Tạo sự linh hoạt, chủ động cho UBND cấp huyện điều tiết số lượng, cơ cấu giáo viên

Đó là một trong những kiến nghị của huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh tại cuộc làm việc với Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, sáng 1.4, về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về nhà giáo.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa - Trưởng đoàn khảo sát, phát biểu tại cuộc làm việc

Việc tuyển dụng giáo viên hiện nay được thực hiện theo Luật Viên chức năm 2010, Nghị định của Chính phủ và các Thông tư hướng dẫn của Bộ Nội vụ; Phòng Nội vụ chủ trì, phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo tham mưu UBND huyện thực hiện quy trình tuyển dụng, bố trí, sử dụng.

Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê Trần Quốc Bảo cho rằng, việc quy định phân cấp tuyển dụng viên chức như vậy chưa phù hợp, gây khó khăn cho các địa phương trong việc chủ động chỉ đạo, tổ chức thực hiện tuyển dụng viên chức (ngành Giáo dục được giao biên chế trong khi thẩm quyền tuyển dụng lại thuộc ngành Nội vụ).

Ngành Giáo dục không được chủ động tuyển dụng, sử dụng giáo viên, điều này trên thực tế đã gây khó khăn cho công tác quản lý, chỉ đạo hoạt động dạy và học, nâng cao chất lượng giáo dục, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Theo Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng, nên tính toán biên chế đối với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cũng như các phòng chuyên môn khác, trong khi phải đảm đương nhiều việc hơn

Ông Trần Quốc Bảo cũng kiến nghị, cần có quy chế tuyển dụng riêng để thu hút giáo viên thực sự có năng lực về chuyên môn, tâm huyết với nghề.

Việc bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, biệt phái đối với nhà giáo cần gắn với tình hình thực tế của địa phương và đặc thù hoạt động dạy học; tạo sự linh hoạt, chủ động cho UBND cấp huyện điều tiết số lượng, cơ cấu giáo viên tiểu học, THCS để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong từng năm học.

Chủ tịch UBND huyện Hương Khê Ngô Xuân Ninh cho rằng, cần nghiên cứu các chính sách đối với giáo viên trên địa bàn khó khăn, nhất là với giáo viên bậc mầm non và tiểu học, vì có yếu tố đặc thù

Bên cạnh đó, cần bổ sung các quy định cụ thể để xác định tiêu chuẩn tuyển dụng nhà giáo; xác định quy trình tuyển dụng, bổ nhiệm, chế độ làm việc đối với nhà giáo; xác định điều kiện, quy trình thuyên chuyển công tác; xác định điều kiện, quy trình đánh giá, xếp loại, thay đổi chức danh nghề nghiệp đối với nhà giáo.

Bổ sung chế độ phụ cấp thâm niên nghề nghiệp đối với cán bộ quản lý giáo dục tại Phòng Giáo dục và Đào tạo; trong những trường hợp do yêu cầu của nhiệm vụ, nhà giáo được bổ nhiệm, luân chuyển, biệt phái sang làm công tác quản lý giáo dục, không trực tiếp giảng dạy, giáo dục thì được bảo lưu thâm niên nghề nghiệp và một số phụ cấp khác như nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy.

Đại diện các trường học trên địa bàn huyện Hương Khê mong muốn có chính sách đối với giáo viên ngoài công lập, giáo viên dạy học sinh dân tộc rất ít người tại các trường công lập

Đoàn khảo sát ghi nhận sự quan tâm đầu tư cho giáo dục nói chung, với đội ngũ nhà giáo nói riêng của tỉnh Hà Tĩnh cũng như của huyện Hương Khê. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa - Trưởng đoàn khảo sát cho biết, việc xây dựng luật dành riêng cho nhà giáo là mong muốn đã có từ rất lâu, nhằm tác động tích cực đến việc phát triển đội ngũ nhà giáo đúng hướng, đúng tầm. Tuy nhiên, việc xây dựng Luật Nhà giáo không dễ, vì các quy định liên quan đến đối tượng nhà giáo đang nằm rải rác khắp nơi, chồng chéo, ràng buộc lẫn nhau.

Các ý kiến tại cuộc làm việc sẽ được tập hợp, nghiên cứu, tiếp thu phục vụ quá trình thẩm tra dự án Luật Nhà giáo cũng như góp ý xây dựng các chính sách pháp luật liên quan đến nhà giáo, "để nhà giáo sống được bằng nghề, có điều kiện tốt nhất để hành nghề, được xã hội tôn vinh", Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa nhấn mạnh.

Nhật Linh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/tao-su-linh-hoat-chu-dong-cho-ubnd-cap-huyen-dieu-tiet-so-luong-co-cau-giao-vien--i364887/