Tạo đồng thuận trong phát triển không gian công cộng

Việc phát triển không gian công cộng (KGCC) cần có sự thống nhất quản lý giữa Nhà nước, tư nhân và cộng đồng dân cư, tạo sự đồng thuận tối ưu.

Tiến độ thực hiện dự án tại Phú Quốc.

Sự cần thiết phải nghiên cứu KGCC

Một thành phố phát triển thành công là thành phố có hệ thống KGCC với chất lượng cao, cảnh quan đẹp và bền vững về môi trường. KGCC không chỉ chịu áp lực trong thực tế mà ngay cả trong các đồ án quy hoạch cũng “lép vế”. Trách nhiệm thực hiện KGCC còn chồng chéo giữa các cấp ngành, chưa thấy rõ vai trò tham gia của cộng đồng dân cư.

Với các yêu cầu cấp bách về đô thị hóa, biến đổi khí hậu, cơ sở pháp lý, phát triển bền vững và giá trị của KGCC trong công cuộc xây dựng đất nước, nghiên cứu về sự tham gia của Nhà nước, tư nhân và cộng đồng dân cư trong hình thành các KGCC tại TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang là cần thiết.

Phú Quốc - thành phố biển đảo phát triển

Với diện tích tự nhiên 589,923 ha, dân số hơn 179.000 người, Phú Quốc được phê duyệt đề án phát triển tổng thể đảo Phú Quốc năm 2004; Quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc năm 2005, điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc năm 2010; Thành lập khu kinh tế Phú Quốc năm 2013, công nhận đô thị loại II năm 2014; Thành lập TP Phú Quốc 2020, là thành phố biển đảo đầu tiên của Việt Nam.

Quy hoạch chung xây dựng TP Phú Quốc xác định đất dành cho KGCC khoảng 3.372 ha. Thời gian qua, TP Phú Quốc phát triển vượt bậc về hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung, dịch vụ du lịch, giải trí và đạt tầm vóc quốc tế. Tuy nhiên, còn tồn tại một số vấn đề như: Cơ sở pháp lý, các công cụ quản lý KGCC ở khu vực Nhà nước chưa rõ ràng; Phát triển thiếu cân bằng giữa các khu chức năng, thiếu đồng bộ giữa các hạng mục công trình; Phối hợp chưa đầy đủ trong thực hiện KGCC...

6 bài học kinh nghiệm phát triển KGCC trên thế giới

Thứ nhất, KGCC mở và khu vực tư nhân - bộ công cụ để quản lý và thực hành tốt nhất. Sự tham gia của khu vực tư nhân vào quản lý KGCC mở có xu hướng gia tăng trên toàn thế giới và đã được triển khai cụ thể, đạt hiệu quả tích cực.

Khu vực tư nhân quản lý hiệu quả, thường xuyên đổi mới và sáng tạo để đáp ứng và phục vụ tốt hơn. Tuy nhiên, nếu không có sự giám sát, lập kế hoạch, quy định và sự tham gia của cộng đồng thì KGCC mở không được sử dụng đúng mức, hạn chế tiếp cận của người sử dụng, bảo trì kém và không phát huy được hiệu quả khai thác.

Các nhà quản lý thực hiện quản lý KGCC mở khi hợp tác với khu vực tư nhân cần quan tâm nội dung về: Quy hoạch tổng thể; Thu hút sự tham gia của cộng đồng ngay từ đầu và trong suốt vòng đời của dự án; Xác định vai trò và trách nhiệm rõ ràng, hỗ trợ họ thông qua tài chính, quy định và thể chế phù hợp; Tiếp cận linh hoạt và sáng tạo, khuyến khích sự đổi mới, sáng tạo mới; Sử dụng các công cụ đã có để quản lý; Tất cả mọi người được quyền tiếp cận và sử dụng.

Thứ hai, kinh nghiệm từ đời sống xã hội của các KGCC thuộc sở hữu tư nhân ở Melbourne (Úc) cho thấy, một số chính sách và quy tắc đề cập trực tiếp đến việc tạo ra KGCC thuộc sở hữu tư nhân (POPS) như: Không hạn chế quyền tiếp cận KGCC; Khuyến khích tăng chỉ giới xây dựng công trình để tạo khoảng lùi và từ đó hình thành nên các KGCC; Tăng hệ số sử dụng đất (FAR) và phải chia sẻ lại một phần lợi ích (khoảng 10%) để tạo nên các KGCC.

Thứ ba, KGCC thuộc sở hữu tư nhân là của ai? Có 3 lý do cho sự phát triển trên phạm vi toàn cầu của POPS. Thứ nhất, đây là cách tốt nhất để có được KGCC miễn phí vì chính quyền không phải tạo quỹ đất hay nguồn vốn để đầu tư. Thứ hai, tăng hiệu quả sử dụng đất và khai thác tối ưu không gian sẵn có. Thứ ba, được phân bổ rộng khắp các khu vực trong đô thị. Hai điều kiện cốt lõi để POPS tại New York (Mỹ) được khai thác và sử dụng tốt nhất là cung cấp đầy đủ tiện nghi thiết yếu và khả năng tiếp cận thuận lợi nhất.

Thứ tư, quản lý Pattaye (Thái Lan) - một điểm đến ven biển phát triển. Trên cơ sở mặt cắt ngang điển hình của một khu vực ven biển, xác định lớp không gian liên kết với nhau tạo thành KGCC ven biển hoặc là một điểm đến. Mỗi lớp không gian thể hiện rõ chức năng nhiệm vụ, các vấn đề cần quan tâm, cơ quan quản lý.

Thứ năm, KGCC trong thành phố đáng sống và nhân văn. Kiến tạo nơi chốn (placemaking) là một thuật ngữ được sử dụng rộng rãi và là tiền đề để tạo ra các KGCC hoặc không gian cộng đồng. Về cơ bản có 3 cách làm chính. Cách tiếp cận từ trên xuống (top-down) là cách làm truyền thống và phổ biến. KGCC được quy hoạch, thiết kế và đầu tư kiểu bao cấp hoặc cung cấp sẵn, người dân là người sử dụng thì hầu như không đóng góp gì.

Cách tiếp cận từ dưới lên (bottom-up) còn được gọi là ground-up, thường là sáng kiến của một cá nhân, nhóm cá nhân hay một cộng đồng. Các không gian chung được chính những người sử dụng trong tương lai khởi xướng và chung tay thực hiện. Cách làm này thiết thực nhưng hạn chế về quy mô, tính tổng thể, khả năng nhân rộng và phụ thuộc nhiều vào mức độ đồng thuận tại cộng đồng sở tại.

Cách tiếp cận tham dự đa phương (participatory) là cách làm kết hợp giữa top- down và bottom-up và thêm nhiều bên liên quan khác. Xu hướng quy hoạch, thiết kế đô thị cũng chuyển dịch dần từ quy hoạch, thiết kế “cho” cộng đồng (cộng đồng thụ động) sang “cùng” cộng đồng (cộng đồng tham dự) và về lâu dài sẽ hướng tới “bởi” cộng đồng (cộng đồng khởi xướng và thực hiện).

Thứ sáu, KGCC trong đô thị từ lý luận đến thiết kế. Ở cấp độ tổng thể, trong hệ thống quy hoạch đô thị chính quy, cần xác định vai trò của hệ thống KGCC như một loại cơ sở hạ tầng chính trị - xã hội thiết yếu, biến KGCC và hệ thống KGCC trở thành bộ phận không thể thiếu. Hướng đi này mở ra xu hướng nghiên cứu rộng, đa ngành và linh hoạt.

Ở cấp độ cụ thể, KGCC không chỉ là không gian vật chất cố định với các chức năng cụ thể được thiết kế có chủ đích mà còn là không gian do người sử dụng tạo ra. Trên thế giới cũng đang có một cuộc cách mạng trong tư duy và cách tiếp cận vấn đề khai thác tính xã hội, sinh động, linh hoạt, bền vững… trong không gian đô thị.

Đề xuất 5 giải pháp hình thành các KGCC

Thứ nhất, Nhà nước sẽ quản lý, tư nhân đầu tư xây dựng và quản lý vận hành, cộng đồng dân cư giám sát thực hiện. Chính quyền xác định vai trò quản lý, giám sát và hoạch định chiến lược để đưa ra các thỏa thuận nhằm có lợi cho cả ngân sách thành phố, cộng đồng và khu vực tư nhân (Win - Win). Thực tiễn này có thể giúp xoay chuyển từ việc khiến các thành phố “tự quản lý, phục vụ khu vực tư nhân” thành “khu vực tư nhân phục vụ cộng đồng”.

Thứ hai, POPS là tài sản riêng nhưng là sản phẩm của sự phối hợp giữa khu vực công và khu vực tư nhân, nhà phát triển POPS không cung cấp miễn phí không gian này. Kết quả nghiên cứu cho thấy, việc tư nhân hóa các KGCC được sự đồng thuận cao của Chính phủ và cộng đồng dân cư đạt hiệu quả lớn trong công tác quản lý. Như vậy, POPS sẽ là một cơ chế đầy hứa hẹn để cung cấp KGCC chất lượng cao cho các thành phố trên toàn thế giới.

Thứ ba, một KGCC để quản lý tốt và khai thác sử dụng hiệu quả, đúng mục đích cần nhiều bên tham gia thực hiện, tập trung ở quản lý nhà nước, nhà đầu tư và cộng động dân cư. Các bên tham gia thống nhất quản lý bằng các quyết định, quy định, quy chế quản lý.

Thứ tư, cần thay đổi tư duy từ “thiết kế không gian” sang “tạo dựng nơi chốn”. Khi đó, nguồn lực cho KGCC không chỉ ở Nhà nước mà có thể huy động ý tưởng, tài chính, vật tư và công sức của cộng đồng cùng với trách nhiệm và sự gắn bó với không gian. Thứ năm, muốn dự án KGCC tốt nhất thì cần kết hợp khéo léo và tinh tế các cách làm khác nhau, gồm participatory, top - down và bottom-up như để cập ở trên.

Có thể thấy, việc phát triển KGCC sẽ do Nhà nước quản lý, tư nhân đầu tư xây dựng và quản lý vận hành, cộng đồng dân cư giám sát thực hiện. Các bên tham gia thống nhất quản lý bằng các quyết định, quy định, quy chế quản lý. Việc tư nhân hóa các KGCC được sự đồng thuận cao của Chính phủ, nhà đầu tư và cộng đồng dân cư sẽ tạo nguồn lực cho không gian công cộng, từ việc thay đổi tư duy từ “thiết kế không gian” sang “tạo dựng nơi chốn”. Cần kết hợp khéo léo và tinh tế các cách làm khác nhau để đạt được sự đồng thuận tối ưu, tạo nên dự án KGCC tốt nhất.

Hà Văn Thanh Khương
Giám đốc Sở Xây dựng Kiên Giang

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/tao-dong-thuan-trong-phat-trien-khong-gian-cong-cong-360510.html