Tạo dựng môi trường bình đẳng để DN tư nhân lớn mạnh không nhờ 'quan hệ'

Tập đoàn, công ty tư nhân lớn lại là đối tượng thụ hưởng hầu hết các cơ chế, chính sách hỗ trợ của nhà nước trong lĩnh vực đất đai, tiếp cận tín dụng… Vẫn có dấu hiệu “lợi ích nhóm” thao túng chính sách từ tập đoàn, công ty tư nhân lớn, do đó cần có cơ chế nâng cao công tác quản lý nhà nước minh bạch, chặt chẽ hơn để tạo dựng môi trường kinh doanh phát triển bình đẳng, lành mạnh.

Ông Hoàng Xuân Hòa, Vụ trưởng Vụ Kinh tế Tổng hợp-Ban Kinh tế Trung ương. VGP/Huy Thắng

Ông Hoàng Xuân Hòa, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp - Ban Kinh tế Trung ương đã có những trao đổi về việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước để các doanh nghiệp tư nhân được tiếp cận các nguồn lực một cách bình đẳng, công khai minh bạch.

Đây là một nội dung quan trọng trong Nghị quyết Trung ương 10/NQ-TW Hội nghị Trung ương 5 khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Trong Nghị quyết có nhận định là kinh tế tư nhân chưa đáp ứng được vai trò là một động lực quan trọng của nền kinh tế, theo ông, lý do lớn nhất hiện nay là gì?

Ông Hoàng Xuân Hòa: Qua tổng kết 15 năm (2002-2017) phát triển kinh tế tư nhân cho thấy, kinh tế tư nhân chưa chưa đáp ứng được vai trò là một động lực quan trọng của nền kinh tế do nhiều lý do khách quan và chủ quan. Trong đó, lý do chủ quan là chủ yếu mà nguyên nhân quan trọng nhất là thiếu sự định hướng quản lý của nhà nước, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước vẫn còn nhiều tồn tại bất cập. Kinh tế tư nhân phát triển còn mang tính tự phát và manh mún. Có thể thấy rõ ràng, kinh tế tư nhân với những doanh nghiệp lớn chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, ngân hàng, trong khi đó, ở lĩnh vực chế biến chế tạo đến nay vẫn còn rất hạn chế, thiếu liên kết, mất cân đối trong cơ cấu ngành nghề, lĩnh vực.

Sự mất cân đối còn thể hiện ở chỗ, kinh tế tư nhân chiếm tỉ trọng 39-40% GDP, trong đó xét theo cơ cấu số lượng tập đoàn, công ty tư nhân lớn chiếm hơn 2%, còn 98% là các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và kinh tế hộ gia đình. Tuy nhiên, số doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và kinh tế hộ gia đình lại đóng góp tới 33% GDP của nền kinh tế, trong khi hơn 2% số Tập đoàn, công ty tư nhân lớn chỉ đóng góp khoảng 7-8 % (số còn lại trong 39-40% đóng góp cho GDP của nền kinh tế).

Nhưng điểm không hợp lý là dù đóng góp chưa nhiều cho GDP trong khu vực kinh tế tư nhân nói chung, nhưng các Tập đoàn, công ty tư nhân lớn lại gần như thụ hưởng hầu hết các cơ chế, chính sách hỗ trợ của nhà nước trong các lĩnh vực như về đất đai, tiếp cận tín dụng... Tôi cho rằng, có thể ít nhiều vẫn có dấu hiện “lợi ích nhóm”, thao túng chính sách từ nhóm Tập đoàn, công ty tư nhân lớn này.

Điều đó cũng cho thấy, các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với khu vực kinh tế tư nhân là còn bất cập khi có khoảng hơn 97% doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và kinh tế hộ gia đình có đóng góp lớn cho GDP của nền kinh tế lại được thụ hưởng rất ít từ sự hỗ trợ của Nhà nước, tạo ra khoảng cách bất bình đẳng ngày càng lớn với khu vực kinh tế nhà nước.

Vẫn chưa có nhiều cải thiện về năng suất lao động, công nghệ, năng lực quản trị, vẫn có cơ cấu ngành nghề, lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất hợp lý. Từ những vấn đề trên cho thấy, có thể nói sau 15 năm kinh tế tư nhân chưa thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế.

Một trong những vấn đề Nghị quyết chỉ ra là “Xuất hiện những quan hệ không lành mạnh giữa các doanh nghiệp của tư nhân và cơ quan quản lý nhà nước, can thiệp vào quá trình xây dựng, thực thi chính sách để có đặc quyền, đặc lợi, hình thành "lợi ích nhóm", gây hậu quả xấu về kinh tế”. Xin ông phân tích rõ hơn về thực trạng vấn đề này?

Ông Hoàng Xuân Hòa: Đúng vậy, như đã đề cập ở trên, sau hơn 10 năm vừa qua đã dần hình thành một số tập đoàn lớn và nhiều doanh nghiệp tư nhân lớn phát triển trong 5-10 năm vừa qua chủ yếu nhờ vào lĩnh vực bất động sản, tài chính, ngân hàng. Hầu như các doanh nghiệp phát triển tốt dựa trên sản xuất, chế biến chế tạo là không nhiều. Nhiều doanh nghiệp tư nhân chủ yếu hướng tới lợi nhuận thu trong ngắn hạn, chỉ có số ít doanh nghiệp hướng tới tầm nhìn chiến lược phát triển bền vững. Số doanh nghiệp lập mới tăng nhưng số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, giải thể cũng khá cao, trong số đó có cả những doanh nghiệp lập ra vì lợi ích ngắn hạn, chộp giật, làm ăn thiếu minh bạch.

Chúng ta có thể nhìn lại trước đây vụ đại án tham nhũng công tơ điện ở TP.HCM. Có nhiều DN kiểu “vệ tinh” lập ra làm sân sau cho dự án đầu tư công để lợi dụng tiền nhà nước, khi kết thúc dự án có thể giải thể, không để lại dấu vết.

Trong những doanh nghiệp lập mới có thể có có doanh nghiệp lập ra làm sân sau, để lợi dụng tạo ra “lợi ích nhóm, thao túng chính sách”, do đó, cần có cơ chế quản lý chính sách chặt chẽ hơn.

Một số doanh nghiệp lớn thụ hưởng nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ của Nhà nước, “xin các đại dự án”, thâm dụng nhiều đất đai, đạt lợi nhuận cao nhưng đóng góp không nhiều tương xứng cho ngân sách như số doanh nghiệp nhỏ.

Hay vụ việc VN Pharma gần đây chỉ vừa chân ướt chân ráo tham gia vào thị trường dược phẩm đã trúng gói thầu “khủng” ở một số bệnh viện trên toàn quốc với số tiền hàng trăm tỷ cũng có thể xem là một dấu hiện lợi dụng quan hệ…

Một số dự án bất động sản thu hồi đất của dân, thu hồi đất đền bù không thỏa đáng khiến nông dân mất đất sinh kế. Nhiều dự án triển khai chậm tiến độ, bỏ hoang hóa hoặc biến tướng sang các mục đích khác không đúng theo dự án ban đầu phục vụ cho hoạt động sản xuất…

Hơn nữa, các doanh nghiệp lớn lại có quá nhiều ưu ái. Nếu như các Tập đoàn, công ty tư nhân lớn vay vốn có thể tín chấp, có thể huy động được nguồn vốn lớn hơn nhiều so với tài sản, thì với các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, hộ gia đình rất cần vốn, nhưng tiếp cận không đơn giản do hạn chế về tài sản thế chấp. Ngoài ra, trong khi các doanh nghiệp nhỏ thì phải chịu lãi suất cao, thì các doanh nghiệp lớn, có tên tuổi, có quan hệ, có thể tiếp cận nguồn vốn giá rẻ hơn, nhiều ưu đãi.

Nghị quyết Trung ương 10/NQ-TW về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cũng đã nhấn mạnh đến các giải pháp về chính sách và công tác quản lý nhà nước để các doanh nghiệp, hộ kinh doanh nhỏ được tiếp cận các nguồn lực một cách bình đẳng, công khai minh bạch.

Một trong những yêu cầu của phát triển kinh tế tư nhân là đẩy nhanh tiến độ thoái vốn, cổ phần hóa DNNN. Nhưng độ vẫn còn quá chậm và thường đi kèm theo hiệu quả không cao. Ngoài ra, có một số ý kiến phản ánh là có đơn vị sau khi cổ phần hóa, do ông chủ tư nhân mục tiêu đầu tiên là lợi nhuận, không nâng cao được trình độ quản trị, tập trung vào việc kinh doanh đất vàng mua bán lại cổ phần…theo ông, để khắc phục vấn đề này thế nào?

Ông Hoàng Xuân Hòa: Nghị quyết Trung ương 10/NQ-TW cùng với Nghị quyết 12/NQ-TW về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước đã nói về chủ trương giải pháp khuyến khích tư nhân tham gia mua cổ phần, góp phần thực hiện thành công quá trình thoái vốn doanh nghiệp nhà nước. Vai trò của kinh tế tư nhân trong cổ phần hóa phát huy được hiệu quả sẽ giúp đẩy mạnh quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Theo Nghị quyết 12/NQ-TW, doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) hướng tới chuyển thành DN có cơ cấu sở hữu hỗn hợp, chủ yếu là doanh nghiệp cổ phần.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng đã có Quyết định số 69/QĐ-TW về chức năng nhiệm vụ quyền hạn tổ chức Bộ máy của Đảng ủy cấp trên cơ sở trong doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước chi phối, bảo đảm sự lãnh đạo của tổ chức đảng hoạt động đúng định hướng. Đảng ủy tham gia quá trình ra nghị quyết, kết luận để lãnh đạo hội đồng quản trị, tổng giám đốc thực hiện nhiệm vụ phát triển sản xuất kinh doanh.

Các doanh nghiệp nhà nước sau khi thực hiện có cơ cấu sở hữu hỗn hợp, ngày cả khi trở thành doanh nghiệp tư nhân thuần túy, vẫn cần nâng cao vai trò quản lý của Nhà nước, tuân thủ Luật doanh nghiệp và các quy định liên quan, hoạt động theo mô hình quản trị hiện đại, phù hợp với thông lệ quốc tế, theo những tiêu chí quản trị doanh nghiệp theo tiêu chuẩn của tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD)…

Nhà nước đóng vai trò định hướng, kiến tạo, phát triển lành mạnh, các DN tư nhân được tự do đầu tư kinh doanh ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm. Nhà nước tích cực hỗ trợ thông qua công tác đào tạo quản trị doanh nghiệp, các phần mềm kế toán, hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị doanh nghiệp. Đồng thời, Nhà nước cũng phải có giải pháp tích cực cải cách hành chính, tăng cường quản lý, giám sát để khu vực kinh tế tư nhân phát triển lành mạnh, bền vững.

Huy Thắng (thực hiện)

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/kinh-te/tao-dung-moi-truong-binh-dang-de-dn-tu-nhan-lon-manh-khong-nho-quan-he/316770.vgp