Tạo môi trường lành mạnh để trẻ phát triển toàn diện

Để phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, Sở GDĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục chủ động thực hiện các giải pháp nhằm xây dựng trường học an toàn, tạo môi trường học tập lành mạnh để trẻ phát triển toàn diện.

Học sinh Trường THCS Hội Hợp, thành phố Vĩnh Yên tìm hiểu các kỹ năng tự bảo vệ khi bị xâm hại. Ảnh: Trà Hương

Học sinh Trường THCS Hội Hợp, thành phố Vĩnh Yên tìm hiểu các kỹ năng tự bảo vệ khi bị xâm hại. Ảnh: Trà Hương

Trường tiểu học Liên Minh, thành phố Vĩnh Yên đã thực hiện nhiều biện pháp ngăn chặn nguy cơ bạo hành, xâm hại trẻ trong và ngoài nhà trường. Cô giáo Bùi Thanh Hải, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Để xây dựng môi trường học tập an toàn, hạnh phúc, Ban Giám hiệu tổ chức bồi dưỡng cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên về đạo đức nghề nghiệp; giáo viên thường xuyên trò chuyện, phát hiện tâm lý bất thường của trẻ để có biện pháp xử lý kịp thời.

Tại các tiết học kỹ năng sống, sinh hoạt và hoạt động ngoại khóa, nhà trường thường xuyên tuyên truyền nguyên tắc “5 ngón tay” trong giao tiếp với người khác để các em dễ ghi nhớ; tổ chức các hoạt động văn hóa-văn nghệ, thể dục-thể thao lành mạnh, bổ ích… nhằm tạo mối đoàn kết, nâng cao nhận thức về xã hội của trẻ".

Công an huyện Sông Lô hướng dẫn kỹ năng phòng, chống bạo lực, xâm hại cho học sinh Trường tiểu học và THCS Như Thụy, huyện Sông Lô. Ảnh: Trà Hương

Công an huyện Sông Lô hướng dẫn kỹ năng phòng, chống bạo lực, xâm hại cho học sinh Trường tiểu học và THCS Như Thụy, huyện Sông Lô. Ảnh: Trà Hương

Với các trường phổ thông, học sinh đang ở độ tuổi dậy thì, có nhiều thay đổi về tâm, sinh lý, vì vậy, việc trang bị kiến thức, kỹ năng tự vệ an toàn để phòng, chống bạo lực và xâm hại được các nhà trường chú trọng thực hiện.

Thầy giáo Nguyễn Hữu Thắng, Bí thư Đoàn Thanh niên Trường THPT Nguyễn Viết Xuân, huyện Vĩnh Tường chia sẻ: “Ngay từ đầu năm học, nhà trường đã thực hiện ký cam kết với phụ huynh và học sinh về việc chấp hành nội quy của nhà trường, nhất là vấn đề bạo lực học đường, phòng chống xâm hại.

Nhà trường thường xuyên thông tin về thực trạng bạo lực học đường, xâm hại tình dục đối với trẻ em, học sinh; cách nhận biết nguy cơ bị bạo lực, xâm hại và xây dựng các kỹ năng cần thiết để bảo vệ bản thân; thành lập tổ tư vấn học đường, xây dựng các chương trình hoạt động ngoại khóa cho học sinh với chủ đề theo tuần, qua đó, nắm bắt tâm lý để có biện pháp giúp các em phát triển một cách toàn diện".

Bên cạnh sự chủ động của các nhà trường, mới đây, Hội LHPN huyện Sông Lô phối hợp với Công an huyện tổ chức buổi truyền thông về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em trong nhà trường năm 2022 tại Trường tiểu học và THCS Như Thụy.

Tại buổi truyền thông, học sinh và giáo viên nhà trường đã được cung cấp một số kiến thức về phòng, chống tệ nạn xã hội, bạo lực học đường; hướng dẫn kỹ năng cần thiết để tự bảo vệ bản thân khỏi nạn xâm hại tình dục; cách nhận biết nguy cơ, hành vi, lời nói quấy rối… Thông qua đó, góp phần ngăn ngừa, hạn chế thấp nhất các trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục.

Đồng chí Lê Thị Phương Hoa, Phó trưởng Phòng Bảo trợ xã hội và Trẻ em, Sở LĐ-TB&XH cho biết: "Để phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em trong trường học, từ đầu năm đến nay, Sở LĐ-TB&XH phối hợp với Sở GDĐT tổ chức 15 lớp tập huấn tại 15 trường tiểu học và THCS trên địa bàn tỉnh; tổ chức 7 lớp tập huấn truyền thông cho hơn 1.000 phụ huynh học sinh, người chăm sóc trẻ tại 7 xã, phường, thị trấn trên địa bàn.

Đây là chuỗi hoạt động bổ ích, đem lại hiệu quả thiết thực, giúp học sinh nâng cao kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ bản thân trước vấn nạn bạo lực, xâm hại trẻ em hiện nay. Đồng thời, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của gia đình, nhà trường trong việc bảo vệ và tham gia phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em".

Để “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, Sở GDĐT tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các nhà trường thực hiện các biện pháp bảo vệ trẻ em; truyền thông, xây dựng kỹ năng giúp trẻ tự bảo vệ bản thân; kịp thời phát hiện trường hợp học sinh có dấu hiệu bị bạo lực, xâm hại để thông báo, cung cấp thông tin và phối hợp với cơ quan có thẩm quyền điều tra, xử lý.

Đồng thời, tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong việc chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi bạo lực học đường, xâm hại trẻ em... góp phần xây dựng trường học an toàn, lành mạnh, thân thiện.

Minh Thu

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/giao-duc/83526/tao-moi-truong-lanh-manh-de-tre-phat-trien-toan-dien.html