Tạo động lực thúc đẩy phát triển vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên

Trong phiên họp chiều nay, 17.4, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội chủ trương đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) tại Kỳ họp thứ Bảy tới, nhằm tạo không gian phát triển mới, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh khu vực vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 32, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về chủ trương đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc – Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) – Chơn Thành (Bình Phước).

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Đầu tư 25.540 tỷ đồng xây dựng cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành

Trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước), Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng nêu rõ, theo quy hoạch đường bộ cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành thuộc tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Tây. Đây là trục giao thông quan trọng, kết nối vùng Tây Nguyên với vùng Đông Nam Bộ, vùng Tây Nam Bộ và TP. Hồ Chí Minh.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước). Ảnh: Hồ Long

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải nhấn mạnh, việc đầu tư cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành sẽ giải quyết điểm nghẽn về hạ tầng giao thông, tạo không gian phát triển mới và động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh khu vực vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Tại các Nghị quyết số 23/NQ – TW ngày 6.10.2022, Nghị quyết 24 – NQ/TW ngày 7.10.2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên, vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã định hướng đầu tư cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành trước năm 2030.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, sơ bộ tổng mức đầu tư dự án khoảng 25.540 tỷ đồng, bao gồm 12.770 tỷ đồng vốn Nhà nước và 12.770 tỷ đồng vốn do nhà đầu tư thu xếp. Phương án triển khai chia thành 5 dự án thành phần, trong đó, dự án thành phần 1 cao tốc đoạn Gia Nghĩa – Chơn Thành đầu tư theo phương thức PPP (loại hợp đồng BOT, sơ bộ thời gian thu phí hoàn vốn khoảng 18 năm); các dự án thành phần 2, 3, 4, 5 thực hiện giải phóng mặt bằng, xây dựng đường gom và cầu vượt ngang qua địa phận tỉnh Đắk Nông, tỉnh Bình Phước triển khai theo hình thức đầu tư công.

Về tiến độ, dự kiến chuẩn bị dự án từ năm 2023 - 2024; giải phóng mặt bằng từ năm 2024 - 2025; thi công xây dựng từ năm 2025, phấn đấu hoàn thành năm 2026.

Về nguồn vốn đầu tư, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, “Chính phủ kiến nghị Quốc hội chấp thuận bố trí 8.770 tỷ đồng từ nguồn tăng thu tiết kiệm chi thường xuyên của ngân sách trung ương năm 2022 và 1.500 tỷ đồng từ nguồn dự phòng của kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 – 2025 để đầu tư dự án; cho phép kéo dài thời gian giải ngân đến hết năm 2026 đối với số vốn bố trí từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi thường xuyên của ngân sách năm 2022 để thực hiện dự án”.

Theo Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhất trí sự cần thiết đầu tư dự án với những lý do đã nêu tại Tờ trình, nhằm cụ thể hóa Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và các Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước). Ảnh: Hồ Long

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế khẳng định, việc đầu tư dự án sẽ từng bước hoàn thành mạng lưới cao tốc theo quy hoạch, mở ra không gian phát triển mới cho các địa phương và tăng cường liên kết vùng nói chung và liên kết nội vùng nói riêng, tạo động lực, sức lan tỏa, thuận lợi kết nối với Cảng hàng không quốc tế Long Thành và cảng Cái Mép - Thị Vải, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, giúp tăng cường việc bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị cần đánh giá kỹ về khả năng bố trí nguồn lực, đánh giá tác động của việc triển khai cùng lúc nhiều dự án hạ tầng đối với khả năng giải ngân, hấp thụ vốn, sự cân đối và hiệu quả trong phân bổ nguồn lực, năng lực quản lý, khả năng gây ra tình trạng khan hiếm và tăng giá nguyên vật liệu, để bảo đảm hiệu quả trong việc sử dụng vốn đầu tư. Một số ý kiến đề nghị bổ sung đánh giá tác động của dự án đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để làm rõ hơn sự cần thiết, cấp thiết của dự án.

Bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy định pháp luật, tránh ảnh hưởng đến ảnh môi trường, hệ sinh thái

Khẳng định dự án rất quan trọng, đã được các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội đề xuất rất nhiều lần, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ sự ủng hộ, thống nhất cao về chủ trương đầu tư dự án, đây là dự án có ý nghĩa chiến lược, giúp kết nối khu vực Tây Nguyên với Đông Nam Bộ, tạo điều kiện phát triển cho các địa phương trong khu vực.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều mong muốn dự án được trình sớm hơn. Tuy nhiên để bảo đảm chuẩn bị kỹ lưỡng, bảo đảm các yêu cầu đề ra nên đến nay các cơ quan mới hoàn thiện hồ sơ để trình; đồng thời đề nghị Bộ Giao thông Vận tải, các cơ quan có liên quan nghiên cứu tiếp thu ý kiến của cơ quan thẩm tra và các ý kiến tại phiên họp, bổ sung báo cáo của Kiểm toán Nhà nước để hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nhất trí với việc xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước), qua đó góp phần rất quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, bảo đảm quốc phòng an ninh, tạo ra dư địa mới cho sự phát triển của các địa phương mà tuyến đường đi qua như thông thương hàng hóa, phát triển du lịch, đầu tư…

Liên quan đến cơ chế, chính sách đặc thù của dự án, trong đó có cơ chế chỉ định thầu, Chính phủ đề xuất chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư và áp dụng trong 2 năm kể từ ngày dự án được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đồng tình với Báo cáo thẩm tra, phải rà soát theo hướng những nội dung gì khác với luật thì mới cần đề xuất đặc thù, còn những nội dung đã được luật quy định thì không xin cơ chế đặc thù.

Quang cảnh phiên họp. Nguồn: quochoi.vn

Riêng đối với gói thầu giải phóng mặt bằng và tái định cư, do không thuộc trường hợp chỉ định thầu theo quy định tại Điều 23 của Luật Đấu thầu, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, cần cơ chế đặc thù khác với luật nên thuộc thẩm quyền xem xét của Quốc hội, do đó đề nghị các cơ quan có báo giải trình rõ hơn đối với cơ chế, chính sách này.

Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải khẳng định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội chủ trương đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) tại Kỳ họp thứ Bảy tới.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp thu các ý kiến tại phiên họp, ý kiến thẩm tra toàn diện hồ sơ dự án; đồng thời lưu ý một số vấn đề như: tiếp tục rà soát để bảo đảm đầu tư dự án phù hợp với các quy hoạch, kế hoạch, chỉ tiêu sử dụng đất, rà soát tính toán sơ bộ tổng mức đầu tư và phương án thiết kế sơ bộ bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy định pháp luật, tránh ảnh hưởng đến môi trường, hệ sinh thái; đánh giá kỹ các yếu tố tác động đến tiến độ triển khai để có giải pháp đến năm 2026 cơ bản hoàn thành dự án, đặc biệt là việc thu hồi đất, đền bù, hỗ trợ tái định cư, lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức PPP, khả năng bố trí nguồn lực, khả năng hấp thụ vốn và giải ngân vốn.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, bổ sung hồ sơ, báo cáo rõ sự cần thiết, phù hợp, tuân thủ pháp luật, một số nội dung có liên quan mà Báo cáo thẩm tra đề nghị gồm giảm chiều dài đầu tư, điều chỉnh hướng tuyến so với quy hoạch đã được phê duyệt, đầu tư thêm 2km đoạn tuyến kết nối, cơ sở căn cứ tính toán khả thi của việc lựa chọn nhà đầu tư, tổ chức tín dụng tham gia đầu tư dự án, phân tích rõ hơn về chi phí thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, đặc biệt là chi phí liên quan đến việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng và đất lúa, làm rõ tính khả thi, sự phù hợp có liên quan đến việc bố trí của các nguồn vốn…

Hoàng Ngọc

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/tao-dong-luc-thuc-day-phat-trien-vung-dong-nam-bo-va-tay-nguyen-i367300/