Tạo tiền đề hình thành khu kinh tế thương mại xuyên biên giới Lao Bảo - Đensavẳn

Theo dự kiến, ngày 15-3, tại thị trấn Lao Bảo (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) diễn ra Hội thảo 'Khu Kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo – Đensavẳn: Từ ý tưởng đến hiện thực' do tỉnh Quảng Trị tổ chức. Sự kiện có ý nghĩa quan trọng, qua đó hoàn thiện Đề án Khu Kinh tế thương mại (KTTM) xuyên biên giới và dự thảo Hiệp định song phương trình Chính phủ 2 nước ký kết, tạo tiền đề hình thành một Khu KTTM biên giới chung giữa hai nước.

Hàng hóa đưa từ Việt Nam sang Lào qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo.

Lợi thế đặc biệt

Hiện nay, trên tuyến biên giới Việt - Lào chỉ duy nhất khu vực Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (huyện Hướng Hóa– Đensavẳn (H.Sê Pôn, Savanakhet, Lào) đã thành lập khu kinh tế đối xứng nhau. Theo đó, Khu KTTM đặc biệt Lao Bảo được thành lập vào năm 1998, Khu Thương mại biên giới Đensavẳn cũng hình thành 4 năm sau đó. Quá trình xây dựng và phát triển, đã góp phần làm thay đổi diện mạo của khu vực hai bên biên giới, có đóng góp quan trọng vào sự phát triển của hai tỉnh Quảng Trị và Savannakhet. Tuy nhiên, do các nguyên nhân khách quan và chủ quan nên bên cạnh những kết quả, mục tiêu đạt được còn có những hạn chế; các hoạt động đầu tư, thương mại, dịch vụ tại Khu KTTM đặc biệt Lao Bảo và Khu Thương mại biên giới Đensavẳn chưa được như kỳ vọng. Để phát huy tiềm năng của Khu KTTM đặc biệt Lao Bảo và Khu Thương mại biên giới Đensavẳn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, nâng cao hiệu quả hợp tác hữu nghị Việt Nam - Lào, từ năm 2015 đến nay, tỉnh Quảng Trị đã chủ động đề xuất với Trung ương phương hướng nghiên cứu xây dựng Khu KTTM xuyên biên giới chung Lao Bảo - Đensavẳn. Phía Lào và tỉnh Savannakhet cũng mong muốn hợp tác với Việt Nam nghiên cứu xây dựng Khu KTTM xuyên biên giới nói trên.

Việc xây dựng và phát triển Khu KTTM xuyên biên giới chung Lao Bảo - Đensavẳn có ý nghĩa chiến lược trong thúc đẩy kết nối kinh tế Việt Nam - Lào; góp phần quan trọng thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam – Lào và bảo đảm quốc phòng, an ninh cho cả hai nước. Bên cạnh đó, Khu KTTM này có triển vọng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho cả hai nước. Thời gian gần đây, Đảng, Chính phủ cũng đã quan tâm chỉ đạo việc nghiên cứu xây dựng Khu KTTM nói trên. Ngày 3-11-2022, Bộ Chính trị có Nghị quyết số 26-NQ/TW về phát triển KT-XH và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó nêu rõ: “Đẩy mạnh hợp tác kinh tế qua các cửa khẩu trong vùng gắn với Hành lang kinh tế Đông-Tây. Nghiên cứu thí điểm mô hình khu kinh tế cửa khẩu qua biên giới trên EWEC”.Với chủ trương ý nghĩa này, Quảng Trị đã tích cực phối hợp xây dựng đề án “Khu KTTM xuyên biên giới chung Lao Bảo - Đensavẳn”. Để triển khai thực hiện, tỉnh Quảng Trị thành lập Tổ công tác 626 phối hợp với hai tỉnh Savannakhet và Salavan (Lào) để nghiên cứu các cơ chế, chính sách hợp tác kinh tế xã hội đặc thù của tỉnh Quảng Trị phối hợp với 2 tỉnh Salavan, Savannakhet (Lào), trong đó có nội dung xây dựng Đề án “Khu KTTM xuyên biên giới chung Lao Bảo - Đensavẳn”.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng, Tổ trưởng tổ công tác 626 cho biết trong năm 2023 đã hoàn thành 3 nhóm nhiệm vụ chính, trong đó hoàn thiện Đề án Khu KTTM xuyên biên giới chung Lao Bảo - Đensavẳn, triển khai Văn bản thỏa thuận của 2 Chính phủ Việt Nam - Lào; hỗ trợ các tỉnh của Lào thực hiện công tác quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch Khu KTTM đặc biệt Lao Bảo và Khu Thương mại biên giới Đensavẳn. Và công tác chuẩn bị cho sự kiện hội thảo diễn ra vào trung tuần tháng 3-2024 đã sẵn sàng.

Gian hàng ẩm thực Lào tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (thị trấn Lao Bảo) được tổ chức vào dịp chào đón năm mới 2024.

Kết nối khu vực

Lên biên giới tháng 3 này, chúng tôi cảm nhận không khí rộn ràng ngay từ sự phấn khởi của người dân đôi bên biên giới. Mang đầy hy vọng, chị Peanui (H.Sê Pôn, Savannakhet) bày tỏ về Khu KTTM đa ngành sẽ tạo nhiều cơ hội việc làm hơn, đời sống của người dân sẽ đổi thay lớn. Chị Peanui mong muốn hội thảo sắp tới sẽ thành công tốt đẹp, đạt các mục tiêu.

Dự kiến có hơn 200 đại biểu tham gia Hội thảo để trao đổi các nội dung Đề án thí điểm xây dựng Khu KTTM xuyên biên giới chung Lao Bảo - Đensavẳn, trong đó tập trung quảng bá, giới thiệu tính khả thi và cơ chế, chính sách ưu đãi tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh tại khu KTTM xuyên biên giới chung. Đồng thời giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh, cơ hội đầu tư nhằm thu hút mạnh mẽ nguồn lực đầu tư vào Khu KTTM đặc biệt Lao Bảo và Khu Thương mại biên giới Đensavẳn. Thông qua hội thảo, tạo kênh gặp gỡ, giao lưu trực tiếp, thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa tỉnh Quảng Trị với các tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước và quốc tế, đồng thời lấy ý kiến tham gia của doanh nghiệp về cơ chế, chính sách ưu đãi dự kiến áp dụng tại Khu KTTM xuyên biên giới chung Lao Bảo - Đensavẳn. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh, Hội thảo được tổ chức với quy mô mang tính quốc tế, do đó, yêu cầu công tác chuẩn bị phải chu đáo, kỹ lưỡng trong các khâu, các nội dung phải được rà soát lại để đảm bảo hội thảo đạt chất lượng tốt.

Trong niềm đón đợi về Khu KTTM xuyên biên giới khi thành hiện thực, mang đến kỳ vọng về một vùng kinh tế động lực, cực tăng trưởng mới của tỉnh Quảng Trị, tỉnh Savannakhet nói riêng, tuyến biên giới Việt Nam - Lào nói chung. Hứa hẹn là nơi đóng góp tỷ trọng lớn về giá trị sản phẩm cho kinh tế hai tỉnh, nơi triển khai một số mô hình, dự án sản xuất mới. Đồng thời, Khu KTTM cũng là khu vực trọng điểm ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động địa phương và khu vực phụ cận.

Bảo Hà

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/tao-tien-de-hinh-thanh-khu-kinh-te-thuong-mai-xuyen-bien-gioi-lao-bao-densavan-post291887.html