Tạo sự đồng thuận, gỡ vướng trong xây dựng các cụm công nghiệp

Sáng 27/3, đồng chí Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang chủ trì hội nghị kiểm điểm tiến độ thực hiện một số dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí Phan Thế Tuấn phát biểu chỉ đạo.

Cùng dự, có đại diện các Sở: Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng; UBND các huyện, TP và chủ đầu tư một số CCN liên quan.

Đến ngày 10/3, tỉnh Bắc Giang đã thành lập 54 CCN, tổng diện tích 2.168 ha. Hiện 32 CCN có hạ tầng kỹ thuật đi vào hoạt động, tổng diện tích 1.010 ha. Trong đó, diện tích đất công nghiệp đã cho doanh nghiệp (DN) thứ cấp thuê 517 ha với 248 dự án. 223 dự án đã đi vào hoạt động, tạo việc làm cho hơn 46 nghìn lao động; 25 dự án đang triển khai đầu tư xây dựng.

Toàn tỉnh có 16 CCN do UBND cấp huyện làm chủ đầu tư, tổng diện tích 202 ha, cơ bản đã lấp đầy; có 38 CCN do DN làm chủ đầu tư, tổng diện tích 1.966 ha. Trong đó, có một số cụm cơ bản đã đầu tư xong hạ tầng, đang thu hút các nhà đầu tư thứ cấp.

Thời gian qua, một số CCN đã đầu tư xây dựng đồng bộ. Tuy nhiên, vẫn còn một số huyện và chủ đầu tư CCN chưa quyết liệt trong triển khai công việc liên quan. Nhiều dự án chưa hoàn thiện thủ tục về chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa; một số CCN khó bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB), mặc dù phần diện tích còn lại rất ít, dẫn đến chậm tiến độ.

Đại diện các chủ đầu tư, UBND các huyện, TP, các sở liên quan đã nêu những khó khăn, vướng mắc và hướng tháo gỡ trong các công đoạn triển khai xây dựng CCN, đặc biệt là GPMB.

Đại diện chủ đầu tư CCN Đại Lâm (Lạng Giang) chia sẻ, hiện đơn vị đang vướng trong khâu chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa, với 3 lần gia hạn hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ, thời gian kéo dài từ giữa năm 2021 đến nay.

Quang cảnh hội nghị.

Đại diện UBND huyện Hiệp Hòa cho biết, từ nay đến hết tháng 4/2023, huyện sẽ tổ chức cưỡng chế các hộ không nhận tiền đền bù bồi thường GPMB, giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư.

Theo đại diện Sở Tài Nguyên và Môi trường, hiện toàn tỉnh có 35 dự án đang vướng mắc trong việc chuyển đổi đất lúa. Trong đó, có một số dự án CCN. Hiện Sở đã cho rà soát và thống kê toàn bộ dữ liệu đất lúa của 35 dự án này, sẽ sớm trình Bộ Tài nguyên và Môi trường xin chuyển đổi. Các dự án CCN còn có trường hợp vướng mắc về GPMB, đề nghị các huyện, TP và chủ đầu tư gửi hồ sơ để Sở để xem xét, tìm hướng giải quyết.

Đại diện Sở Công Thương cho hay, Sở đã thành lập bộ phận chuyên trách tổng hợp, theo dõi tiến độ xây dựng, đầu tư của các CCN nhằm bảo đảm tiến độ thực hiện các dự án CCN trên địa bàn. Đề nghị UBND các huyện, TP, chủ đầu tư phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan để kịp thời giải quyết vướng mắc.

Sau khi chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho từng dự án CCN đang chậm tiến độ, đồng chí Phan Thế Tuấn yêu cầu Sở Công Thương tăng cường kiểm tra, đôn đốc, rà soát, đánh giá toàn diện tiến độ thực hiện đối với các CCN. Chủ động làm việc với các địa phương, chủ đầu tư, sở, ngành liên quan, kịp thời giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Báo cáo tiến độ và đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh có biện pháp chỉ đạo hằng tháng, hằng quý hoặc theo tình hình thực tế thực hiện.

Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn, đôn đốc các địa phương, chủ đầu tư trong quá trình thiết lập hồ sơ chuyển đổi mục đích đất trồng lúa; chủ trì, phối hợp với chủ đầu tư nắm bắt tiến độ giải quyết của các cơ quan T.Ư về chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa theo tiến độ đề ra. Hướng dẫn và kịp thời giải quyết những khó khăn đối với công tác bồi thường GPMB, hoàn thiện hồ sơ thuê đất theo tiến độ đề ra và những thủ tục thuộc lĩnh vực chuyên ngành của Sở.

Đồng chí trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương phát biểu tại hội nghị.

Sở Xây dựng đôn đốc, yêu cầu UBND các huyện: Yên Thế, Tân Yên, Việt Yên, Hiệp Hòa, Lạng Giang, Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động rà soát phù hợp với quy hoạch chung đô thị, quy hoạch xây dựng vùng huyện đối với 10 CCN mới được thành lập, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các huyện, TP, chỉ đạo cơ quan chuyên môn, UBND cấp xã tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ GPMB các CCN; xây dựng cụ thể lộ trình, thời gian, phân công trách nhiệm cho tổ chức, cá nhân trong công tác GPMB; kịp thời bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư để tổ chức thi công. Phối hợp với chủ đầu tư các CCN tăng cường tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận của nhân dân, người có đất thu hồi trong quá trình thực hiện các CCN trên địa bàn.

Chủ đầu tư các CCN bảo đảm đủ kinh phí; chủ động làm việc với UBND cấp huyện, các sở, ngành để kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện theo thẩm quyền. Trường hợp vượt quá thẩm quyền thì báo cáo Sở Công Thương tổng hợp, tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, giải quyết.

Tin, ảnh: Thế Đại

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/401814/tao-su-dong-thuan-go-vuong-trong-xay-dung-cac-cum-cong-nghiep.html