Tạo điều kiện tối đa cho người lao động và DN gặp khó khăn vì COVID-19 được thụ hưởng chính sách

Bộ LĐTB&XH đã xây dựng dự thảo trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Bộ Tư pháp đang tiến hành thẩm định, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ trong tuần sau. Quyết định sửa đổi sẽ tiếp tục đơn giản hóa quy trình thủ tục hồ sơ hơn nữa nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng thụ hưởng chính sách.

Thứ trưởng Lê Văn Thanh đề nghị các địa phương thực hiện các hình thức tiếp nhận hồ sơ đơn giản, thuận lợi nhất cho người lao động và doanh nghiệp - Ảnh: VGP/Tống Giáp

Chiều 15/10, Bộ LĐTB&XH tổ chức Hội nghị trực tuyến đôn đốc thực hiện hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động theo Nghị quyết 68, Nghị quyết 116 và thảo luận về chương trình phục hồi thị trường lao động hậu COVID-19.

Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Văn Thanh cho biết, theo báo cáo của 63 Sở LĐTB&XH các tỉnh, thành phố, tổng kinh phí thực hiện Nghị quyết 68, Quyết định 23 là gần 21,89 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ cho 24,26 triệu lượt đối tượng.Tại 23 tỉnh, thành phố miền Nam, tổng các chính sách hỗ trợ 17,75 nghìn tỷ đồng (chiếm 80% toàn quốc) hỗ trợ 16,8 triệu đối tượng (chiếm 69,5% toàn quốc).

Riêng TPHCM đã chi 10,13 nghìn tỷ đồng hỗ trợ 9,41 triệu lượt đối tượng. Một số địa phương có tổng kinh phí hỗ trợ cao là Bình Dương (1.965 tỷ đồng), Hà Nội (1.641,7 tỷ đồng), Đồng Nai (1.143,8 tỷ đồng), Bà Rịa - Vũng Tàu (986 tỷ đồng).

Theo Thứ trưởng Lê Văn Thanh, quá trình triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23, có một số quy định chưa thực sự phù hợp với thực tiễn. Bộ đã phối hợp với các bộ, ngành trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 8/10/2021 về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Thứ trưởng Lê Văn Thanh cũng thông tin về 5 điểm mới nổi bật của Nghị quyết 126, tháo gỡ những khó khăn, tạo thuận lợi nhất cho người lao động và người sử dụng lao động.

Thứ nhất là giảm điều kiện đối với chính sách tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất. Theo đó, điều kiện để tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất là có số lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bị giảm 10% (thay vì 15%) so với tháng 1 năm 2021 (thay vì tháng 4 năm 2021 như trước).

Thứ hai là mở rộng đối tượng đối với nhóm chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; chính sách hỗ trợ người lao động ngừng việc và chính sách hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động.

Cụ thể, hỗ trợ đối với người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động cho tất cả người sử dụng lao động trong các loại hình sản xuất, kinh doanh, đơn vị sự nghiệp nhằm bảo đảm tránh bỏ sót đối tượng người lao động.

Bổ sung trường hợp người lao động phải điều trị COVID-19, cách ly y tế, trong các khu vực bị phong tỏa, không thể đến địa điểm làm việc do yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19; do người sử dụng lao động bị tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19 hoặc có trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo nguyên tắc của Chỉ thị số 16/CT-TTg hoặc bố trí lại sản xuất, lao động để phòng, chống dịch COVID-19 được hưởng chính sách hỗ trợ.

Thứ ba là bổ sung quy định hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/người đối với đối tượng F0 hoặc F1 là người cao tuổi và người khuyết tật nặng, người khuyết tật đặc biệt nặng theo quy định tại khoản 5 và khoản 6 Điều 5 của Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ.

Thứ tư là, bỏ điều kiện hộ kinh doanh có đăng ký thuế, quy định rõ việc hỗ trợ hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh và có trong danh bạ của cơ quan thuế. Hộ kinh doanh sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối và những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, kinh doanh thời vụ, làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký hộ kinh doanh phải dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên do yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19 hoặc do có địa điểm kinh doanh trên địa bàn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo nguyên tắc của Chỉ thị số 16/CT-TTg.

Thứ năm là bỏ điều kiện về nợ xấu, tạo điều kiện cho người sử dụng lao động tiếp cận chính sách vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội.

Thành lập đoàn kiểm tra, giám sát việc chi trả

Về dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 23/QĐ-TTg, Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho biết: “Bộ đã xây dựng dự thảo trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg. Bộ Tư pháp đang tiến hành thẩm định, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ trong tuần sau. Quyết định sửa đổi sẽ tiếp tục đơn giản hóa quy trình thủ tục hồ sơ hơn nữa nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng thụ hưởng chính sách”.

Theo đó, cho phép thực hiện đóng bù bảo hiểm xã hội sau khi được tạm dừng đóng được thực hiện một lần hoặc nhiều lần do người sử dụng lao động quyết định trong thời gian 6 tháng kể từ thời điểm kết thúc thời gian tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.

Cho phép người sử dụng lao động có thể nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ đào tạo nghề từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp làm các đợt khác nhau để phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh doanh và việc sử dụng lao động (vẫn bảo đảm nguyên tắc người lao động chỉ được hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng 1 lần theo chính sách này).

Bổ sung quy định cho việc áp dụng các biện pháp không hoạt động/ngừng hoạt động/hoạt động hạn chế/hoạt động có điều kiện/hoạt động hạn chế, có điều kiện theo quy định tại Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ cho phù hợp với thực tiễn trong thời gian tới.

Hướng dẫn mới cũng sẽ lược bỏ hết các điều kiện về cung cấp bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu trong thành phần hồ sơ để tạo điều kiện cho người lao động và thuận tiện triển khai trên Cổng dịch vụ công Quốc gia.

Đồng thời, bỏ điều kiện về hồ sơ đối với thông báo quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 đối với chính sách vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội.

Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho biết, trong tuần tới, Bộ LĐTB&XH sẽ thành lập đoàn kiểm tra, đánh giá việc triển khai Nghị quyết 68, đặc biệt là việc rà soát, lập danh sách, phê duyệt và chi trả hỗ trợ, bảo đảm việc thực thi chính sách công khai, dân chủ, minh bạch, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong nhận thức và hành động, không để xảy ra trường hợp trục lợi chính sách. Thứ trưởng cũng đề nghị, các địa phương khẩn trương quán triệt Nghị quyết số 126/NQ-CP sửa đổi Nghị quyết số 68 để ngay khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định sửa đổi Quyết định số 23 sẽ triển khai thực hiện ngay các chính sách, đề cao tính chủ động, linh hoạt của từng địa phương.

Ngoài các chính sách hỗ trợ của Trung ương, các địa phương cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chính sách hỗ trợ đặc thù, phù hợp với điều kiện của địa phương, để có thêm nguồn hỗ trợ cho người dân có hoàn cảnh khó khăn và công nhân lao động nhằm bảo đảm cho người dân duy trì cuộc sống.

Đặc biệt, cần chú trọng đẩy mạnh việc tiếp nhận hồ sơ bằng các hình thức thuận lợi nhất cho người lao động (qua dịch vụ bưu chính, Cổng dịch vụ công Quốc gia, trực tiếp, trực tuyến, email…) để bảo đảm các yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19, đồng thời linh hoạt trong việc giảm thời gian giải quyết hồ sơ đề nghị hỗ trợ của người lao động.

Thu Cúc

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/xa-hoi/tao-dieu-kien-toi-da-cho-nguoi-lao-dong-gap-kho-khan-vi-covid19-duoc-thu-huong-chinh-sach/449717.vgp