Tạo động lực nâng cao chất lượng dạy học giáo dục quốc phòng-an ninh

Hội thao Giáo dục Quốc phòng-an ninh (GD QPAN) học sinh trung học phổ thông (THPT) toàn quốc lần thứ 2 năm 2017 vừa khép lại. Những thành công của hội thao là động lực để khích lệ thầy và trò các trường THPT tiếp tục sáng tạo, đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp dạy học bộ môn GD QPAN trong nhà trường. Cũng từ hội thao lần này cho thấy, cần phải có những giải pháp đồng bộ hơn nữa để nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy học bộ môn này.

Các em học sinh diễu hành trong Hội thao Giáo dục Quốc phòng-an ninh học sinh THPT toàn quốc năm 2017.

Thấy gì từ một kỳ hội thao?

Có mặt tại Trung tâm Huấn luyện quốc gia Miếu Môn (Hà Nội) trong những ngày diễn ra Hội thao GD QPAN học sinh THPT toàn quốc, chúng tôi được hòa mình trong không khí sôi nổi ngày hội lớn của các thầy giáo, cô giáo và học sinh yêu thích môn học GD QPAN trên cả nước. Nếu như ở nội dung thi hát tập thể, học sinh nắm tay rắn rỏi đặt trước ngực hát vang bài “Tiến quân ca” đầy xúc động, tự hào và kiêu hãnh, thì ở các bài thi đòi hỏi kỹ năng như: Ném lựu đạn, tháo lắp súng, bắn súng tiểu liên AK, các em khá vững vàng, tự tin thực hành chuẩn xác những động tác, kỹ năng.

Vừa thực hiện xong bài bắn tiểu liên AK với thành tích 46 điểm/5 viên, em Đinh Thị Hà Như, học sinh Lớp 11, Trường THPT dân tộc nội trú TP Hà Nội vẫn chưa hết hồi hộp, chia sẻ: “Được tham gia hội thao lần này là niềm vinh dự đối với mỗi chúng em. Đây không chỉ là cơ hội được gặp gỡ, giao lưu với các bạn trên toàn quốc, mà còn giúp chúng em rèn luyện môn học GD QPAN, thêm hiểu trách nhiệm của bản thân đối với đất nước và rèn luyện ý chí, bản lĩnh vượt khó vươn lên trong học tập, cuộc sống”.

Nếu như kỳ hội thao đầu tiên năm 2013 được tổ chức chỉ có 37 đoàn tham dự, thì đến hội thao lần thứ 2 này, có 56 đoàn tham dự với hơn 500 vận động viên (VĐV) là học sinh và 228 cán bộ, giáo viên trong cả nước. Không chỉ tăng về số lượng các đoàn, các VĐV gần gấp đôi so với lần thứ nhất, mà chất lượng đội ngũ VĐV cũng gia tăng. Nhiều kỷ lục được xác lập trong kỳ hội thao lần này. 18 VĐV đoạt giải nhất toàn năng, nhiều em đoạt các giải ở các nội dung thi đấu, 6 tập thể đoạt giải nhất, nhì, ba toàn đoàn… Điều đó cho thấy, chất lượng dạy học bộ môn GD QPAN trong các nhà trường đã có những chuyển biến tích cực.

Vận động viên thực hiện phần thi ném lựu đạn.

Trao đổi với chúng tôi, Thiếu tướng, NGND, TS Nguyễn Thiện Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Quốc phòng (Bộ Giáo dục và Đào tạo), cho biết: "Hội thao lần này được tổ chức với các bài thi chủ yếu là thực hành. Đây là cơ sở để phát hiện những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc đã được lựa chọn từ cuộc thi cấp cơ sở trên toàn quốc. Qua hội thao, có thể thấy chất lượng của VĐV ở các nội dung được nâng lên rõ rệt. Điều đó phần nào chứng minh việc dạy học bộ môn GD QPAN trong nhà trường ngày càng được quan tâm hơn".

Môn học GD QPAN cần được coi trọng hơn nữa

Thầy giáo Lê Minh Hưng, giáo viên bộ môn GD QPAN, Trường THPT Hàm Rồng, Thanh Hóa, cho chúng tôi biết: "Qua 2 kỳ hội thao, chúng tôi nhận thấy đây là môi trường tốt để không chỉ học sinh mà cả giáo viên được cọ sát, học hỏi kinh nghiệm dạy và học môn GD QPAN, đồng thời có cơ hội trải nghiệm thực tế. Tuy nhiên, không chỉ chúng tôi mà nhiều học sinh còn băn khoăn là môn học này chưa được đánh giá đúng vị trí của nó, chưa thực sự được coi trọng như Luật GD QPAN đã quy định".

Quan điểm của thầy Lê Minh Hưng cũng là chia sẻ của nhiều giáo viên và học sinh khi chúng tôi có cơ hội được tiếp xúc, trò chuyện ngay tại Hội thao GD QPAN. Điều này được lý giải bởi hai nguyên nhân. Trước hết, dù là lần thứ 2 được tổ chức, song dường như Bộ GD&ĐT vẫn chưa có cơ chế ưu tiên tuyển thẳng vào đại học, cao đẳng các chuyên ngành phù hợp đối với học sinh đoạt giải cao tại kỳ hội thao này như những môn học khác. Cụ thể, với các môn học văn hóa, khi học sinh đoạt giải quốc gia, quốc tế sẽ được ưu tiên xem xét để xét tuyển thẳng vào đại học, cao đẳng ở một số ngành phù hợp. Tuy nhiên, với bộ môn GD QPAN thì học sinh dù đoạt giải cao ở Hội thao toàn quốc (cấp quốc gia) vẫn chưa được ưu tiên khuyến khích. Thứ hai, tâm lý ở nhiều nhà trường, nhiều địa phương, nhiều thầy giáo, cô giáo vẫn coi GD QPAN chỉ là môn phụ nên ít đầu tư, quan tâm. Nhiều địa phương "may mắn" được lãnh đạo tỉnh tổ chức gặp gỡ trước khi đoàn lên đường và cử người phụ trách… Nhưng cũng có nhiều đoàn khi về dự hội thao thì ngay đến trang phục, mũ, áo cho VĐV cũng phải đi… mượn của Sở GD&ĐT TP Hà Nội (đơn vị đăng cai tổ chức).

Tặng bằng khen các đơn vị xuất sắc trong Hội thao Giáo dục Quốc phòng-an ninh học sinh THPT toàn quốc năm 2017.

Đoàn Sở GD&ĐT tỉnh Thái Nguyên đạt giải Nhì tại Hội thao.

Em Phạm Quang Tuyển, Trường THPT Quế Võ 3 (Bắc Ninh) chia sẻ: "Thực tế vẫn có nhiều bạn chỉ coi GD QPAN là môn học phụ, học chỉ để cho có chứ không chú tâm. Đối với nhiều bạn học lớp học cuối cấp, hầu như chỉ tập trung vào các môn học được coi là môn học chính để phục vụ việc thi cử...".

Ông Phạm Chí Hiệp, Phó trưởng đoàn Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Tháp, đánh giá: Hội thao năm nay cho thấy chất lượng chuyên môn khá cao. Ý nghĩa của hội thao rất quan trọng đối với các em học sinh THPT vì đây là một dịp đánh giá tổng thể về kết quả học tập của các em ở bộ môn này. Tuy vậy, để môn học GD QPAN có chất lượng, hiệu quả hơn ở bậc THPT đòi hỏi phải có sự quan tâm tạo điều kiện nhiều hơn của các cấp, các ngành, nhất là đề cao vai trò, trách nhiệm của cả giáo viên và học sinh.

Thực tế, thời gian qua, môn học GD QPAN trong nhà trường THPT đã được quan tâm đầu tư nhiều hơn về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy học và thực hành. Tuy nhiên, để môn học GD QPAN phát huy tốt vai trò của mình trong việc giáo dục lòng yêu nước, rèn luyện bản lĩnh, ý chí cho thế hệ trẻ thì đỏi hỏi các thầy giáo, cô giáo, học sinh và đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục cũng như các cơ quan chức năng phải có nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò quan trọng của môn học như quy định trong Luật GD QPAN.

Bài và ảnh: DUY VĂN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/tao-dong-luc-nang-cao-chat-luong-day-hoc-giao-duc-quoc-phong-an-ninh-505515