Tạo nguồn nhân lực chất lượng cho quê hương

Xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp, nhất là cấp chiến lược có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực ở nông thôn là một trong những chương trình trọng tâm được Tỉnh ủy xác định trong giai đoạn 2021 - 2025 nhằm khắc phục điểm nghẽn, nút thắt về chất lượng nguồn nhân lực.

Những kết quả bước đầu

Từ nhiều năm trước, tỉnh ta đặc biệt quan tâm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao. Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành nhiều quyết sách quan trọng để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) cũng như kỹ năng, tay nghề cho người lao động qua định hướng đào tạo theo nhu cầu xã hội. Tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại địa phương, giai đoạn 2020 - 2025, Tỉnh ủy ban hành Chương trình số 08-CTr/TU, ngày 16/7/2021 về xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp, nhất là cấp chiến lược có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực ở nông thôn nhằm khắc phục điểm nghẽn, nút thắt về chất lượng nguồn nhân lực giai đoạn 2021 - 2025. Chương trình xác định 10 mục tiêu và được cụ thể hóa bằng 2 đề án: Đề án số 06-ĐA/TU, ngày 29/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025 và Đề án phát triển giáo dục nghề nghiệp, nâng cao chất lượng lao động nông thôn giai đoạn 2021 - 2025.

Sau hơn nửa nhiệm kỳ triển khai, việc thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU ghi nhận những kết quả nhất định. Tỉnh ủy ban hành các văn bản về công tác quy hoạch cán bộ; xây dựng quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý của tỉnh; rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý; rà soát, bổ sung quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý của tỉnh, các sở, ban, ngành, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và tương đương, các huyện ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy, nhiệm kỳ 2020 - 2025, 2021 - 2026 và nhiệm kỳ 2025 - 2030, 2026 - 2031 (năm 2023). Đến nay có 52/55 đơn vị thực hiện công tác rà soát bổ sung quy hoạch nhiệm kỳ 2020 - 2025, 2021 - 2026, nhiệm kỳ 2025 - 2030, 2026 - 2031. Phê duyệt quy hoạch ban chấp hành, ban thường vụ và các chức danh chủ chốt của tỉnh, các chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý các sở, ban, ngành, MTTQ, các đoàn thể tỉnh và tương đương; các huyện, Thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy nhiệm kỳ mới.
Hoàn thiện hồ sơ đối với các đồng chí được quy hoạch các chức danh chủ chốt cấp tỉnh, nhiệm kỳ mới trình Bộ Chính trị, Ban Tổ chức Trung ương xem xét, phê duyệt. Công tác rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp được thực hiện thường xuyên, kịp thời, đảm bảo theo đúng quy định và mục tiêu đề ra.

Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong hệ thống chính trị, Tỉnh ủy chú trọng đến công tác bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho đội ngũ CBCCVC, nhất là cán bộ quản lý các cấp; rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý, trên cơ sở đó có kế hoạch cử CBCCVC đi đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Riêng năm 2023, tỉnh đào tạo đại học cho 42 cán bộ xã; các cơ quan, đơn vị chọn cử 81 CBCCVC đi đào tạo sau đại học, 81 cán bộ, công chức được đào tạo cao cấp lý luận chính trị, 358 cán bộ được đào tạo trung cấp lý luận chính trị; trên 15.000 CBCCVC được bồi dưỡng nghiệp vụ, chuyên môn thường xuyên.

Sau hơn nửa nhiệm kỳ, toàn tỉnh tổ chức 116 hội nghị truyền thông, định hướng nghề nghiệp, tư vấn học nghề cho trên 27.000 lượt người; tố chức 6 diễn đàn khởi nghiệp cho học sinh, đoàn viên thanh niên với 3.288 lượt người tham gia; tổ chức hoạt động hưởng ứng ngày kỹ năng thanh niên thế giới và ngày kỹ năng lao động Việt Nam với 240 người tham gia. Từ năm 2021 đến nay, mỗi năm đào tạo nghề cho khoảng 5.000 người với nhiều lĩnh vực, trình độ khác nhau, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 46,6% lên gần 50% năm 2023…

Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Trùng Khánh Nông Văn Bộ cho biết: Thực hiện Chương trình số 08- CTr/TU của Tỉnh ủy, Huyện ủy Trùng Khánh ban hành Chương trình số 06-CTr/HU ngày 1/3/2021 về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong CBCCVC trên địa bàn huyện giai đoạn 2020 - 2025. Từ Chương trình số 06-CTr/HU, huyện triển khai thực hiện tốt công tác khảo sát, dự báo và quy hoạch nguồn nhân lực. Trong đó, chú trọng quy hoạch đội ngũ cán bộ trẻ; chú trọng phát triển nguồn cán bộ là người dân tộc thiểu số tại địa phương, vì đây là nguồn nhân lực tại chỗ lâu dài. Công tác đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm, bảo vệ chính trị nội bộ được chú trọng hơn. Cụ thể, huyện cử gần 3.500 CBCCVC đi đào tạo đại học, sau đại học, tham gia các lớp bồi dưỡng về chính trị, chuyên môn nghiệp vụ,… Đa số cán bộ, đảng viên sau khi được đào tạo, bồi dưỡng phát huy được năng lực, sở trường trong công tác, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ đề ra.

Tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Với những kết quả đạt được trong hơn nửa nhiệm kỳ qua sẽ là động lực để các địa phương trong tỉnh tiếp tục dành sự quan tâm, đầu tư thỏa đáng để phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Bí thư Huyện ủy Quảng Hòa Đỗ Văn Thắng nhận định: Huyện tiếp tục xác định một số giải pháp quan trọng cần thực hiện trong thời gian tới, đó là tiếp tục đổi mới công tác cán bộ, trước hết là công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; làm tốt công tác đánh giá, xếp loại, sử dụng cán bộ; xây dựng và thực hiện hiệu quả các chính sách, biện pháp khuyến khích CBCCVC tiếp tục học tập, rèn luyện nâng cao trình độ về mọi mặt, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo hướng toàn diện…, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Các địa phương quan tâm đào tạo nghề, tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho lao động địa phương, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên gần 50% năm 2023.

Theo Chương trình số 08-CTr/TU của Tỉnh ủy, trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục bố trí nguồn lực để đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao ở một số lĩnh vực quan trọng của tỉnh; tạo môi trường làm việc tốt, tôn trọng và phát huy năng lực của cán bộ. Chú trọng bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, khuyến khích tinh thần tự học tập, tự đào tạo, tự nghiên cứu để nâng cao năng lực làm việc của đội ngũ CBCCVC. Thực hiện một số đổi mới trong công tác giới thiệu, tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, đa dạng hóa các hình thức, các phương pháp đào tạo nghề phù hợp với đối tượng học nghề và với tình hình phát triển kinh tế - xã hội. Chú trọng đào tạo, đào tạo lại lực lượng lao động phải chuyển đổi nghề nghiệp; đào tạo nghề cho lao động nông thôn, chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao chất lượng lao động ở nông thôn, góp phần nâng cao năng suất lao động, nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo nói riêng và chất lượng lao động của tỉnh nói chung.

Minh Hòa

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/tao-nguon-nhan-luc-chat-luong-cho-que-huong-3167308.html