Tạo sự phát triển bứt phá của Thủ đô trong tương lai

Từ định hướng của quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thành phố Hà Nội đã triển khai xây dựng và hoàn thành các đồ án quy hoạch phân khu đô thị, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để quản lý, xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại.

Khu vực ngoài đê sông Hồng đoạn cầu Nhật Tân. (Ảnh DUY ÐĂNG)

Sau nhiều năm chờ đợi, người dân Hà Nội sinh sống ở khu vực vùng bãi sông Hồng, sông Ðuống rất phấn khởi khi quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, với diện tích gần 11.000 ha và quy hoạch phân khu đô thị sông Ðuống với diện tích hơn 1.150 ha được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phê duyệt. Cùng với đó, đồ án quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm cũng đã được phê duyệt, giúp thành phố có cơ sở để quản lý, khai thác hiệu quả, đồng bộ cả phần không gian nổi và không gian ngầm khu vực trung tâm Thủ đô.

Trục không gian mới ở Thủ đô

Trong khi những đô thị lớn trên thế giới luôn lấy những dòng sông làm trục trung tâm để phát triển, thì nhiều năm qua thành phố Hà Nội "quay lưng" ra sông, bỏ quên việc khai thác giá trị các dòng sông để kiến tạo một trục không gian, hành lang xanh quan trọng và kết nối hai bên bờ sông. Ðiều đó khiến khu vực bãi sông Hồng, sông Ðuống thuộc địa bàn Hà Nội trở thành khu vực phức tạp về môi trường, quản lý dân cư, đất đai, trật tự xây dựng.

Hai đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng và quy hoạch phân khu đô thị sông Ðuống đã mở ra hướng phát triển mới cho Thủ đô bằng việc định hướng đầu tư xây dựng nhiều tuyến đường, cây cầu mới bắc qua sông; di dời, tái định cư tại chỗ một số hộ dân trong phạm vi bảo vệ đê điều, khu vực bị sạt lở, mất an toàn và nhất là tập trung đầu tư cải tạo, nâng cấp các công trình hạ tầng để nâng cao chất lượng cuộc sống người dân tại các khu dân cư được phép tồn tại, đáp ứng mong mỏi của đông đảo cư dân. Anh Phạm Văn Sơn, sống tại khu vực bãi sông Hồng thuộc phường Yên Phụ (quận Tây Hồ) cho biết, mặc dù khu dân cư đã tồn tại ổn định nhiều năm nay, nhưng do không nằm trong danh mục các khu dân cư được tồn tại theo quy hoạch phòng, chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình, cho nên người dân rất lo lắng, không biết có phải di dời chỗ ở hay không.

Vì thế, ngay khi quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng công bố, trong đó cho phép các khu dân cư hiện có ở bãi sông thuộc các quận Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Ba Ðình, Hai Bà Trưng không ở khu vực lòng sông co hẹp, có nguy cơ mất an toàn khi lũ lớn được tồn tại thì người dân như trút được gánh nặng, yên tâm an cư, lạc nghiệp.

Theo thống kê của Sở Quy hoạch-Kiến trúc Hà Nội, triển khai các quy hoạch phân khu sẽ tác động đến cuộc sống của gần 258 nghìn người dân hai bên sông Hồng, sông Ðuống, song chủ yếu tác động theo hướng tích cực nhằm ổn định, nâng cao điều kiện sống cho người dân khu vực vùng bãi. Các khu vực được tồn tại, bảo vệ, chỉnh trang, tái thiết đô thị sẽ ưu tiên thực hiện các công trình hạ tầng phục vụ dân cư. Các khu vực có nhóm nhà ở hiện có xuống cấp có thể cải tạo xây dựng mới, tái thiết để xây dựng các công trình hoặc cụm công trình theo hướng giảm mật độ xây dựng, dành không gian trống cho sân, vườn, giao thông nội bộ,...

Một chức năng quan trọng khác được định hướng rõ trong quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, sông Ðuống là thành phố khai thác quỹ đất phát triển mới tạo lập diện mạo đô thị hai bên sông, hướng thành phố ra sông. Nhận định về ý tưởng quy hoạch này, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội, Ðào Ngọc Nghiêm cho biết, đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, với quy mô gần 11.000 ha đất, trong đó ngoài diện tích mặt nước gần 3.600 ha, còn lại là đất bãi, đất ở dân dụng, đất cây xanh, hạ tầng kỹ thuật… đã tạo ra quỹ đất lớn gần gấp hai lần quỹ đất khu nội đô lịch sử, thể hiện sự năng động, quyết liệt của thành phố. Ðây là cơ sở quan trọng để Hà Nội khai thác tiềm năng khu vực hai bên sông Hồng, đưa sông Hồng trở thành trục không gian trung tâm của Thủ đô.

Hoàn thiện "bức tranh" quy hoạch

Với mục tiêu tổ chức không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội và nhà ở để tạo lập môi trường sống thích hợp cho người dân, thời gian qua, thành phố Hà Nội rất quan tâm đến công tác lập, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch. Ðến cuối năm 2021, thành phố đã phê duyệt toàn bộ 33 đồ án quy hoạch chung; 32 đồ án quy hoạch chung xây dựng các huyện; 33/35 đồ án quy hoạch phân khu đô thị. Tỷ lệ diện tích được phủ kín quy hoạch xây dựng đạt hơn 95%. Bên cạnh đó, các quy hoạch hạ tầng kỹ thuật, quy hoạch chi tiết, quy hoạch đặc thù… cũng được triển khai đồng bộ.

Các quy hoạch lập mới và điều chỉnh từng bước đã giải quyết được các vướng mắc trong quá trình đầu tư, tạo thuận lợi cho cấp phép xây dựng, quản lý trật tự xây dựng. Với quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, sông Ðuống, mảnh ghép cuối cùng vừa được phê duyệt, thành phố Hà Nội đã hoàn thành "bức tranh" quy hoạch phân khu đô thị.

Một điểm nhấn nổi bật khác là thành phố Hà Nội vừa phê duyệt quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thuộc địa giới 20 quận, huyện, với nhiều nội dung mới được đề cập như đường bộ, đường sắt đô thị ngầm, bãi đỗ xe công cộng ngầm, công trình công cộng và hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngầm. Quy hoạch không gian ngầm xác định, trong khu vực nội đô lịch sử (từ vành đai 2 vào trung tâm) sẽ đẩy mạnh phát triển không gian ngầm, còn khu vực nội đô mở rộng (từ vành đai 2 đến vành đai xanh sông Nhuệ) sẽ tăng cường liên kết các không gian ngầm cục bộ tại các công trình đã và đang hình thành, tạo thành hệ thống liên hoàn.

Thành phố định hướng đầu tư sáu tuyến đường sắt đô thị ngầm, với tổng chiều dài khoảng 86,5 km, 81 ga ngầm, trong đó tập trung xây dựng các nhà ga trở thành hạt nhân phát triển không gian công cộng ngầm và 78 bãi đỗ xe công cộng ngầm kết hợp thương mại dịch vụ với tổng diện tích hơn 104 ha tại khu vực bốn quận nội thành (cũ).

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Dương Ðức Tuấn đánh giá, quy hoạch không gian xây dựng ngầm đô thị có phạm vi nghiên cứu rộng, quy mô lớn, độ phức tạp chuyên môn cao, lần đầu tiên thực hiện và liên quan nhiều bộ, ngành, lĩnh vực, cấp quản lý từ Trung ương đến địa phương. Ðồ án tạo lập thêm không gian phát triển đô thị ngầm rộng lớn cho khu vực trung tâm thành phố khi phần không gian trên mặt đất với mật độ đô thị cao và cơ bản đã khai thác; đồng thời tạo sự đồng bộ, hiệu quả trong việc quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả cả phần không gian nổi với không gian ngầm trong khu vực đô thị trung tâm.

Mới đây, phát biểu tại buổi lễ công bố quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, sông Ðuống, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh khẳng định, thành phố xác định quy hoạch phải đi trước một bước, làm cơ sở cho quản lý, phát triển đô thị và hình thành các dự án đầu tư xây dựng đồng bộ về hạ tầng và cải thiện điều kiện sống của người dân theo hướng văn minh, hiện đại. Các đồ án được duyệt là cơ sở pháp lý quan trọng để lập quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, quản lý xây dựng theo quy hoạch, hình thành các trục không gian đặc trưng, với các chức năng chính là công trình công cộng, công viên cây xanh, khu văn hóa lịch sử, dịch vụ du lịch, giải trí biểu tượng của Thủ đô.

Ðể các đồ án quy hoạch phân khu đô thị sớm đi vào thực tiễn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố giao Sở Quy hoạch-Kiến trúc chủ trì, phối hợp ủy ban nhân dân các quận, huyện tổ chức công bố công khai quy hoạch cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân biết, thực hiện. Ủy ban nhân dân các quận, huyện liên quan lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 để chỉnh trang các khu dân cư hiện có mà được tồn tại, bảo vệ; xác định cụ thể pháp lý về sử dụng đất đối với từng lô đất trong khu dân cư, làm cơ sở cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và cấp giấy phép xây dựng theo quy định.

Việc hoàn thành quy hoạch mở ra nhiều kỳ vọng về sự phát triển bứt phá của Thủ đô trong những năm tới. Song, theo kiến trúc sư Ðào Ngọc Nghiêm, vẫn còn nhiều việc phải làm, nhất là đối với quy hoạch phân khu đô thị của hai dòng sông như xây dựng các dự án chi tiết, xác định nguồn lực và chọn hướng ưu tiên… Ðặc biệt là kiểm tra, quản lý, giám sát xây dựng theo quy hoạch, xử lý nghiêm các trường hợp sai quy hoạch; chống lấn chiếm, nhất là sau khi hình thành các tuyến đường theo quy hoạch. Nếu không thực hiện tốt, thì khoảng cách giữa những bản vẽ và thực tế còn rất xa.

Ngọc Thanh

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-tuc-xa-hoi/tao-su-phat-trien-but-pha-cua-thu-do-trong-tuong-lai-693765/