Tạo động lực cho doanh nghiệp khoa học công nghệ phát triển

Không ít doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh có đủ tiêu chí được công nhận DN khoa học công nghệ (KHCN). Tuy vậy đến nay con số được công nhận còn quá khiêm tốn.

Nhiều sản phẩm của DN KHCN ở địa phương đã giới thiệu đến khách hàng tiêu dùng

Qua tìm hiểu tại Điều 58 Luật KHCN 2013, DN KHCN là đơn vị thực hiện sản xuất, kinh doanh, dịch vụ KHCN để tạo ra sản phẩm, hàng hóa từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Sản phẩm kinh doanh của DN KHCN là những sản phầm hữu hình hoặc vô hình và được hưởng nhiều chế độ ưu đãi hấp dẫn.

Cụ thể như được miễn, giảm thuế thu nhập DN; ưu đãi tín dụng; miễn giảm tiền thuê đất; hỗ trợ hoạt động nghiên cứu, thương mại hóa kết quả KHCN và nhiều ưu đãi khác…

Dù vậy đến nay Thừa Thiên Huế chỉ vỏn vẹn có 4 DN KHCN là Công ty TNHH Dịch vụ Tư vấn kỹ thuật CSC; Công ty TNHH Khoa học, công nghệ và môi trường An Sinh; Công ty TNHH Một thành viên Thương mại Dịch vụ và Sản xuất Minh Nhật Việt; Công ty TNHH Nhà nước MTV Lâm nghiệp Tiền Phong.

Vì sao số DN KHCN lại ít ỏi như thế; trong khi đó, Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương của cả nước đang phát triển mạnh mẽ về KHCN. Lý giải của các chuyên gia, nguyên nhân lớn nhất khi DN thành lập DN KHCN do những yêu cầu khắt khe như phải chứng minh được việc đang sử dụng hoặc sở hữu hợp pháp các kết quả nghiên cứu KHCN; DN phải khai báo chi tiết công nghệ, mô tả sáng kiến của mình nên việc mất thông tin hay bí quyết công nghệ là rủi ro thường gặp, đồng thời thủ tục đăng ký gặp rất nhiều khó khăn… Hơn nữa, cái chính là DN chưa thấy được nhiều lợi ích, cũng như hiệu quả khi bước chân vào kinh doanh ở lĩnh vực này.

Một lãnh đạo DN KHCN tại địa phương chia sẻ, khi được chứng nhận là DN KHCN đã tạo động lực thúc đẩy DN phát triển. Tuy nhiên, thực tế các chương trình hỗ trợ DN KHCN của Trung ương, địa phương vẫn chưa thật sự bắt đúng mạch, hỗ trợ đúng những gì mà DN KHCN cần, như: vốn, đầu ra cho sản phẩm, kênh thông tin cho người tiêu dùng, chứng nhận chất lượng sản phẩm… Do đó, ngoài các DN có năng lực, tự nghiên cứu, tự tìm thị trường và đối tác thì rất nhiều các DN có ứng dụng KHCN vẫn gặp nhiều khó khăn khi họ phải tự tìm kiếm lối đi riêng cho mình…

Do những bất cập trên, tháng 2/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 13/2019/NĐ-CP về DN KHCN có hiệu lực từ ngày 20/3/2019. Theo Nghị định này có nhiều chính sách ưu đãi DN KHCN như tiếp tục miễn, giảm thuế thu nhập DN; miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước; ưu đãi tín dụng… Nghị định này cũng bổ sung về thẩm quyền công nhận DN KHCN, để tạo điều kiện thuận lợi và rút ngắn thời gian chứng nhận DN KHCN. Ngoài ra, còn bổ sung thêm thẩm quyền của Cục Phát triển thị trường DN KHCN, Bộ KHCN được cấp Giấy chứng nhận DN KHCN trong một số trường hợp đặc biệt, như: các kết quả KHCN thuộc bí mật quốc gia hoặc có ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, quốc phòng, an ninh; môi trường; tính mạng, sức khỏe con người; DN được thành lập từ việc chuyển đổi tổ chức KHCN công lập đã đăng ký hoạt động KHCN tại Bộ KHCN…

Bên cạnh những thuận lợi từ Nghị định số 13/2019/NĐ-CP được áp dụng, để tiếp tục thúc đẩy phát triển DN KHCN, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mô hình DN KHCN, tạo diễn đàn để các DN trao đổi thông tin, kinh nghiệm trong quá trình sản xuất, kinh doanh, cùng nhau hợp tác phát triển…

Thêm một chính sách cần hỗ trợ từ Trung ương và các ban, ngành chức năng địa phương là quan tâm giúp cho DN đầu tư, đổi mới công nghệ, thiết bị, chủ động hợp tác với các tổ chức KHCN, các DN khác để nâng cao năng lực. Đồng thời chú trọng đào tạo nguồn nhân lực KHCN trong từng DN làm cơ sở để xây dựng, phát triển DN KHCN của tỉnh phát triển bền vững.

Bài, ảnh: MINH VĂN

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/kinh-te/khoa-hoc-cong-nghe/tao-dong-luc-cho-doanh-nghiep-khoa-hoc-cong-nghe-phat-trien-129992.html