Tạo mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định để cùng phát triển

'Chúng ta cần tập trung hướng đến giải quyết tốt nhất những tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị và giải quyết dứt điểm những vướng mắc, đề xuất chính đáng của công nhân nhằm tạo mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định để cùng phát triển' - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Long An - Phạm Văn Rạnh nhấn mạnh tại buổi đối thoại với hơn 400 đại biểu đại diện cho công nhân, người sử dụng lao động và cán bộ Công đoàn, do Tỉnh ủy tổ chức, diễn ra ngày 26/12/2019.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Phạm Văn Rạnh trao đổi cùng công nhân lao động, đại diện người sử dụng lao động và cán bộ Công đoàn

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Phạm Văn Rạnh trao đổi cùng công nhân lao động, đại diện người sử dụng lao động và cán bộ Công đoàn

Chăm lo thiết thực đời sống công nhân, lao động

Toàn tỉnh hiện có trên 300.000 công nhân, lao động (CNLĐ) làm việc trong doanh nghiệp tại các khu, cụm công nghiệp. Thời gian qua, lãnh đạo tỉnh luôn quan tâm công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho CNLĐ. Chủ trương chung của tỉnh là tập trung huy động mọi nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hóa, kêu gọi các thành phần kinh tế, nhất là các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các thiết như nhà ở, nhà trẻ, trường học, trạm y tế, những khu vui chơi, giải trí và những công trình phúc lợi khác nhằm tạo điều kiện cho CNLĐ có nơi ăn, ở, vui chơi, giải trí,... thuận lợi.

Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh, các cấp, ngành vận động mạnh thường quân và doanh nghiệp hỗ trợ chăm lo công nhân, viên chức, lao động nhân các dịp lễ, tết,... với số tiền từ 20-30 tỉ đồng/năm. Ký kết với nhiều đối tác, thỏa thuận phục vụ bán hàng cho CNLĐ với mức giá giảm từ 10-15% so với giá niêm yết, xây dựng hơn 700 căn nhà Mái ấm Công đoàn cho công nhân, viên chức, lao động gặp khó khăn về nhà ở. Các công đoàn cơ sở chủ động thương lượng, ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể với nhiều điều khoản có lợi hơn cho CNLĐ. Các hoạt động: Tháng Công nhân, Tết sum vầy,... được các cấp Công đoàn tổ chức hàng năm với nhiều hoạt động thiết thực và hiệu quả.

Chủ tịch LĐLĐ tỉnh - Nguyễn Văn Quí thông tin: “LĐLĐ tỉnh đề xuất, kiến nghị lãnh đạo tỉnh quan tâm chỉ đạo các cấp, ngành liên quan khẩn trương khảo sát chọn vị trí đất phù hợp để xây dựng các thiết chế công đoàn theo Đề án của Tổng LĐLĐ Việt Nam, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 655/QĐ-TTg, ngày 12/5/2017. Qua đó, góp phần giải quyết hiệu quả các vấn đề xã hội phát sinh liên quan đến đời sống văn hóa, tinh thần của CNLĐ trong quá trình thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp...”.

Anh Vũ Ngọc, đại diện Công ty 4 Oranges, nêu kiến nghị

Anh Vũ Ngọc, đại diện Công ty 4 Oranges, nêu kiến nghị

Tập trung giải quyết những kiến nghị, đề xuất chính đáng

Tại buổi đối thoại, anh Vũ Ngọc - cán bộ Công đoàn Công ty 4 Oranges Co.Ltd, Khu công nghiệp (KCN) Đức Hòa I Hạnh Phúc, xã Đức Hòa Đông, huyện Đức Hòa, kiến nghị: “Mỗi khi trời mưa, nhiều công ty trong KCN Xuyên Á, KCN Đức Hòa I (KCN Hạnh Phúc), nước ngập rất cao, nguy cơ ô nhiễm từ các doanh nghiệp nhuộm, xi mạ,... Nguyên nhân chủ đầu tư làm đường mới cao hơn hệ thống đường cũ gây ngập nước. Tình trạng mua bán, đậu xe lấn chiếm lòng, lề đường tại các chợ tự phát từ 16 đến hơn 18 giờ khi công nhân tan ca, trên Đường tỉnh 824, đoạn từ Cụm công nghiệp Hoàng Gia đến ngã ba Mỹ Hạnh, gây ách tắc, ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông... Lãnh đạo tỉnh có giải pháp gì để sớm khắc phục tình trạng trên?”.

Về vấn đề này, đại diện Sở Tài Nguyên và Môi trường, Sở Giao thông Vận tải, Công an tỉnh giải đáp: Để giải quyết tình trạng ngập nước cục bộ, Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý các Khu kinh tế, nhà đầu tư và các doanh nghiệp thứ cấp đã tổ chức khảo sát thực tế, thống nhất phương án khắc phục hệ thống nước mưa và nước thải. Sở Giao thông Vận tải chỉ đạo Thanh tra sở phối hợp chính quyền địa phương tăng cường công tác thanh, kiểm tra, tập trung xử lý các trường hợp buôn bán lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè, chợ tự phát,...

Chị Nguyễn Thị Thanh Tâm, đại diện công nhân Khu công nghiệp Hòa Bình, huyện Thủ Thừa, nêu ý kiến

Chị Nguyễn Thị Thanh Tâm, đại diện công nhân Khu công nghiệp Hòa Bình, huyện Thủ Thừa, nêu ý kiến

Chị Nguyễn Thị Thanh Tâm, đại diện công nhân KCN Hòa Bình, huyện Thủ Thừa, ý kiến: “Một số doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả, thường xuyên nợ lương công nhân, nợ tiền bảo hiểm xã hội, CNLĐ bị sa thải không chốt được BHXH, không được thanh toán bảo hiểm thất nghiệp, ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng. Lãnh đạo tỉnh chỉ đạo xử lý tình trạng này như thế nào?”. Đại diện lãnh đạo Bảo hiểm Xã hội tỉnh cho rằng: “Thời gian qua, lãnh đạo tỉnh chỉ đạo ngành phối hợp các ngành chức năng thanh tra liên ngành tại các đơn vị nợ nhằm kịp thời phát hiện và xử phạt, góp phần bảo đảm quyền lợi cho người lao động”.

Chị Đào Kim Tuyền, đại diện công nhân Công ty Huê Long, thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức, thắc mắc: “Nhiều trường hợp công nhân nhập cư, hoàn cảnh khó khăn, ở nhà trọ không có điều kiện về quê đón tết. Vậy Tết Nguyên đán năm nay, tỉnh có kế hoạch chăm lo nhằm động viên tinh thần CNLĐ không?”. Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - Nguyễn Đại Tánh chia sẻ: “Hàng năm, tỉnh đều xuất kinh phí từ ngân sách thăm và tặng 1.000 suất quà cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn, không về quê đón tết. Ngoài ra, dịp Tết Nguyên đán năm nay, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan chủ động lập kế hoạch thăm, tặng quà công nhân”.

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - Nguyễn Đại Tánh giải đáp những thắc mắc của công nhân

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - Nguyễn Đại Tánh giải đáp những thắc mắc của công nhân

Ngoài ra, đại diện công nhân, cán bộ Công đoàn và chủ sử dụng lao động còn ý kiến: Dịp tết, giá cả các mặt hàng thiết yếu đều tăng, vậy tỉnh có giải pháp gì để bình ổn giá thị trường, kiềm chế tăng giá khi người lao động chưa được tăng lương tối thiểu. Lãnh đạo Sở Công Thương trả lời: “Thời gian qua, tỉnh chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp như xúc tiến thương mại phát triển thị trường, kết nối cung - cầu tiêu thụ hàng hóa, nông sản vào các bếp ăn tập thể, tổ chức các điểm bán hàng bình ổn giá tại các khu, cụm công nghiệp phục vụ CNLĐ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia hội chợ thương mại,... để không xảy ra hiện tượng tăng giá đột biến, ảnh hưởng đến đời sống người lao động.

Phát biểu kết luận tại buổi đối thoại, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Phạm Văn Rạnh nhấn mạnh: Tỉnh luôn xem khó khăn của doanh nghiệp là khó khăn của tỉnh. Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động tốt, cùng Công đoàn chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho CNLĐ, tạo mối quan hệ lao động hài hòa... để cùng phát triển bền vững là mục tiêu chung của tỉnh. Chính vì thế, thông qua buổi đối thoại, lãnh đạo tỉnh sẽ kịp thời chỉ đạo các sở, ngành liên quan giải quyết những kiến nghị, đề xuất chính đáng liên quan đến các chế độ, chính sách của công nhân và ngưởi sử dụng lao động cũng như những khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ Công đoàn trong công tác chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động./.

Buổi đối thoại của Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Phạm Văn Rạnh với đại diện công nhân, người sử dụng lao động và cán bộ Công đoàn có 23 ý kiến, câu hỏi. Các câu hỏi phản ánh khá đầy đủ những vấn đề bất cập, hạn chế về chế độ, chính sách, đời sống, việc làm, thiết chế văn hóa, bếp ăn tập thể, tình trạng “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi trong công nhân, những rủi ro do mất an toàn vệ sinh lao động, an toàn thực phẩm,... tại các khu, cụm công nghiệp, tình hình an ninh, trật tự, an toàn giao thông,...

Song Hồng

Nguồn Long An: http://baolongan.vn/tao-moi-quan-he-lao-dong-hai-hoa-on-dinh-de-cung-phat-trien-a87788.html