Tạo đột phá trong phát triển nguồn nhân lực văn hóa, nghệ thuật Quân đội

Văn hóa, nghệ thuật là một lĩnh vực đặc biệt trong đời sống tinh thần của cán bộ, chiến sĩ Quân đội ta.

Văn hóa, nghệ thuật vừa trực tiếp tạo dựng môi trường văn hóa quân sự lành mạnh vừa góp phần quan trọng bồi đắp phẩm chất, nhân cách người quân nhân cách mạng. Nhiều văn nghệ sĩ mặc áo lính đã khẳng định tên tuổi trong cả sáng tác và biểu diễn, nhiều tác phẩm nghệ thuật có tính tư tưởng, nghệ thuật cao đã trực tiếp góp phần xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, chiến thắng của Quân đội.

Phát huy sứ mệnh nghệ sĩ - chiến sĩ

Thời gian qua, trên khắp các sân khấu lớn, nhỏ, sự xuất hiện, góp mặt của lực lượng đông đảo nghệ sĩ, diễn viên, thành phần sáng tạo nghệ thuật Quân đội đã góp phần tạo nên thành công của các sự kiện. Hàng chục chương trình nghệ thuật của Nhà nước, các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương tổ chức mừng Đảng, mừng xuân; các hoạt động biểu diễn chào mừng kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ... có sự đóng góp, tham gia của văn nghệ sĩ Quân đội.

Lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tuyên dương các Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú của Quân đội. Ảnh: NGUYỄN HUY

Bên cạnh đó là hoạt động lưu diễn phục vụ bộ đội và nhân dân ở khắp mọi miền Tổ quốc, hải đảo xa xôi. Không chỉ là những tác phẩm mới, những tiết mục tham gia kết hợp... mà nhiều đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp của Quân đội còn dàn dựng những vở diễn lớn, như: Vở “Điện Biên vẫy gọi” của Nhà hát Kịch nói Quân đội; vở “Đại tướng Võ Nguyên Giáp” của Nhà hát Chèo Quân đội; màn sử thi bằng nghệ thuật ấn tượng trong Chương trình “Điện Biên Phủ-núi vọng sông rền” của Đoàn Văn công Quân khu 1...

Cùng với đội ngũ văn nghệ sĩ chuyên nghiệp, lực lượng không chuyên lại góp phần tạo nên thành công bước đầu của Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, sinh viên lần thứ X, năm 2024 đã quy tụ, biểu dương sức mạnh phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng tại khu vực phía Nam những ngày tháng tư và còn tiếp tục ở khu vực 2 tại miền Trung-Tây Nguyên, khu vực 3 tại Hà Nội.

Vinh dự và tự hào cho văn hóa, nghệ thuật của Quân đội, tại lễ trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (NSND), Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) lần thứ 10, năm 2024, Quân đội có 22 nghệ sĩ được phong tặng, trong đó có 12 NSND và 10 NSƯT. Danh hiệu NSND, NSƯT là phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước và nhân dân dành tặng cá nhân nghệ sĩ; là sự ghi nhận, tôn vinh đối với các nghệ sĩ có phẩm chất đạo đức tốt, có uy tín trong nghề nghiệp cao và nhiều cống hiến nổi trội, tài năng nghệ thuật xuất sắc trong các loại hình nghệ thuật. Qua 10 lần trao tặng (từ lần thứ nhất năm 1984), đến nay, Quân đội ta có 72 nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu NSND, 319 nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu NSƯT.

Chúng ta tự hào có những tên tuổi của nghệ thuật Quân đội, với đội ngũ sáng tác như: Nguyễn Đức Toàn, Doãn Nho, Huy Thục, Ứng Duy Thịnh, Nguyễn Tiến, Minh Quang...; biểu diễn có các NSND: Tường Vy, Minh Đức, Bích Việt, Hà Thủy, Hồng Hạnh, Kim Ngân, Tự Long, Lương Thùy Linh, Nhật Thuận... đã và đang làm rạng rỡ cho nghệ thuật cách mạng, ghi dấu ấn trong lòng khán giả trong và ngoài nước.

Nhìn lại chặng đường 80 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, có thể khẳng định các nghệ sĩ Quân đội đã luôn thể hiện rất tốt vai trò, sứ mệnh cao cả mà Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân tin yêu, gửi gắm: Nghệ sĩ-chiến sĩ cách mạng trên mặt trận văn hóa, nghệ thuật, góp phần quan trọng xây đắp nên phẩm chất cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ và làm nên những giá trị đặc sắc của văn hóa quân sự Việt Nam nói riêng và những giá trị tốt đẹp của nền văn hóa, nghệ thuật Việt Nam nói chung.

Phát triển đào tạo đáp ứng nhu cầu của xã hội và Quân đội

Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị đào tạo nghệ thuật tập trung xây dựng đội ngũ sáng tác và biểu diễn nghệ thuật có chất lượng cao, số lượng phù hợp, cơ cấu hợp lý. Trong đó đã chú trọng quy hoạch, bồi dưỡng đội ngũ sáng tác và biểu diễn vừa có trình độ chuyên môn giỏi, kinh nghiệm và năng lực sáng tạo vừa có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, luôn tâm huyết, yêu nghề, gắn bó với đơn vị.

Đổi mới chính sách nhằm thu hút, giữ gìn và phát triển mạnh mẽ nguồn nhân lực sáng tác và biểu diễn nghệ thuật. Vì vậy, đội ngũ cán bộ quản lý, đào tạo, nghệ sĩ, diễn viên luôn giữ vững định hướng trong lĩnh vực nghệ thuật nói chung và nghệ thuật trong môi trường Quân đội nói riêng, góp phần xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Để bảo đảm phát triển đúng hướng của một đơn vị đào tạo nghệ thuật, đặc biệt là làm thế nào để có nguồn nhân lực sáng tác, biểu diễn và những tác phẩm nghệ thuật chất lượng cao, bứt phá của Quân đội thì yêu cầu về đội ngũ cán bộ quản lý, chỉ đạo nghệ thuật, đội ngũ giáo viên đòi hỏi có tính đặc thù.

Nhiệm vụ này đòi hỏi cán bộ quản lý, chỉ đạo nghệ thuật, giáo viên ngoài trình độ tổng hợp cao về văn hóa, nghệ thuật, cần phải có trình độ quản lý nhân sự, bản lĩnh chính trị vững vàng, vốn văn hóa cơ bản, am hiểu sâu sắc ngành nghệ thuật mình quản lý, có kiến thức tổng hợp về các ngành nghệ thuật khác và những lĩnh vực liên quan. Đặc biệt là sự hiểu biết cặn kẽ về năng lực của từng nghệ sĩ, diễn viên để có thể chỉ dẫn, dìu dắt và đánh giá đúng năng lực của họ. Vì vậy, đào tạo, bồi dưỡng năng lực sáng tác và biểu diễn nghệ thuật là nhiệm vụ cấp bách hiện nay.

Nhắc đến các trường đào tạo nghệ thuật, không thể không nhắc đến Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội. Đây là một trong những ngôi trường uy tín về chất lượng giảng dạy nghệ thuật hàng đầu của Việt Nam. Đến nay, nhà trường đã xây dựng hơn 20 mã ngành đào tạo; biên soạn lại toàn bộ giáo trình đào tạo các môn học; bồi dưỡng, nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên, chú trọng mời các nghệ sĩ, nhà văn, chuyên gia có tên tuổi đến giảng và truyền thụ kinh nghiệm; chuẩn hóa công tác tuyển sinh từ nhiều nguồn, trong đó chú trọng đào tạo các văn nghệ sĩ trẻ có triển vọng phục vụ Quân đội lâu dài.

Nhà trường đã ứng dụng công nghệ, giáo trình đào tạo âm nhạc của Mỹ vào giảng dạy sáng tác và biểu diễn âm nhạc từ thập niên 1990, tiên phong trong việc đào tạo nhạc nhẹ (Pop, Rock, Jazz) và chú trọng thực hành biểu diễn cho ca sĩ cọ xát thực tế bằng tổ chức biểu diễn phục vụ công chúng và tham gia các cuộc thi, liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quân, toàn quốc và quốc tế.

Chất lượng đào tạo đại học trong những năm qua đã được nâng lên rõ rệt. Nhiều học viên sau khi ra trường, thậm chí ngay từ khi còn là học viên đã trở thành những gương mặt nổi tiếng như: Hồ Quỳnh Hương, Vũ Thắng Lợi, Văn Mai Hương, Hương Mơ, Phương Anh, Kasim Hoàng Vũ, Khánh Linh, Ngọc Khuê, Xuân Hảo, Đỗ Tố Hoa... Lực lượng sáng tác có: Nhạc sĩ Hồ Trọng Tuấn, Đỗ Bảo, Dương Cầm, Lưu Thiên Hương, Nguyễn Đức, Đức Nghĩa, Hồ Hữu Thái, Trung Đông, Nguyễn An Hiếu, Nguyễn Mai Kiên, Vũ Đức Tân...; biên đạo múa có Kiều Lê, Hồng Phong, Xuân Thanh...

Nhà trường đã gắn lý thuyết với thực hành, đầu tư công nghệ hiện đại phục vụ công tác đào tạo. Thực hành tốt nhất là tại chỗ, nghĩa là nhà trường phải là một đơn vị biểu diễn chuyên nghiệp. Ðơn vị biểu diễn ấy có những yếu tố rất thuận lợi: Thầy và trò được đào tạo rất cơ bản; diễn viên đông đảo thế hệ mà chủ yếu là sinh viên-các nghệ sĩ, ca sĩ trẻ; tiếp thu được những tri thức, những sáng tạo mới mẻ trong nước và thế giới. Hoạt động đối ngoại đào tạo được nhà trường đặt mối quan hệ hợp tác với các quốc gia như: Nga, Trung Quốc, Rumani, Singapore, Đức, Pháp, Nhật Bản...

Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội đặt mục tiêu trong tương lai trở thành nhà trường tiên tiến, hiện đại trong khu vực, tiệm cận trình độ quốc tế; giá trị cốt lõi: Chiến sĩ-nghệ sĩ, truyền thống-hiện đại, cống hiến-tiên phong; triết lý giáo dục: Đào tạo cái Quân đội và xã hội cần.

Thiếu tướng, nhạc sĩ NGUYỄN ĐỨC TRỊNH, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa/doi-song/tao-dot-pha-trong-phat-trien-nguon-nhan-luc-van-hoa-nghe-thuat-quan-doi-776259