Tạo môi trường làm việc an toàn cho lao động nữ

Đồng Nai có số lượng lớn lao động nữ (LĐN) làm việc trong ngành may mặc và giày da nhưng chưa có nhiều các công trình nghiên cứu đánh giá toàn diện về thực trạng sức khỏe và các yếu tố ảnh hưởng như điều kiện, môi trường lao động. Do đó, cần thiết phải có sự quan tâm và nâng cao sức khỏe LĐN ở nhóm ngành này.

Lao động ngành may mặc vẫn dễ mắc các bệnh nghề nghiệp vì môi trường làm việc. Ảnh: L.MAI

Lao động ngành may mặc vẫn dễ mắc các bệnh nghề nghiệp vì môi trường làm việc. Ảnh: L.MAI

Đó là vấn đề được đặt ra tại hội thảo Thực trạng công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) và sức khỏe LĐN ngành may mặc và giày da trên địa bàn tỉnh Đồng Nai do Phân viện Khoa học ATVSLĐ và bảo vệ môi trường miền Nam tổ chức mới đây.

Nhiều nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp

Đồng Nai hiện có trên 60% LĐN trong tổng số hơn 1,2 triệu lao động. Trong đó, giày da và may mặc là 2 ngành nghề có lực lượng LĐN chiếm tỷ lệ rất cao. Tuy nhiên, LĐN ở 2 ngành này luôn phải làm việc trong điều kiện áp lực cao về mặt thể chất và tinh thần; tác động và ảnh hưởng khác nhau đến tình trạng sức khỏe. Ngoài ra, môi trường làm việc độc hại, công việc thủ công, đơn điệu, tư thế lao động không hợp lý dẫn đến sức khỏe, năng suất lao động giảm sút.

Theo Phân viện Khoa học ATVSLĐ và bảo vệ môi trường miền Nam, kết quả nghiên cứu công tác ATVSLĐ và sức khỏe LĐN ngành may mặc và giày da trên địa bàn Đồng Nai sẽ cung cấp thêm số liệu giúp các nhà quản lý hoạch định chính sách và các giải pháp nâng cao chất lượng cuộc sống LĐN. Từ đó, gia tăng giá trị lao động cho các doanh nghiệp may mặc và giày da trên địa bàn tỉnh.

Theo Phân viện Khoa học ATVSLĐ và bảo vệ môi trường miền Nam, để bảo vệ sức khỏe LĐN, nhất là đảm bảo môi trường làm việc an toàn, Phân viện đã nghiên cứu đề tài Thực trạng công tác ATVSLĐ và sức khỏe LĐN ngành may mặc và giày da trên địa bàn tỉnh Đồng Nai trong 2 năm qua. Trong đó, khảo sát thực tế môi trường việc làm của LĐN tại 14 doanh nghiệp (DN) ngành dệt may, giày da có quy mô từ 100 lao động trở lên. Kết quả nghiên cứu cho thấy, LĐN ở cả 2 nhóm ngành trên thường gặp các bệnh phổ biến như: răng hàm mặt, mắt, cơ xương khớp, hệ thần kinh và bị giảm thính lực 1 phần.

TS-BS Trịnh Hồng Lân, Viện trưởng Phân viện Khoa học ATVSLĐ và bảo vệ môi trường miền Nam cho biết, việc nghiên cứu nhằm đánh giá điều kiện làm việc ảnh hưởng tới sức khỏe người lao động, đặc biệt là LĐN. Đây là vấn đề hết sức quan trọng mà chưa có nhiều đề tài đánh giá toàn diện về thực trạng trên. Trong khi đó, môi trường làm việc như bụi, hóa chất độc hại dễ ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm sinh lý LĐN.

Ngoài ra, đối với ngành giày da, vẫn còn một số vị trí việc làm ở các nhà máy chưa phù hợp, tác động trực tiếp đến sức khỏe LĐN. Qua khảo sát 14 DN trên địa bàn tỉnh thì có 7 DN vẫn còn tồn tại, hạn chế về ATVSLĐ và chăm lo sức khỏe LĐN. Do đó, DN cần có hướng khắc phục để cải thiện điều kiện lao động cũng như chăm sóc sức khỏe người lao động tốt hơn.

Tại hội thảo, các đại biểu đều cho rằng, để đảm bảo môi trường làm việc an toàn cho người lao động, nhất là LĐN, các DN cần thực hiện tốt quy định về công tác ATVSLĐ và khám sức khỏe định kỳ. Từ đó, phòng ngừa và giảm thiểu những ảnh hưởng của yếu tố có hại trong môi trường lao động đối với sức khỏe người lao động; đồng thời, phát hiện sớm các bệnh liên quan đến nghề nghiệp để điều trị, bố trí công việc phù hợp.

Cần quan tâm nhiều hơn

Thời gian qua, các cấp Công đoàn và nhiều công ty trên địa bàn tỉnh đã có chính sách quan tâm đến LĐN như: hỗ trợ tiền nuôi con nhỏ, tặng quà khi LĐN sinh con, LĐN được sắp xếp làm bộ phận nhẹ nhàng, đầu tư cabin vắt sữa… Đồng thời, quan tâm đến khám sức khỏe định kỳ của người lao động.

Phó giám đốc phụ trách Phòng ATVSLĐ Công ty TNHH Pousung Vina (H.Trảng Bom) Lê Nhật Tân cho hay, khi lao động đến làm việc sẽ được khám sức khỏe, nếu có vấn đề hoặc bệnh sẽ luân chuyển qua bộ phận nhẹ nhàng hơn.

“Việc chăm sóc sức khỏe người lao động, nhất là LĐN giúp công ty có đội ngũ lao động chất lượng, đảm bảo sức khỏe để làm việc năng suất cao” - ông Tân chia sẻ.

Ngoài ra, tổ chức Công đoàn chú trọng tổ chức khám, tư vấn sức khỏe miễn phí cho LĐN.

Chị Nguyễn Thị Hồng, công nhân Công ty TNHH Changshin Việt Nam cho hay: “Từ trước đến nay, tôi cứ tưởng mình khỏe mạnh, nhưng qua khám sức khỏe mới biết mình có một số bệnh liên quan đến lưng và khớp. Tuy không nguy hiểm nhưng không thể chủ quan”.

Luật ATVSLĐ năm 2015 quy định, hàng năm người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe ít nhất một lần cho người lao động. Đối với lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm… được khám sức khỏe ít nhất 6 tháng/lần. Bên cạnh đó, LĐN phải được khám thêm chuyên khoa phụ sản… Tuy nhiên, trên thực tế, việc khám sức khỏe công nhân vẫn chưa được DN coi trọng.

Qua các đợt kiểm tra ATVSLĐ của đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh cho thấy, công tác quản lý vệ sinh lao động, quản lý sức khỏe và bệnh nghề nghiệp tại các DN, cơ sở sản xuất vẫn còn những bất cập. Có nơi cố tình cắt giảm thủ tục, chi phí, không khám sức khỏe hết cho số lao động làm việc ở những vị trí nguy hiểm, độc hại. Điều này vô cùng nguy hiểm đối với sức khỏe và ảnh hưởng đến khả năng lao động của công nhân.

Theo đánh giá của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, hiện nhiều DN chú trọng sử dụng công nghệ, trang thiết bị hiện đại, đầu tư thiết bị máy móc làm giảm thiểu yếu tố có hại ra môi trường, xây dựng nơi làm việc an toàn, thân thiện. Song vẫn còn những hạn chế từ tác động của môi trường làm việc đến sức khỏe người lao động. Theo đó, DN cần thực hiện nghiêm quy định quan trắc môi trường hàng năm để có đánh giá chính xác mức độ gây hại tới sức khỏe người lao động. Bản thân người lao động cần tự nâng cao ý thức phòng ngừa, chấp hành nghiêm việc sử dụng đồ bảo hộ cá nhân; chủ động đề xuất với chủ DN đầu tư cải thiện môi trường làm việc, bảo đảm an toàn cho chính mình.

Lan Mai

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/cong-doan/lao-dong-viec-lam/202311/tao-moi-truong-lam-viec-an-toan-cho-lao-dong-nu-c604ddf/