Tạo đồng thuận trong quá trình sáp nhập xã

Khi huyện Mộ Đức đưa ra chủ trương sáp nhập xã Đức Lợi vào xã Đức Thắng (Mộ Đức), đa phần người dân hai xã đồng thuận cao vì phù hợp với yêu cầu thực tiễn hiện nay.

Một góc xã Đức Lợi (Mộ Đức) hôm nay.

Cùng với việc rà soát, xây dựng phương án, xã Đức Lợi và Đức Thắng chỉ đạo Mặt trận và các tổ chức đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền về mục đích, yêu cầu, ý nghĩa của việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã nhằm tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên (CB, ĐV) và sự đồng thuận của nhân dân. Trên cơ sở khảo sát thực tế cũng như đánh giá các vấn đề thuận lợi, khó khăn trong thực hiện các phương án, huyện Mộ Đức xây dựng phương án sáp nhập xã Đức Lợi vào xã Đức Thắng giai đoạn 2023 - 2025.

Chủ tịch UBND xã Đức Thắng Nguyễn Tấn Việt cho biết, qua rà soát xã Đức Thắng có diện tích tự nhiên 11,7km2; quy mô dân số 8.016 người. Sau sáp nhập, đơn vị hành chính mới có diện tích tự nhiên 16,38km2 (đạt 54,6%) so với tiêu chuẩn; quy mô dân số gần 17 nghìn người (đạt 212%) so với tiêu chuẩn. Do đó, việc sáp nhập xã Đức Lợi vào xã Đức Thắng sẽ góp phần phát triển kinh tế của xã. Tuy nhiên, vấn đề được CB, ĐV, nhân dân trong xã quan tâm là việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy hành chính cấp xã, cán bộ dôi dư như thế nào. Bởi đa phần cán bộ của hai địa phương đều là cán bộ trẻ, có năng lực và trình độ chuyên môn... “Để việc sáp nhập được thuận lợi, Đảng ủy đã chỉ đạo các chi bộ quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc tinh thần chỉ đạo của cấp ủy các cấp, tăng cường thông tin, tuyên truyền giúp CB, ĐV, nhân dân nắm rõ tinh thần, nội dung nghị quyết của Quốc hội để có sự đồng thuận, nhất trí cao trong quá trình thực hiện”, ông Việt cho biết thêm.

Còn Chủ tịch UBND xã Đức Lợi Lê Minh Việt cho biết, ngay sau khi có chủ trương, xã đã tổ chức họp để quán triệt đầy đủ các văn bản của trung ương, tỉnh và huyện về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã đến toàn thể CB, ĐV và nhân dân trên địa bàn. Làm tốt công tác nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của CB, ĐV, nhân dân nhằm đảm bảo tốt nhất quyền lợi cho họ khi thực hiện sắp xếp, hạn chế sự xáo trộn trong đời sống xã hội. “Hiện xã đang lập danh sách cử tri để tổ chức thực hiện các bước tham vấn nhân dân về việc sáp nhập xã Đức Lợi vào xã Đức Thắng; tên gọi đơn vị hành chính mới sau sáp nhập...", ông Việt cho biết thêm.

Sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã là yêu cầu cần thiết nhằm tinh gọn bộ máy nên sau khi được chính quyền địa phương tuyên truyền, phổ biến, nhiều người dân xã Đức Lợi đã tin tưởng, đồng thuận với chủ trương này. Bà Hồ Thị Kim, thôn Kỳ Tân cho biết, việc sáp nhập xã Đức Lợi vào xã Đức Thắng là phù hợp. Bởi, điều này sẽ giúp tinh gọn, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính, tạo động lực, điều kiện phát triển mới cho địa phương. Tuy nhiên, khi thực hiện sáp nhập, người dân sẽ phải thay đổi một số giấy tờ. Vì vậy, chúng tôi mong muốn các cấp, ngành, chính quyền địa phương sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho người dân khi đến thay đổi các giấy tờ có liên quan.

Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức Phạm Ngọc Lân cho biết, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tác động đến tư tưởng, tâm lý của người dân và đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động. Quá trình thực hiện cũng có nhiều nội dung và những vấn đề phát sinh nên cần sự đồng thuận, quyết tâm và nỗ lực của cả hệ thống chính trị. Vì vậy, huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để cấp ủy, chính quyền và nhân dân thông suốt trong nhận thức, thống nhất trong chỉ đạo, thực hiện. Huyện cũng thường xuyên nắm bắt, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc phát sinh để thực hiện tốt việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, giai đoạn 2023 - 2025 đối với xã Đức Lợi và Đức Thắng.

Bài, ảnh: BÁ SƠN

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/chinh-tri/202403/tao-dong-thuan-trongqua-trinh-sap-nhap-xa-f020b90/