bom mìn quốc gia.

Kết thúc khóa tập huấn, các học viên đã được đánh giá kết quả học tập thông qua một bài tập tổng hợp. Theo Đại tá Nguyễn Văn Nghiệp, Phó tổng giám đốc VNMAC và ông Timothy Horner, Cố vấn kỹ thuật cao cấp của VNMAC, khóa tập huấn đã đạt được mục tiêu đề ra và 100% học viên lĩnh hội tốt kiến thức.

Tin, ảnh: PHAN ĐỨC TUẤN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/tin-tuc/tap-huan-va-danh-gia-nang-luc-quan-ly-rui-ro-bom-min-vat-no-662693