Tập đoàn Hòa Phát và những quyết định xử phạt liên quan đến môi trường

PTĐT - Tập đoàn Hòa Phát được biết đến là  doanh nghiệp đầu tư sản xuất ở nhiều lĩnh vực với quy mô lớn, dây chuyền, trang thiết bị, máy móc hiện đại.

>>> Xử phạt Công ty Hòa Phát hơn 440 triệu đồng vì gây ô nhiễm môi trường>>> Công ty Hòa Phát hỗ trợ gần 1 tỷ đồng cho người dân>>> Bị “xử phạt”, Công ty Hòa Phát vẫn tiếp tục gây ô nhiễm môi trường !?PTĐT - Tập đoàn Hòa Phát được biết đến là doanh nghiệp đầu tư sản xuất ở nhiều lĩnh vực với quy mô lớn, dây chuyền, trang thiết bị, máy móc hiện đại. Tuy nhiên, qua nắm bắt, nhiều địa phương có dây chuyền đầu tư của Tập đoàn Hòa Phát thì vấn đề gây ô nhiễm môi trường luôn làm cho người dân và chính quyền nơi đó phải trăn trở. Với các hành vi gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, căn cứ các quy định của pháp luật hiện hành, nhiều Công ty thành viên của Tập đoàn Hòa Phát đã bị các cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, tổng số tiền phạt lên đến hàng tỷ đồng.

Mới đây nhất, ngày 5/11/2019, UBND tỉnh Phú Thọ đã ban hành Quyết định số 2856/QĐ-XPHC, xử phạt hành chính về lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với Công ty TNHH MTV gia cầm Hòa Phát Phú Thọ (thuộc Tập đoàn Hòa Phát) số tiền 442,5 triệu đồng. Theo đó, Công ty TNHH MTV gia cầm Hòa Phát (trụ sở tại khu 16, xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính như: Thực hiện không đúng một trong các nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt và các yêu cầu trong quyết định phê duyệt trong báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Quyết định xử phạt của hành chính của UBND Phú Thọ nêu rõ: “Theo báo cáo đánh giá tác động môi trường, phân gà được thu gom về khu xử lý để chế biến thành phân hữu cơ. Tuy nhiên, Công ty đã chứa phân tại các hồ chứa trong khuôn viên, không đúng theo quy trình được phê duyệt trong báo cáo đánh giá tác động môi trường”. Không chỉ vậy, Công ty TNHH MTV gia cầm Hòa Phát còn có hành vi thải chất thải rắn công nghiệp thông thường (phân gà) trái quy định về bảo vệ môi trường từ 60.000kg đến dưới 80.000kg (Công ty đã thải ra khối lượng 68.670kg).

Trước đó, ngày 16/11/2018, Công an tỉnh Phú Thọ ra quyết định xử phạt doanh nghiệp này với số tiền 70 triệu đồng về hành vi vi phạm hành chính vì “thực hiện không đúng một trong các nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường và yêu cầu trong quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường”. UBND huyện Cẩm Khê cũng yêu cầu doanh nghiệp xử lý môi trường theo đúng Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của tỉnh Phú Thọ. Tuy nhiên, thời gian qua, doanh nghiệp này vẫn tiếp tục vi phạm.

Chung tình cảnh như Phú Thọ, tại tỉnh Bắc Giang, tháng 8/2018, Công ty TNHH MTV Chăn nuôi Hòa Phát Bắc Giang (ở xã Long Sơn, Huyện Sơn Động, Bắc Giang) thuộc Công ty CP Phát triển chăn nuôi Hòa Phát (Tập đoàn Hòa Phát), hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi lợn cũng đã bị UBND tỉnh Bắc Giang “tuýt còi” vì vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường với tổng số tiền phạt 312 triệu đồng. Trong quyết định xử phạt nêu rõ, trong quá trình hoạt động, Công ty Chăn nuôi Hòa Phát Bắc Giang đã có hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 1,5 lần đến dưới 03 lần trong trường hợp thải lượng nước thải từ 100m3/ngày (24h) đến dưới 200m3/ngày (24h); xả thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải đối với thông số COD vượt 2,44 lần.

Tiếp đó, ngày 25/4/2019, UBND tỉnh Bắc Giang tiếp tục ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với doanh nghiệp này, số tiền 540 triệu đồng, do hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải và tình tiết tăng nặng là tái phạm hành vi gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời, áp dụng hình phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động 3 tháng đối với doanh nghiệp này; buộc chấm dứt ngay hành vi vi phạm.

Còn tại tỉnh Hưng Yên, Nhà máy điện lạnh của Công ty TNHH Điện lạnh Hòa Phát có trụ sở tại Khu công nghiệp Phố Nối A, xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ từng được quảng cáo là đơn vị đầu tư dây chuyền, trang thiết bị, máy móc và kết hợp các hãng có tên tuổi trên thế giới ứng dụng công nghệ hiện đại nhất để sản xuất các sản phẩm điện lạnh có chất lượng cao.

Thế nhưng vào giữa năm 2019, UBND tỉnh Hưng Yên ra quyết định xử phạt Công ty TNHH Điện lạnh Hòa Phát 105 triệu đồng với hành vi xả nước thải có một số thông số môi trường vượt 66% tiêu chuẩn quy định tiếp nhận nước thải.

Tương tự, tại Công ty CP Thép Hòa Phát ở Hải Dương cũng từng nhiều lần bị cơ quan chức năng ra quyết định xử phạt số tiền hàng trăm triệu đồng. Cụ thể, năm 2011, doanh nghiệp này bị xử phạt 210 triệu đồng. Đến năm 2015, Công ty CP Thép Hòa Phát tiếp tục bị Bộ TN&MT xử phạt 270 triệu đồng với hành vi xả thải vượt quy chuẩn ra môi trường.

Từ những điều trên cho thấy, việc các công ty thuộc Tập đoàn Hòa Phát đồng loạt không thực hiện đúng một trong các nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường, đi ngược lại những gì cam kết đã cho thấy thái độ coi thường pháp luật về bảo vệ môi trường của doanh nghiệp này.

Thu hút đầu tư doanh nghiệp luôn là mục tiêu hướng đến của các tỉnh trong cả nước. Tuy nhiên, phát triển kinh tế nhưng không đánh đổi môi trường, thu hút đầu tư nhưng không bất chấp mới là tiền đề cho sự phát triển bền vững và lâu dài. Đã đến lúc các cấp, ngành vào cuộc quyết liệt hơn nữa để tình trạng cố tình vi phạm này không tiếp tục tái diễn, qua đó rút ra bài học cho các công ty sản xuất trong việc ưu tiên hàng đầu đảm bảo yếu tố môi trường.

Hoàng Quý

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/phap-luat/201911/tap-doan-hoa-phat-va-nhung-quyet-dinh-xu-phat-lien-quan-den-moi-truong-167703