Tạo sự đồng thuận trong triển khai Mô hình Trường học mới cấp THCS

GD&TĐ - Thanh Hóa là tỉnh dẫn đầu cả nước về số trường đăng ký triển khai thí điểm Mô hình Trường học mới (VNEN) ở cấp THCS. Sau một năm thí điểm, nhiều khó khăn, thách thức dần được khắc phục, năm học này, Thanh Hóa tự tin tiếp tục triển khai mô hình này ở lớp 6 và lớp 7.

Năm học 2016 - 2017, Thanh Hóa có 78 trường THCS tham gia dạy học theo Mô hình VNEN ở khối lớp 7, trong đó có 40 trường triển khai ở khối lớp 6.

Ông Hoàng Văn Giao – Phó Trưởng phòng Trung học, Sở GD&ĐT Thanh Hóa - cho biết: Sau một năm thí điểm, các trường đã nhận thức rõ những điểm nổi trội của chương trình dạy học VNEN. Đó là cách thức tổ chức dạy học hướng tới mục tiêu hình thành và phát triển phẩm chất và năng lực người học theo tinh thần Nghị Quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Giáo viên chuyển từ cách dạy truyền thụ là chính sang cách dạy tổ chức hoạt động học cho HS, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả bài dạy, HS được tham gia hoạt động học tập nhiều hơn, năng động hơn.

Bên cạnh đó, cách đánh giá theo Mô hình Trường học mới không dựa trên điểm bình quân như cách dạy truyền thống mà đánh giá dựa vào điểm từng môn học, giúp đánh giá đúng năng lực HS, từ đó bồi dưỡng những điểm còn yếu kém của HS.

Ngay từ đầu năm học 2016 - 2017, Sở GD&ĐT Thanh Hóa đã tổ chức Hội nghị đánh giá và lấy ý kiến của cán bộ giáo viên các trường tham gia VNEN, để từ đó có những bài học kinh nghiệm sau một năm thí điểm để thực hiện tốt hơn cho năm học mới.

Đồng thời, tiếp tục tập huấn cho giáo viên về phương pháp dạy học VNEN. Một trong những giải pháp triển khai là Sở GD&ĐT đang xây dựng tiêu chí đánh giá giờ dạy của giáo viên dạy VNEN để đánh giá, xếp loại giáo viên, khuyến khích giáo viên thi đua dạy tốt, đồng thời góp phần cho cán bộ quản lý đánh giá được năng lực của giáo viên.

Chủ trương là vậy, nhưng thực tế nhiều trường vẫn gặp khó khăn về cơ sở vật chất nên chưa đáp ứng được yêu cầu tổ chức hoạt động dạy học cho HS. Một số trường thiếu máy vi tính, chưa có phòng học môn Tin học. Một số trường còn thiếu giáo viên môn Tin học, Hoạt động giáo dục, ảnh hưởng không nhỏ đến việc tổ chức thực hiện chương trình giáo dục. Một số trường có sĩ số HS cao (40 - 45 HS/lớp) rất khó khăn trong tổ chức hoạt động học, như: Trường THCS Đông Cương (TP Thanh Hóa), THCS Quảng Tiến (TX Sầm Sơn)…

Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên dạy lớp 6 lần đầu làm quen với cách thức tổ chức dạy học mới, dù đã được tập huấn, nhưng còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng khi tiếp cận với chương trình, sách giáo khoa, đặc biệt là quy trình tổ chức hoạt động học cho HS, nên chất lượng giờ dạy còn hạn chế. Nhiều HS miền núi, bãi ngang, HS dân tộc thiểu số còn khó khăn trong việc mua bộ sách giáo khoa theo VNEN (giá 380.000 đồng, gồm cả sách Tiếng Anh và do mới thí điểm nên HS phải mua hoàn toàn sách mới).

Ông Hoàng Văn Giao chia sẻ: Những khó khăn ban đầu dần được khắc phục, tuy nhiên điều quan trọng là công tác tuyên truyền của ngành Giáo dục đến các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, gia đình HS về chủ trương, mục tiêu, nội dung, phương thức và hiệu quả của việc triển khai Mô hình Trường học mới cấp THCS còn hạn chế dẫn đến việc chưa tạo được sự đồng thuận cao trong cộng đồng.

Vì vậy, đầu năm học mới, Sở GD&ĐT đã có văn bản về triển khai Mô hình Trường học mới, yêu cầu các đơn vị, trường học cần tăng cường tuyên truyền để nhân dân, xã hội nhận thức đầy đủ hơn về Mô hình Trường học mới nhằm tạo niềm tin trong phụ huynh HS và xã hội; tích cực tham mưu với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, phòng học Tin học, máy tính, trang thiết bị phục vụ dạy học, tài chính, đội ngũ giáo viên cho các trường THCS triển khai VNEN.

“Hiện nay, Sở GD&ĐT đã có văn bản đề xuất UBND tỉnh hỗ trợ một phần kinh phí cho các trường THCS dạy Mô hình Trường học mới để chia sẻ một phần những khó khăn với các trường dạy học mô hình này” – Ông Hoàng Văn Giao cho biết thêm.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/tao-su-dong-thuan-trong-trien-khai-mo-hinh-truong-hoc-moi-cap-thcs-2533076-b.html