Tạo thuận lợi để thu hút người dân đi lại bằng xe buýt

Với mục tiêu thu hút ngày càng nhiều đối tượng tham gia sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) bằng xe buýt, thời gian qua, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế hỗ trợ các đơn vị kinh doanh, khai thác đầu tư, thay mới các thiết bị, phương tiện hư hỏng; trợ giá hoạt động; hợp lý hóa luồng tuyến; bổ sung biển báo dừng đỗ, đón trả khách... Mặc dù vậy, phần lớn các tuyến xe buýt trên địa bàn tỉnh vẫn chưa thực sự hoạt động ổn định, sản lượng liên tục sụt giảm; đòi hỏi những nỗ lực của các đơn vị vận hành trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ, nâng cao tỷ lệ hành khách sử dụng dịch vụ.

Dù đã trở lại hoạt động bình thường song lượng khách đi xe buýt tại các tuyến vẫn còn khá ít

Dù đã trở lại hoạt động bình thường song lượng khách đi xe buýt tại các tuyến vẫn còn khá ít

Đã hơn 5 giờ chiều nhưng số lượng hành khách lên xe buýt mang biển kiểm soát 88B - 010.15 tuyến 03 Vĩnh Yên - Sông Lô vẫn khá thưa thớt. Mặc dù đã được điều chỉnh lộ trình tuyến cho phù hợp và hoạt động bình thường từ giữa tháng 6/2021 nhưng lượng khách đi xe đến nay vẫn giảm khoảng 60 - 70% so với trước khi xảy ra dịch Covid-19, doanh thu vì thế cũng sụt giảm mạnh theo.

Đó cũng là thực trạng chung của hầu hết các tuyến xe buýt trên địa bàn tỉnh hiện nay. Lý giải về điều này, ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải ô tô Vĩnh Phúc cho biết: Sau thời gian tạm dừng hoạt động do dịch Covid-19, tâm lý lo ngại dịch bệnh của người dân vẫn còn, họ chủ động phương tiện cá nhân hoặc chuyển sang sử dụng xe dịch vụ hợp đồng cùng sự biến động của giá xăng, dầu liên tục tăng cao khiến các tuyến xe buýt do đơn vị khai thác đang hoạt động cầm chừng, nhất là trong các khung giờ thấp điểm.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 8 tuyến xe buýt công cộng với trên 60 xe, hình thành một mạng lưới hình nan quạt hướng tâm về thành phố Vĩnh Yên do 2 đơn vị vận hành, khai thác; trong đó: Công ty Cổ phần vận tải ô tô Vĩnh Phúc hoạt động trên 6 tuyến: VP-01, VP-03, VP-04, VP-05, VP-06 và VP-08 và Công ty TNHH MTV vận tải ô tô Vĩnh Phúc hoạt động trên 2 tuyến: VP07, VP-09.

Nhằm thu hút ngày càng nhiều đối tượng tham gia sử dụng dịch vụ VTHKCC bằng xe buýt, các đơn vị kinh doanh dịch vụ VTHKCC bằng xe buýt được hỗ trợ lãi suất vay đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng và mua sắm mới phương tiện VTHKCC bằng xe buýt với mức hỗ trợ bằng 80% lãi suất vay trong hạn tại các tổ chức tín dụng và hỗ trợ chi phí cho hoạt động VTHKCC bằng xe buýt (trợ giá) theo Quyết định số 18/2018 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc.

Với cơ chế chính sách trên, năm 2019, toàn bộ các phương tiện đã được đầu tư mới, hiện đại, tiện nghi và đảm bảo tiêu chuẩn khí thải EURO IV theo điều kiện an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường được quy định hiện hành.

Mặc dù hệ thống VTHKCC bằng xe buýt đã được quan tâm, thông qua việc đầu tư đổi mới phương tiện, trợ giá hoạt động VTHKCC bằng xe buýt,...; tuy nhiên sản lượng liên tục suy giảm do luồng tuyến chưa hợp lý, chưa kết nối được các khu vực phát sinh thu hút như các khu đô thị mới, khu công nghiệp; thói quen đi lại bằng phương tiện giao thông cá nhân của người dân (đặc biệt là xe máy do khả năng lưu thông thuận tiện); điều kiện tiếp cận hệ thống VTHKCC bằng xe buýt còn bất cập,... VTHKCC chiếm thị phần khá thấp trong cơ cấu đi lại của người dân trên địa bàn tỉnh, hiện chỉ chiếm 2,57% nhu cầu đi lại, trong đó xe buýt chỉ chiếm 0,44%.

Nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập, tháng 3/2021, UBND tỉnh đã phê duyệt Quyết định triển khai “Đề án nâng cao chất lượng VTHKCC bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025”.

Thực hiện Đề án và hỗ trợ các DN hoạt động trong lĩnh vực này bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, thời gian qua, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản liên quan đến lĩnh vực vận tải để thích ứng kịp thời, linh hoạt, hiệu quả với tình hình dịch bệnh Covid - 19 theo chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh.

Đề xuất bổ sung, điều chỉnh lộ trình hoạt động của 5 tuyến buýt (VP-03; VP-04; VP-06; VP-07; VP-08) và mở mới tuyến buýt VP-10 (Bến xe Lập Thạch - Bến xe Phúc Yên) đảm bảo phù hợp với hạ tầng giao thông và tình hình thực tế, phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của người dân; chỉ đạo Sở GTVT hoàn thiện, bổ sung biển báo dừng đỗ, đón trả khách đảm bảo các tuyến buýt hoạt động đúng lộ trình điều chỉnh; phê duyệt quyết toán kinh phí hỗ trợ hoạt động bằng xe buýt năm 2021...

Cùng với đó, để tăng sức hút, nâng cao tỷ lệ hành khách sử dụng dịch vụ vận tải bằng xe buýt, các DN kinh doanh trong lĩnh vực này không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ như: Chạy đúng giờ, đúng tuyến; cải thiện thái độ đội ngũ lái xe, nhân viên phục vụ...

Ông Hoàng Văn Bản, Trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái (Sở GTVT) cho biết: Nhằm nâng cao chất lượng VTHKCC, thu hút người dân trên địa bàn tỉnh sử dụng dịch vụ vận tải bằng xe buýt và phát triển mạng lưới tuyến đến năm 2025, góp phần giảm lưu lượng xe cá nhân lưu thông trên đường bộ, giảm nguy cơ ùn tắc giao thông trong đô thị và tai nạn giao thông, Sở GTVT tiếp tục đầu tư, hoàn thiện kết cấu hạ tầng phục vụ VTHKCC bằng xe buýt tiên tiến, hiện đại (các điểm đầu cuối, các điểm trung chuyển, các làn đường dành riêng, hệ thống nhà chờ và giao thông tiếp cận, bãi đỗ xe trung chuyển).

Xây dựng phần mềm cung cấp thông tin mạng lưới tuyến, hoạt động VTHKCC bằng xe buýt thông qua các ứng dụng trên điện thoại di động, máy tính, máy tính bảng,… để mọi người dân tiếp cận các dịch vụ VTHKCC được dễ dàng, thuận tiện.

Từng bước nâng cao công tác quản lý, theo dõi chất lượng dịch vụ VTHKCC bằng xe buýt thông qua hệ thống giám sát ứng dụng công nghệ hiện đại như camera, thiết bị giám sát hành trình, kết hợp tăng cường tiếp nhận phản ánh của khách hàng để kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm.

Bài, ảnh: Lưu Nhung

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/82950/tao-thuan-loi-de-thu-hut-nguoi-dan-di-lai-bang-xe-buyt.html