Tạo môi trường lành mạnh, bình đẳng để doanh nghiệp phát triển thịnh vượng

Tại hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp (DN) được tổ chức ngày 17-5 tại Hà Nội, người đứng đầu Chính phủ cũng như lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đều khẳng định những cam kết mạnh mẽ trong việc xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN phát triển. Trong thời gian qua, những quyết tâm, nỗ lực của Chính phủ cùng với sự đồng lòng của các cấp, các ngành trong việc hỗ trợ DN đã thu được nhiều kết quả tích cực. Điều này không chỉ tiếp sức cho DN mà cũng là động lực cho những cải cách đi sâu hơn vào cuộc sống.

Cùng dự hội nghị còn có các đồng chí: Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh; Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ;Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Chính phủ; Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ; Trịnh Đình Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, cùng gần 2.000 đại biểu là doanh nhân, đại diện hiệp hội DN.

Cải thiện tích cực môi trường đầu tư kinh doanh

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, sau một năm thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN, các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh đã tích cực cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo điều kiện thuận lợi cho DN hoạt động và phát triển. Chính phủ đã ban hành 50 nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh, trong đó tập trung cắt giảm nhiều thủ tục, giấy phép. Đã có 4.527/4.723 thủ tục hành chính (đạt tỷ lệ 95,85%) được đơn giản hóa; tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích, góp phần tiết kiệm chi phí và phòng, chống tiêu cực, tham nhũng... Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, năm 2016, Việt Nam đứng thứ 82/190 quốc gia, tăng 9 bậc về chỉ số môi trường kinh doanh, với 5 chỉ số tăng hạng.

Hệ thống tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của DN trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ do Văn phòng Chính phủ điều hành đã tiếp nhận tổng cộng 586 phản ánh, kiến nghị của DN. Trong đó, Văn phòng Chính phủ đã phân loại, chuyển 489 phản ánh, kiến nghị tới các bộ, ngành, địa phương để xem xét, xử lý theo thẩm quyền. Đến nay, đã có 372 phản ánh, kiến nghị được các bộ, ngành, địa phương xử lý và trả lời DN, đạt tỷ lệ 76,1%. Đối với 97 phản ánh, kiến nghị còn lại thuộc thẩm quyền giải quyết của Thủ tướng Chính phủ hoặc phải giải quyết theo quy trình khiếu nại, tố cáo cũng đã được Văn phòng Chính phủ trình Thủ tướng Chính phủ giải quyết.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: TTXVN.

Khảo sát nhanh của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vào cuối năm 2016, đầu năm 2017, cho thấy có 75% DN đánh giá tác động của các nhóm nhiệm vụ giải pháp được đưa ra trong Nghị quyết 35 là “tương đối tích cực”, “tích cực” và “rất tích cực”, chỉ có 25% DN cho biết chưa nhận thấy tác động của các nhóm giải pháp này. "Kết quả đầu tiên và quan trọng nhất được hầu hết các DN, tổ chức trong nước, quốc tế đánh giá cao là nghị quyết đã góp phần tạo dựng niềm tin của cộng đồng DN, thể hiện những cam kết của Chính phủ đối với cộng đồng DN, truyền đi thông điệp mạnh mẽ về Chính phủ kiến tạo, phục vụ, hỗ trợ và thúc đẩy DN phát triển; coi DN là động lực phát triển kinh tế. Sau gần một năm triển khai thực hiện, bộ máy công quyền đã có sự chuyển biến về tư tưởng, nhận thức với tinh thần phục vụ và hỗ trợ phát triển DN", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá.

Giảm chi phí cho doanh nghiệp

Theo VCCI, phản ánh từ cộng đồng DN cho thấy vẫn tồn tại khoảng cách giữa chính sách và thực thi, dẫn đến các DN vẫn còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc trong các thủ tục hành chính, đầu tư kinh doanh gây phiền hà, tốn thời gian và chi phí. Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, năm 2017, cho thấy, chi phí kinh doanh ở Viê%3ḅt Nam về cơ bản ở mức cao so với các nước trong khu vực như Xin-ga-po hay Ma-lai-xi-a. DN cũng bày tỏ quan ngại trước việc nhiều chi phí ở Việt Nam chiến tỷ trọng cao trong cơ cấu chi phí kinh doanh. Đơn cử như với chi phí logistics, để vận chuyển một công-ten-nơ hàng từ cảng Hải Phòng về Hà Nội đắt gấp ba lần so với chi phí vận chuyển từ Trung Quốc, Hàn Quốc về Việt Nam. DN cũng phản ánh về việc phải chi những khoản phí không chính thức. Theo báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2016 của VCCI, 66% trong số 11.000 DN được hỏi xác nhận phải trả loại phí này.

Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa, nhìn nhận, DN phải chi nhiều khoản không chính thức do một bộ phận không nhỏ công chức, viên chức nhũng nhiễu, chưa coi DN là đối tượng phục vụ. Nếu chi phí này không được ngăn chặn, đẩy lùi, xóa bỏ sẽ gây ra muôn vàn khó khăn cho DN, bóp méo cạnh tranh lành mạnh, giảm năng lực cạnh tranh của DN. Chia sẻ với những lo lắng của DN, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình khẳng định, Chính phủ sẽ tiếp tục kiện toàn bộ máy, đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm chi phí cho DN, nâng cao năng lực thi hành công vụ, kiên quyết đẩy lùi nhũng nhiễu, giảm chi phí ngoài luồng. Bên cạnh đó, sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát, chống mọi biểu hiện tiêu cực, quan hệ thân hữu, lợi ích nhóm, DN "sân sau" thao túng chính sách để trục lợi.

Giảm chi phí cho DN cũng là vấn đề được Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm. Thủ tướng thẳng thắn đánh giá, thuế phí với DN còn cao, trong đó có cả chi phí "bôi trơn". DN cũng gặp nhiều khó khăn trong hoàn thuế giá trị gia tăng, nợ đọng xây dựng cơ bản, xin thủ tục cấp phép, thủ tục giải phóng mặt bằng, cấp giấy chứng nhận... Thủ tướng nhấn mạnh, năm 2017 sẽ là năm giảm phí cho DN. Chính phủ sẽ tiếp tục rà soát quy định để giảm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp như thủ tục hành chính, thuế, hải quan, giá dịch vụ BOT, dịch vụ công, chi phí kiểm định, giám định...

Tiếp tục cam kết mạnh mẽ hỗ trợ doanh nghiệp

Tại hội nghị, có thể cảm nhận rõ tinh thần hỗ trợ, đồng hành cùng DN đã được lan tỏa mạnh mẽ từ Chính phủ đến các bộ, ngành, địa phương. Nhiều nơi, lãnh đạo địa phương đã hình thành "kênh" để giao tiếp, lắng nghe, giải quyết những vướng mắc của DN. Mô hình cà phê DN, doanh nhân của tỉnh Đồng Tháp là một ví dụ. Thông qua các cuộc gặp gỡ trực tiếp, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp thu nhận kiến nghị của DN, ý kiến phản hồi lại cơ chế chính sách để công tác điều hành chính xác hơn, góp phần tạo ra "hệ sinh thái" để dưỡng nghiệp. Mô hình trung tâm xúc tiến đầu tư tại Hải Phòng, trung tâm trở thành đầu mối duy nhất tiếp nhận, giải quyết các thủ tục về đầu tư vào thành phố, nhờ đó giảm chi phí, giảm thời gian cho DN.

Với tinh thần chuyển lời nói thành hành động, ngay tại hội nghị lần này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã công bố ban hành chỉ thị về tránh chống chéo trong công tác thanh tra, kiểm tra DN, trong đó yêu cầu chỉ được thanh tra DN không quá 1 lần trong 1 năm, nếu thanh tra đột xuất thì không được mở rộng. Thủ tướng nhấn mạnh, nhà đầu tư, DN có thể yên tâm rằng, Chính phủ kiến tạo, liêm chính, phục vụ là phải bảo đảm môi trường kinh doanh tốt, không chỉ có tự do kinh doanh, tự do sáng tạo mà phải an toàn, không chỉ chi phí thấp mà rủi ro thấp, kiểm soát độc quyền, chống buôn lậu, hàng giả, bảo đảm cạnh tranh công bằng, lành mạnh.

Thủ tướng cũng chỉ rõ, vẫn còn nhiều rào cản cho sự phát triển của DN. Để xóa bỏ những rào cản này, Chính phủ cam kết tập trung giải quyết các vấn đề then chốt, trước hết là kiến tạo môi trường kinh doanh công bằng, thân thiện, bảo đảm môi trường chính trị và vĩ mô ổn định, thượng tôn pháp luật, chuyển biến thực thi công vụ nghiêm túc. Thủ tướng khẳng định, mọi thành phần kinh tế đều bình đẳng, không phân biệt công hay tư. Đồng thời, những nguồn lực, tài nguyên sử dụng kém hiệu quả sẽ bị thu hồi để phân bổ lại. Thủ tướng cũng lưu ý về việc nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, nắm bắt thời cơ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. DN Việt Nam phải xây dựng được thương hiệu sản phẩm Việt, chinh phục được người Việt, không thể bỏ qua thị trường trong nước nếu không muốn thất bại.

* Chiều 17-5, ngay sau khi Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với DN kết thúc, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức họp báo thông tin những kết quả chính của hội nghị. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định, đây là sự kiện hết sức quan trọng với quy mô lớn nhất từ trước đến nay, được cộng đồng DN, doanh nhân hết sức quan tâm; thể hiện sự chủ động, quyết tâm của Thủ tướng Chính phủ triển khai Nghị quyết Trung ương 5 về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và phát triển kinh tế tư nhân.

Ngay sau hội nghị, Thủ tướng và các Phó thủ tướng cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành đã xây dựng chỉ thị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 35. Chỉ thị với hơn 60 nhiệm vụ được giao cụ thể cho các bộ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố. Tại buổi họp báo, nhiều vấn đề được báo chí quan tâm như: Tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp vừa và nhỏ; tín dụng cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao; Chỉ thị số 20 của Thủ tướng về tránh chồng chéo trong thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp... đều được đại diện các bộ, ngành trả lời.

MẠNH HƯNG-MINH MẠNH

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/tao-moi-truong-lanh-manh-binh-dang-de-doanh-nghiep-phat-trien-thinh-vuong-507666