Tạo ''giấy phép con'' cho dịch vụ công nghệ thông tin

(baodautu.vn) Mặc dù mới đang trong giai đoạn đầu soạn thảo, nhưng Dự thảo Nghị định về Dịch vụ Công nghệ Thông tin (CNTT) do Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng đã không nhận được sự đồng thuận ngay từ chính các đơn vị chức năng của Bộ và cả từ phía doanh nghiệp.

Theo Dự thảo, có 31 loại hình dịch vụ CNTT được kê khai vào diện dịch vụ kinh doanh có điều kiện. Trong đó, có 4 dịch vụ yêu cầu phải xin giấy phép kinh doanh; 3 dịch vụ yêu cầu có chứng chỉ hành nghề và 24 dịch vụ yêu cầu phải đăng ký cung cấp dịch vụ.

Theo ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó tổng giám đốc Công ty Dịch vụ Dữ liệu toàn cầu (GDS), không cần thiết phải đưa dịch vụ trung tâm dữ liệu vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện và yêu cầu phải xin giấy phép kinh doanh.

“Điều quan trọng đối với dịch vụ này là chất lượng dịch vụ, do đó, chỉ cần yêu cầu doanh nghiệp đăng ký hoạt động và chất lượng dịch vụ”, ông Nghĩa nói.

Còn theo một lãnh đạo doanh nghiệp dịch vụ phần mềm, với quy định của Dự thảo Nghị định, doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, song vẫn phải tiếp tục đăng ký lại một lần nữa với Bộ Thông tin và Truyền thông. Như vậy, nếu Dự thảo Nghị định này được thông qua, doanh nghiệp sẽ cần tới vài loại giấy phép để có thể chính thức cung cấp dịch vụ CNTT ra thị trường.

Ngoài quy định về giấy phép, ông Nghĩa cũng cho rằng, quy định trong Dự thảo về thuê, sử dụng dịch vụ CNTT trong cơ quan nhà nước dường như đã đặt ra giới hạn thị trường với một số doanh nghiệp. Theo đó, tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ CNTT cho cơ quan nhà nước phải là các tổ chức, cá nhân trong nước (trừ các công việc đặc thù chỉ có tổ chức, cá nhân nước ngoài mới thực hiện được), đã được cấp phép hoặc đã đăng ký cung cấp dịch vụ CNTT với Bộ Thông tin và Truyền thông.

Riêng đối với 4 loại hình dịch vụ CNTT yêu cầu có giấy phép kinh doanh (dịch vụ trung tâm dữ liệu; dịch vụ điện toán đám mây; dịch vụ cổng tìm kiếm thông tin trên mạng và dịch vụ tân trang, tái chế, làm mới các sản phẩm phần cứng, điện tử quy mô lớn), chỉ có các doanh nghiệp nhà nước hoặc tổ chức, doanh nghiệp mà Nhà nước có khả năng chi phối việc ra quyết định, hoạt động thông qua các cơ quan quản lý doanh nghiệp mới được phép cung cấp cho các cơ quan nhà nước có nhu cầu thuê hoặc sử dụng.

Theo ông Nghĩa, cần phải định nghĩa rõ ràng “doanh nghiệp mà Nhà nước có khả năng chi phối” là như thế nào. Cấp giấy phép kinh doanh đã là chi phối chưa, hay phải là nhà nước nắm cổ phần chi phối (trên 51%).

Dự thảo Nghị định này cũng được cho rằng, có những quy định chồng chéo với 2 Nghị định khác do chính Bộ Thông tin và Truyền thông soạn thảo. Đó là Nghị định 25/2011/NĐ-CP về hướng dẫn và quy định một số điều của Luật Viễn thông và Nghị định thay thế Nghị định 97/2008/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và nội dung thông tin trên mạng, dự kiến ban hành vào tháng 6 tới. Ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, có rất nhiều nội dung của Dự thảo Nghị định dịch vụ CNTT trùng lặp hoặc chưa đồng bộ với hệ thống văn bản của Bộ Thông tin và Truyền thông đã trình, cụ thể là Nghị định 25 và Nghị định thay thế Nghị định 97.

Còn ông Nguyễn Trọng Nghĩa chỉ rõ, Dự thảo Nghị định dịch vụ CNTT đưa ra các quy định về dịch vụ cổng tìm kiếm thông tin trên mạng có phần chồng chéo với Nghị định 97 và quy chế quản lý phát thanh truyền hình và thông tin điện tử.

Tuy nhiên, theo lý lẽ của ông Nguyễn Trọng Đường, Vụ trưởng Vụ CNTT (Bộ Thông tin và Truyền thông), đơn vị chức năng chính soạn Dự thảo Nghị định này, khi xây dựng, Vụ đã tham khảo các danh mục dịch vụ của thế giới.

“Quản lý loại hình dịch vụ CNTT số cũng tương tự như Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch quản lý kinh doanh, phát hành điện ảnh. Các rạp chiếu phim có giấy phép phép kinh doanh để thiết lập rạp chiếu phim và có kiểm soát nội dung của từng phim mà rạp đó phát hành ra”, ông Đường diễn giải.

Ông Đường cũng cho biết, hiện Vụ CNTT đang xin ý kiến một số bộ, ngành có liên quan về Dự thảo Nghị định này.

Nguồn Đầu Tư: http://www.baodautu.vn/portal/public/vir/baivietcongnghe/repository/collaboration/sites%20content/live/vir/web%20contents/chude/congnghe/congnghethongtin/c2eb9c627f00000101fbe8cd1cd40dc3