Tạo 'lá chắn' phòng bệnh truyền nhiễm

Thời tiết đầu hè diễn biến thất thường, mưa nắng đan xen, nhiệt độ giữa các thời điểm trong ngày chênh lệch cao dẫn đến nguy cơ gia tăng, bùng phát các bệnh truyền nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

Gia tăng một số bệnh truyền nhiễm

Thời điểm này, Khoa Nội - Lây (Trung tâm Y tế huyện Sơn Động) đang tiếp nhận, điều trị nội trú cho 36 bệnh nhân. Dù số lượng không tăng so với những ngày trước đó song những trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm như: Tiêu chảy, sốt virus, cúm… chiếm gần 70% tổng số bệnh nhân. Cụ thể có 16 trường hợp bị cúm, 4 trường hợp tiêu chảy do virus rota, 3 trường hợp lao và 2 trường hợp sốt virus. Bà Nguyễn Thị Thái (SN 1960), trú tại xã Long Sơn cho hay, ngày 17/5, bà ăn mì gói nấu với thịt để từ sáng, không che đậy nên bị đau bụng, đại tiện phân lỏng, phải nhập viện điều trị. Tương tự, anh Hoàng Văn Long (SN 1992), trú tại xã An Lạc cũng đến cơ sở y tế điều trị bệnh tiêu chảy. Theo lời anh Long, trước đó anh có ăn nem chua tại một quán ăn trên địa bàn xã.

 Người dân tiêm phòng bệnh cúm tại phòng tiêm chủng dịch vụ của CDC Bắc Giang.

Người dân tiêm phòng bệnh cúm tại phòng tiêm chủng dịch vụ của CDC Bắc Giang.

Bác sĩ Đào Văn Hải, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Sơn Động cho biết: “Thời tiết nắng nóng, thức ăn nếu không được bảo quản tốt dễ nhiễm khuẩn làm phát sinh bệnh liên quan đến đường tiêu hóa. Ngoài ra, thói quen ăn uống ít quan tâm đến an toàn thực phẩm của người dân cũng là nguyên nhân khiến những bệnh lý rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy cấp do nhiễm khuẩn đường ruột tăng”.

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 14 bệnh truyền nhiễm với tổng số hơn 4,8 nghìn trường hợp mắc. Một số bệnh truyền nhiễm cũng có xu hướng tăng trong những tháng đầu năm như: Viêm gan B 243 trường hợp (tăng 173 trường hợp); lao phổi 206 trường hợp (tăng 119 trường hợp); tay chân miệng 80 trường hợp (tăng 50 trường hợp so với cùng kỳ năm 2023).

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Bắc Giang, những tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 14 bệnh truyền nhiễm với tổng số hơn 4,8 nghìn trường hợp mắc. Tại Bệnh viện Phổi Bắc Giang, từ đầu tháng 4 đến nay, bệnh viện duy trì điều trị nội trú cho 450 bệnh nhân, tăng 30 bệnh nhân so với thời điểm trước đó. Đáng chú ý, những ngày gần đây số trường hợp nhập viện điều trị do bị lao phổi tăng 20% so với thời điểm trước đợt nắng nóng cuối tháng 4.

Từ trung tuần tháng 4 đến nay, lượng bệnh nhi đến Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Giang khám, điều trị các bệnh liên quan đến đường hô hấp, tiêu hóa tăng khoảng 10% so với các tháng trước. Đáng lo ngại, nhiều trẻ nhập viện trong tình trạng bệnh nặng, có trường hợp mới xuất viện vài ngày đã phải nhập viện trở lại do bệnh tái phát.

Chủ động phòng ngừa

Theo thông báo của Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, từ đầu năm đến nay, các tỉnh miền Bắc ghi nhận hơn 3,5 nghìn trường hợp mắc tay chân miệng, cao gấp đôi so với cùng kỳ; 1.162 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng 30% so với cùng kỳ; 36 trường hợp tử vong do bệnh dại, tăng 44% so với cùng kỳ… Tại Bắc Giang, một số bệnh truyền nhiễm cũng có xu hướng tăng trong những tháng đầu năm như: Viêm gan B 243 trường hợp (tăng 173 trường hợp so với cùng kỳ năm 2023); lao phổi 206 trường hợp (tăng 119 trường hợp so với cùng kỳ năm 2023); tay chân miệng 80 trường hợp (tăng 50 trường hợp so với cùng kỳ)… Sau hơn 2 năm không có ca tử vong vì bệnh dại, ngày 30/4, một người đàn ông ở xã Dương Hưu (Sơn Động) tử vong vì bệnh này sau 14 tháng bị chó cắn.

Theo CDC Bắc Giang, thời tiết diễn biến thất thường, mưa nhiều, mưa sớm và có những đợt nắng nóng đỉnh điểm khiến các dịch bệnh truyền nhiễm phát sinh mạnh, nhất là bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa, hô hấp, trung gian truyền bệnh như: Tiêu chảy cấp, sốt xuất huyết, viêm não, dại, viêm phổi, lao phổi… Hiện nay, cơ quan chuyên môn, chính quyền các địa phương đang triển khai các giải pháp, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân. Tại huyện Sơn Động, Trung tâm Y tế huyện tham mưu UBND huyện chỉ đạo các cơ quan liên quan giám sát, phát hiện sớm dịch bệnh để có biện pháp dự phòng tích cực, không để dịch bùng phát trong cộng đồng; tổ chức giám sát, theo dõi sự biến động của các yếu tố trung gian truyền bệnh tại các địa phương có nguy cơ cao để có kế hoạch phòng, chống dịch kịp thời.

Trung tâm y tế các huyện, thị xã, TP phối hợp với UBND các xã, phường, thị trấn giám sát chặt chẽ, tổ chức phun hóa chất diệt côn trùng phòng, chống dịch chủ động tại những khu vực xuất hiện bệnh truyền nhiễm. Với trách nhiệm của mình, CDC Bắc Giang tăng cường theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh và kịp thời thông báo, chỉ đạo các đơn vị, địa phương triển khai biện pháp ứng phó, không để các dịch bệnh bùng phát, hạn chế tỷ lệ mắc, tử vong. Mới đây CDC Bắc Giang đưa vào hoạt động phòng tiêm chủng dịch vụ chất lượng cao với 26 loại vắc-xin, hoạt động trong giờ hành chính tất cả các ngày trong tuần.

Bác sĩ Lê Tiến Cương, Phó Giám đốc CDC Bắc Giang cho biết: “Để chủ động phòng ngừa, không để dịch bệnh lây lan, cùng với bố trí đủ vắc-xin, chúng tôi yêu cầu Khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm thực hiện giám sát trọng điểm, giám sát dựa vào diễn biến bệnh, giám sát định kỳ nhằm phát hiện kịp thời các ca bệnh đầu tiên. Ngoài sự vào cuộc của ngành Y tế, mỗi người dân cần tiêm chủng đúng lịch, đủ mũi cho con em và bản thân đối với những bệnh có thể phòng được bằng vắc-xin. Khi bản thân và người thân trong gia đình nghi bị bệnh cần đến ngay cơ sở y tế nơi gần nhất để được tư vấn, điều trị kịp thời”.

Bài, ảnh: Sỹ Quyết

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/tao-la-chan-phong-benh-truyen-nhiem-075513.bbg