Tập đoàn thâu tóm Coca-Cola Việt Nam rót vốn vào 2 dự án ở Thủ Thiêm

Swire Pacific, tập đoàn hơn 200 năm tuổi, hiện kinh doanh, đầu tư trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Swire còn tham gia vào 2 dự án bất động sản ở Thủ Thiêm, TP.HCM.

Tập đoàn Swire Pacific (trụ sở tại Hong Kong) mới đây tuyên bố tiến vào thị trường đồ uống khu vực Đông Nam Á thông qua thương vụ mua lại dây chuyền sản xuất của Coca-Cola Việt Nam và Campuchia. Thương vụ có giá trị hơn 1 tỷ USD và dự kiến hoàn tất trong vòng 6 tháng.

Swire Coca-Cola, công ty con 100% vốn của tập đoàn mẹ, được giao phụ trách thỏa thuận này và sẽ tiếp nhận 4 cơ sở đóng chai (3 cơ sở tại Việt Nam và 1 cơ sở bên Campuchia). Sau sáp nhập, công ty sẽ nâng tổng dân số phục vụ lên 876 triệu người.

Swire Coca-Cola được thành lập từ năm 1965, hiện có mặt tại 4 thị trường chính, sở hữu 26 nhà máy với sản lượng gần 1,9 tỷ đơn vị/năm. Trong năm ngoái, doanh thu của Swire Coca-Cola ước đạt 6,8 tỷ USD.

 Swire Pacific chi 1,015 tỷ USD để mua lại Coca-Cola Việt Nam và Campuchia. Ảnh: AP.

Swire Pacific chi 1,015 tỷ USD để mua lại Coca-Cola Việt Nam và Campuchia. Ảnh: AP.

Doanh thu chủ yếu từ đồ uống, bất động sản

Ngoài đồ uống, Swire Pacific còn là tập đoàn đa ngành hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau như hàng không, bất động sản, dịch vụ hàng hải, thương mại và công nghiệp.

Trong năm tài chính 2021, Swire Pacific thu về 11,7 tỷ USD. Trong đó, bất động sản và đồ uống là hai mảng kinh doanh đóng góp chính, lần lượt chiếm 17% và 58% tổng doanh thu.

Tuy nhiên, bất động sản đem lại lợi nhuận cao hơn 2 lần mảng đồ uống, khoảng 745 triệu USD, tăng 73% so với năm liền trước. Mặt khác, trước sự ảnh hưởng của Covid-19, hàng không (lĩnh vực đóng góp 12,4% tổng doanh thu) ghi nhận khoản lỗ lên tới 303 triệu USD.

Doanh thu kinh doanh dịch vụ hàng hải của Swire Pacific đạt 203,9 triệu USD nhưng lỗ đến 142 triệu USD. Trong khi đó, mảng thương mại và công nghiệp kiếm về 1,2 tỷ USD, lãi 11,9 triệu USD, tăng 683% so với cùng kỳ năm 2020.

Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử

Swire vốn là doanh nghiệp xuất nhập khẩu được thành lập tại Liverpool Anh vào năm 1816. Thời kỳ đầu, công ty hoạt động chủ yếu tại Australia với các mặt hàng nhập khẩu như dây hàng rào, xi măng, dầu ô liu.

Giai đoạn 1861-1870, Swire bắt đầu tham gia thị trường Trung Quốc, đồng thời khai trương văn phòng đại diện tại đại lục và Hong Kong.

Bên cạnh xuất nhập khẩu, Swire đẩy mạnh phạm vi kinh doanh sang lĩnh vực hàng hải trong bối cảnh giao thông tại Trung Quốc còn hạn chế. Công ty sở hữu đội tàu hơi nước trên sông Dương Tử và mở rộng mạng lưới dịch vụ sang Nhật Bản, Đông Nam Á và Australia.

Mảng kinh doanh vận tải biển dần kết nối với nhiều liên doanh khác, trong đó bao gồm hoạt động sản xuất, vận chuyển đường mía thô từ Indonesia và Philippines. Năm 1884, Swire khánh thành nhà máy lọc đường Taikoo, một trong những cơ sở sản xuất lớn và phức tạp nhất thế giới.

 Từ lâu, trọng tâm kinh doanh của Swire tập trung tại châu Á - Thái Bình Dương. Ảnh: Barron.

Từ lâu, trọng tâm kinh doanh của Swire tập trung tại châu Á - Thái Bình Dương. Ảnh: Barron.

Để phục vụ đội tàu vận tải, doanh nghiệp tiếp tục xây dựng xưởng sửa chữa ở Vịnh Quarry, Hong Kong. Kể từ năm 1910, mảng hàng hải của Swire chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ cho đến khi chịu thiệt hại nặng nề bởi cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai.

Nhận thức được vai trò quan trọng của vận tải hàng không, doanh nghiệp đã tận dụng cơ sở hạ tầng của Taikoo để phát triển cơ sở sửa chữa, bảo dưỡng máy bay. Năm 1948, Swire thâu tóm 45% cổ phần của hãng hàng không địa phương Cathay Pacific Airways.

Năm 1965, Swire mua lại Hong Kong Bottlers Federal, công ty nhượng quyền sản xuất các sản phẩm của Coca-Cola với sản lượng 104 triệu chai/năm. Đến năm 1989, Coca-Cola trở thành đối tác của Swire Beverage (nay là Swire Coca-Cola) tại thị trường Trung Quốc đại lục.

Tham gia đầu tư bất động sản ở Thủ Thiêm

Dù khởi sự tại Anh, Swire Pacific chủ yếu hoạt động tại thị trường châu Á - Thái Bình Dương. Hiện tập đoàn sở hữu danh mục đầu tư đa dạng, trải dài nhiều ngành công nghiệp, dịch vụ khác nhau.

Trong cơ cấu doanh thu của tập đoàn, thị trường Trung Quốc đại lục đóng góp 45% nguồn thu, Mỹ chiếm 25% còn Hong Kong chiếm 19%. Các khu vực còn lại đóng góp khoảng 9%.

Tại Việt Nam, ngoài thương vụ mua lại chi nhánh Coca-Cola của Swire Coca-Cola, tập đoàn này còn có sự hiện diện tại hai dự án bất động sản ở Thủ Thiêm, TP.HCM thông qua công ty con Swire Properties.

Hai dự án bất động sản tại Thủ Thiêm được Swire Properties đầu tư. Ảnh: Quỳnh Danh.

Hai dự án bất động sản tại Thủ Thiêm được Swire Properties đầu tư. Ảnh: Quỳnh Danh.

Tháng 9/2020, Swire Properties hợp tác cùng CTCP City Garden phát triển dự án The River, khu chung cư cao cấp rộng 15.377 m2 gồm 3 tòa tháp, 525 căn hộ.

Công ty con này sở hữu 20% cổ phần của dự án. Tính đến ngày 8/3/2022, khoảng 90% căn hộ đã được sang tay với giá rao bán 130-180 triệu đồng/m2.

Tháng 3/2021, Swire Properties tiếp tục đầu tư vào dự án Empire City hợp tác cùng Gaw Capital Partners. Dự án đang được xây dựng và dự kiến hoàn thành theo từng giai đoạn cho đến năm 2027.

Empire City là tổ hợp căn hộ, văn phòng, khách sạn với tổng diện tích khoảng 111.532 m2. Hơn 45% số lượng căn hộ của dự án đã được bán hết trước tháng 3 năm nay. Tương tự The River, giá căn hộ cao cấp của Empire City tương đối cao, dao động 100-200 triệu đồng/m2.

Minh Khánh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tap-doan-thau-tom-coca-cola-viet-nam-rot-von-vao-2-du-an-o-thu-thiem-post1337897.html