Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin): “Phớt lờ” cả chỉ đạo của Thủ tướng

Dù đã nhận được tiền di dời giải tỏa đền bù từ ngày 27/6/2011 theo Hợp đồng đã ký kết nhưng đến nay, sau nhiều chỉ đạo của Thủ tướng và các Bộ, ngành liên quan, việc bàn giao mặt bằng vẫn giậm chân tại chỗ...

Công ty CP Đầu tư đô thị Vịnh Thuận Phước đã chi trả Công ty TNHH MTV Đóng tàu Đà Nẵng 272 tỷ đồng giá trị di dời giải tỏa đền bù Nhà máy đóng tàu Đà Nẵng từ ngày 27/6/2011 theo Hợp đồng đã ký kết. Đến nay, sau nhiều chỉ đạo của Thủ tướng và các Bộ, ngành liên quan, việc bàn giao mặt bằng vẫn giậm chân tại chỗ...

Thu hồi đất để làm đô thị

Căn cứ vào quyết định của UBND thành phố Đà Nẵng ngày 16/12/2009, ông Phạm Thanh Bình (khi đó là Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam) đã ủy quyền cho ông Nguyễn Văn Bằng, Giám đốc Nhà máy đóng tàu Đà Nẵng “thay mặt Tập đoàn thực hiện việc bàn giao mốc giới. Ký kết Hợp đồng đền bù giải phóng mặt bằng, ký kết Hợp đồng chuyển nhượng 10% cổ phần (lợi thế thương mại) tại Công ty CP Đầu tư đô thị Vịnh Thuận Phước”. Vì vậy, ngày 30/12/2009, ông Nguyễn Văn Bằng đã cùng ông Nguyễn Đình Chiến, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư đô thị Vịnh Thuận Phước (Cty Vịnh Thuận Phước) ký Hợp đồng giải tỏa đền bù số 18/HĐ/GTĐB-2009 và nhiều phụ lục bổ sung, điều chỉnh.

Một góc Nhà máy đóng tàu Đà Nẵng

Ngày 10/2/2010, UBND Tp. Đà Nẵng ra Quyết định số 1268/QĐ-UBND “về việc thu hồi đất, giao cho Công ty Quản lý và Khai thác đất Đà Nẵng quản lý” với diện tích được thu hồi và giao cho Công ty CPĐT đô thị Vịnh Thuận Phước là 926.181m2, để “tiến hành đầu tư xây dựng Khu đô thị, thương mại và dịch vụ phía Bắc vịnh Mân Quang”. Quyết định nêu rõ: “…Thu hồi và hủy bỏ Quyết định số 23809/QĐ-UB ngày 1/10/2003 của UBND Tp. Đà Nẵng về việc thu hồi đất, cho Nhà máy đóng tàu Đà Nẵng thuê đất để xây dựng nhà máy đóng tàu”. Trước đó, tại Quyết định số 23809/QĐ-UB ngày 1/10/2003, khu đất có diện tích 322.012m2 tại phường Nại Hiên Đông, Sơn Trà, Đà Nẵng bị thu hồi để giao cho Nhà máy đóng tàu Đà Nẵng thuê đất để xây dựng nhà máy đóng tàu Đà Nẵng.

Theo thỏa thuận tại khoản 1.3 Điều 1 của Hợp đồng và các Phụ lục Hợp đồng kèm theo, đến ngày 27/6/2011, Công ty Vịnh Thuận Phước đã thực hiện việc thanh toán đầy đủ giá trị di dời giải tỏa đền bù Nhà máy đóng tàu Đà Nẵng (bao gồm việc thanh toán tiền chuyển nhượng 1.500.000 cổ phần (vô hình) lợi thế thương mại) cho Nhà máy với số tiền 272 tỷ đồng, theo đúng tiến độ mà hai bên đã ký.

Hợp đồng đã ký, tiền đã chuyển, nghĩa vụ theo thỏa thuận trong Hợp đồng số 18/HĐ/GTĐB-2009 và các Phụ lục kèm theo đã được Công ty Vịnh Thuận Phước thực hiện xong. Tuy nhiên, từ đó đến nay, Vinashin, Công ty TNHH MTV Đóng tàu Đà Nẵng dây dưa, không nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ bàn giao mặt bằng Nhà máy đóng tàu Đà Nẵng cho Công ty Vịnh Thuận Phước. Không những thế, theo ông Nguyễn Đình Chiến, Chủ tịch HĐQT Công ty Vịnh Thuận Phước, đối tác còn có văn bản khiếu nại, tố giác không đúng sự thật lên Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương có thẩm quyền.

“Bỏ qua” chỉ đạo của Thủ tướng

Bất bình trước cách làm việc có một không hai đó của đối tác, Công ty Vịnh Thuận Phước đã gửi đơn thư đi nhiều nơi kêu cứu. Trên cơ sở kết quả thực hiện của UBND Tp. Đà Nẵng và của các Bộ theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 21/12/2012, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có văn bản chỉ đạo Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam thực hiện việc di dời Nhà máy đóng tàu bàn giao mặt bằng cho Công ty Vịnh Thuận Phước.

Thậm chí, UBND Tp. Đà Nẵng cũng đã có tới 4 văn bản đề nghị Vinashin thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng bàn giao mặt bằng cho Công ty Vịnh Thuận Phước trong tháng 2/2013. Đặc biệt, Bộ Giao thông vận tải đã có 3 văn bản đôn đốc, yêu cầu Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải. Trong đó, tại Công văn số 1243/BGTVT-TTr ngày 7/2/2013 đã nêu rõ ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải yêu cầu Vinashin thực hiện việc di dời Nhà máy đóng tàu Đà Nẵng, bàn giao mặt bằng để Công ty Vịnh Thuận Phước thực hiện dự án và Báo cáo kết quả bằng văn bản gửi Bộ GTVT trước ngày 1/3/2013.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, mặc dù ngày 8/4/2013, Tập đoàn Vinashin tuy đã ban hành Quyết định số 145 ngày 7/3/2013 “về việc thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 30/NQ-CNT ngày 23/2/2013 của Hội đồng thành viên về việc di dời Nhà máy đóng tàu Đà Nẵng” nhưng tình trạng vẫn chưa khá hơn.

Đến nay, đã hơn 3 năm trôi qua kể từ khi Đà Nẵng có Quyết định thu hồi đất, Công ty Vịnh Thuận Phước đã nộp 242 tỷ đồng tiền chuyển quyền sử dụng đất và 272 tỷ đồng tiền giải tỏa đền bù di dời Nhà máy đóng tàu Đà Nẵng. Tuy nhiên, việc Vinashin chưa bàn giao mặt bằng đã khiến Công ty Vịnh Thuận Phước phải gánh nhiều thiệt hại nặng nề về tiền lãi vay ngân hàng số tiền trên. Đó là còn chưa kể đến chi phí nhân công, vật liệu xây dựng tăng giá, cơ hội kinh doanh của Công ty bị mất dẫn đến lợi nhuận trong đầu tư dự án không phát sinh. Điều đó khiến Công ty Vịnh Thuận Phước đứng trên bờ vực phá sản. Rõ ràng, trách nhiệm này thuộc về Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam.

Trao đổi với PV qua điện thoại, ông Nguyễn Ngọc Sự, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam cho biết: “Sự việc kéo dài là do hợp đồng giữa hai bên không rõ ràng, dẫn tới tranh chấp về giá, Tập đoàn đã thành lập Ban chỉ đạo để di dời Nhà máy đóng tàu Đà Nẵng. Chắc khoảng vài tháng nữa, mọi việc sẽ xong”. Tuy nhiên, theo ông ông Nguyễn Đình Chiến, Chủ tịch HĐQT Công ty Vịnh Thuận Phước thì khoảng thời gian đó là quá dài. Bởi lẽ, cơ sở vật chất của nhà máy này gần như không có gì.

Có thể khẳng định, lý do mà ông Nguyễn Ngọc Sự đưa ra là không xác đáng. Bởi lẽ, tất cả các văn bản chỉ đạo của cơ quan chức năng đã “bác” điều đó.

Không biết lời hứa của ông Chủ tịch Vinashin rồi có thành hiện thực hay không, câu chuyện còn chưa ngã ngũ, nhưng chỉ biết, CBCNV và lãnh đạo Công ty Vịnh Thuận Phước tiếp tục “dài cổ” ngóng chờ...

Tống Toàn

Nguồn Công Lý: http://congly.com.vn/phap-luat/vu-viec/tap-doan-cong-nghiep-tau-thuy-viet-nam-vinashin-phot-lo-ca-chi-dao-cua-thu-tuong-21520.html