Tạo lập môi trường giáo dục an toàn trước dịch bệnh

Năm học 2021-2022 đã chính thức bắt đầu với lễ khai giảng 'đặc biệt', chưa có tiền lệ do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Nhiều địa phương phải tổ chức khai giảng bằng hình thức trực tuyến, qua truyền hình hoặc không tổ chức khai giảng.

Lễ khai giảng năm học mới của Trường Tiểu học Kim Đức (xã Kim Đức, TP Việt Trì).

(baophutho.vn) - Năm học 2021-2022 đã chính thức bắt đầu với lễ khai giảng “đặc biệt”, chưa có tiền lệ do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Nhiều địa phương phải tổ chức khai giảng bằng hình thức trực tuyến, qua truyền hình hoặc không tổ chức khai giảng. Phú Thọ là địa phương được xem là “vùng xanh” nên lễ khai giảng vẫn được tiến hành ở tất cả các trường học, cấp học trên địa bàn toàn tỉnh, dù phải cắt giảm nội dung, chương trình, số lượng học sinh tham gia và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bắt buộc khác.

Ngày 5/9, cùng với học sinh cả nước, học sinh và giáo viên của hơn 880 cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã tổ chức lễ khai giảng năm học mới trong điều kiện thực hiện các biện pháp phòng dịch bệnh COVID-19. Năm học 2021-2022 được ngành GD-ĐT Phú Thọ xác định là năm có ý nghĩa quan trọng, năm học đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020- 2025. Tiếp tục triển khai thực hiện Luật Giáo dục (sửa đổi); Nghị quyết 29-NQ/TW, Kết luận 49-KL/TW, Kết luận 51-KL/TW, Nghị quyết 35-NQ/CP về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 2, lớp 6 trong bối cảnh tiếp tục thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19. Trong đó đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ phải đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, phát huy truyền thống hiếu học của người dân Đất Tổ; chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, gắn đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho HSSV; chú trọng dạy chữ- dạy người- dạy nghề. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục và công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
Tập trung cho các nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu: Tiếp tục rà soát, sắp xếp, tổ chức lại hệ thống cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh; quán triệt và tổ chức thực hiện văn bản chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh về công tác GD-ĐT; Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về GD-ĐT trên địa bàn tỉnh; Chỉ đạo, thực hiện có hiệu quả công tác phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đáp ứng yêu cầu mới; Huy động tối đa các nguồn lực, đẩy mạnh công tác xã hội hóa nhằm tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu tổ chức các hoạt động giáo dục; Triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp hoàn thành các mục tiêu kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025; Chỉ đạo các cơ sở giáo dục tiếp tục ứng dụng có hiệu quả công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý giáo dục; Nâng cao hiệu quả công tác hội nhập quốc tế; Đẩy mạnh công tác truyền thông tạo sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức và hành động, sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân; chủ động xử lý các vấn đề truyền thông về giáo dục...

Năm học 2020-2021, toàn tỉnh có 922 cơ sở giáo dục, với hơn 381 ngàn học sinh. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tại tỉnh Phú Thọ được tổ chức khoa học, đảm bảo an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế; là một trong 10 tỉnh có điểm trung bình cao nhất toàn quốc. Kỳ thi chọn HSG Quốc gia lớp 12 THPT năm 2021 có 52 em đoạt giải HSG Quốc gia các môn văn hóa, đứng thứ 12/63 tỉnh, thành.
Trong ba năm liên tiếp (năm 2019, 2020 và 2021), tỉnh Phú Thọ có học sinh dự thi Olympic Sinh học quốc tế. Năm 2021 có hai học sinh tham dự Olympic Sinh học quốc tế, kết quả một học sinh đạt Huy chương Bạc, một học sinh đạt Huy chương Đồng, có một học sinh đã đoạt Huy chương Vàng Olympic Vật lý châu Âu, là một trong năm Huy chương Vàng tại cuộc thi với 46 nước tham gia. Tham gia Cuộc thi Vô địch Tin học Văn phòng thế giới MOSWC năm 2020 có học sinh đạt giải Nhất vòng chung kết Quốc gia, được tham gia Vòng chung kết thế giới tổ chức tại Mỹ năm 2021 (đây là kết quả cao nhất từ trước tới nay của ngành Giáo dục Phú Thọ).
Tuy nhiên, năm học 2021-2022 được dự báo sẽ là một năm học nhiều khó khăn, thử thách do tác động của dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp ở nhiều tỉnh, thành. Ngành GD-ĐT Phú Thọ đã linh hoạt, triển khai các biện pháp ứng phó với dịch bệnh theo từng cấp độ, chủ động ứng dụng công nghệ quản lý, dạy học trong trường hợp dịch bệnh COVID-19 có thể xảy ra. Vấn đề đặt ra cho ngành GD-ĐT cũng như toàn xã hội là làm sao vừa đảm bảo điều kiện tốt nhất để học sinh tiếp thu đầy đủ kiến thức nhưng phải đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch, bảo vệ sức khỏe cho các em học sinh và đội ngũ giáo viên, xây dựng môi trường sư phạm an toàn, thân thiện.Để giải quyết những khó khăn, ngoài những giải pháp mà ngành đặt ra như: Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên, tăng cường công tác quản lý, sắp xếp lại các cơ sở giáo dục, xã hội hóa nguồn lực, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao… thì phải thấy rằng việc đầu tư cho cơ sở vật chất vẫn là yếu tố cần được quan tâm nhiều hơn. Nói như thế để thấy rằng những năm qua, mặc dù cơ sở vật chất cho giáo dục đã được các địa phương đầu tư khá nhiều theo hướng kiên cố hóa, từng bước khang trang, sạch đẹp và chuẩn hóa, cơ bản đáp ứng yêu cầu dạy và học. Song, thực tế ở nhiều địa phương, nhất là vùng miền núi, nguồn lực cho xây dựng CSVC còn hạn hẹp, nhiều nơi phòng học xuống cấp, trang thiết bị phục vụ dạy và học còn thiếu, lạc hậu và không đồng bộ, chỉ đáp ứng nhu cầu một cách tối thiểu. Nêu vấn đề đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị để chúng ta trù liệu đến việc có thể phải ứng phó với tình hình có thể phức tạp của dịch bệnh COVID-19. Khi đó nếu phải tiến hành dạy học trực tuyến, thì trang thiết bị dạy học- nhất là các thiết bị về công nghệ thông tin phải được đáp ứng một cách tối ưu. Kể cả phương pháp, thời gian, thời lượng dạy và học cũng phải có sự thay đổi để thích ứng một cách linh hoạt, phù hợp mới có được kết quả tốt nhất. Các địa phương cần có cơ chế ưu tiên nguồn lực hỗ trợ các trường hợp học sinh khó khăn, không có phương tiện học tập trực tuyến.Việc trang bị kiến thức văn hóa cho học sinh là quan trọng, là nhiệm vụ hàng đầu của ngành GD-ĐT, song việc đảm bảo các yêu cầu phòng, chống dịch bệnh và giữ an toàn sức khỏe, tính mạng của học sinh và giáo viên cũng quan trọng không kém. Để thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa dạy học vừa phòng, chống dịch COVID-19 đạt hiệu quả cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung tay của cộng đồng, để các em có được môi trường giáo dục tốt nhất, an toàn nhất.

Nguyễn Thùy

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/giao-duc/202109/tao-lap-moi-truong-giao-duc-an-toan-truoc-dich-benh-179446