TẠO ĐIỀU KIỆN THUẬN LỢI CHO CÁC DOANH NGHIỆP HOẠT ĐỘNG THÔNG QUA XÂY DỰNG CHÍNH SÁCH KHAI KHOÁNG RÕ RÀNG

Việc xây dựng dự án Luật Địa chất và khoáng sản được kỳ vọng là góp phần xây dựng chính sách khai khoáng một cách rõ ràng, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động nhằm góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội. Theo đó, Việt Nam cũng cần lắng nghe chia sẻ, nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm của các tổ chức, công ty quốc tế về nội dung này…

Dự án Luật Địa chất và khoáng sản sẽ được trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024) và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024). Cho đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng dự án Luật Địa chất và Khoáng sản để lấy ý kiến Nhân dân. Dự án Luật Địa chất và Khoáng sản đã được Ban soạn thảo và Tổ biên tập xây dựng và được Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, hoàn thiện dự thảo theo ý kiến góp ý của các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức có liên quan cũng như người dân và doanh nghiệp.

Dự án Luật Địa chất và khoáng sản được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động nhằm góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội (ảnh minh họa: Internet).

Dự án Luật Địa chất và khoáng sản được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động nhằm góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội (ảnh minh họa: Internet).

Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản (gồm 12 Chương, 117 Điều) đã sửa đổi, bổ sung nhiều quy định mới nhằm tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, bảo đảm minh bạch; khắc phục các bất cập nhằm quản lý thống nhất lĩnh vực địa chất, khoáng sản; quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả khoáng sản. Đồng thời, tiếp cận phương pháp quản trị hiện đại của các nước và phù hợp các điều ước, cam kết quốc tế.

Kỳ vọng của việc xây dựng dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản là phải xây dựng chính sách khai khoáng một cách rõ ràng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động nhằm góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội. Vấn đề này cũng được đưa ra bàn luận tại Hội thảo quốc tế chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng chính sách khai khoáng do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp, Đại sứ quán Australia tại Hà Nội đồng tổ chức mới đây.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Tuấn Anh.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Tuấn Anh.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Tuấn Anh khẳng định: Tài nguyên địa chất, khoáng sản là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, đồng thời là nguồn dự trữ lâu dài cần được quản lý tập trung, khai thác, sử dụng hiệu quả và bền vững. Để đạt được mục tiêu này, việc xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý về địa chất, khoáng sản là nhiệm vụ quan trọng, cần được thực hiện bài bản dựa trên căn cứ thực tiễn và tham khảo kinh nghiệm quốc tế.

Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski đánh giá, các công ty khai khoáng thường phải giải quyết nhiều vấn đề rủi ro, nhất là rủi ro trong môi trường pháp lý. Do vậy, để thu hút nhà đầu tư, Việt Nam cần hướng tới môi trường cạnh tranh nhiều hơn, nhất là cạnh tranh liên quan đến khung thuế và phí. Để hỗ trợ các doanh nghiệp và thu hút nhà đầu tư, Việt Nam cũng cần chú trọng xây dựng chính sách về khai khoáng một cách cụ thể, minh bạch.

Ngài Andrew Goledzinowski, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Australia tại Việt Nam.

Ngài Andrew Goledzinowski, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Australia tại Việt Nam.

Đóng góp ý kiến vào nội dung trên, chuyên gia tư vấn Ron Smint - Công ty Adam Smith International, chính sách về khai khoáng một cách rõ ràng sẽ giúp các doanh nghiệp, công ty khai khoáng hoạt động một cách hiệu quả và chấp hành, tuân thủ các quy định pháp luật cũng như chịu trách nhiệm về khai khoáng nghiêm túc hơn.

Ở nhiều nước trên thế giới, Nhà nước sẽ duy trì hệ thống địa chính quyền khai thác khoáng sản, đây là một hệ thống đăng ký dựa trên bản đồ ghi lại sở hữu các quyền đối với phần nào trên bản đồ cùng với các chi tiết của chủ sở hữu quyền và giấy phép (thời hạn, ngày hết hạn, loại khoáng sản,…). Dẫn chứng điều này, ông Ron Smint chỉ ra các khu vực có giấy phép thăm dò, khai thác, đá quý trên Cổng thông tin bản đồ địa chính khai thác mỏ Zambia.

Chuyên gia tư vấn Ron Smint - Công ty Adam Smith International.

Chuyên gia tư vấn Ron Smint - Công ty Adam Smith International.

Chuyên gia tư vấn Ron Smint nhấn mạnh, hệ thống địa chính quyền khai thác khoáng sản cũng có thể được sử dụng để tạo điều kiện thuận lợi cho việc nộp đơn xin cấp quyền khai thác khoáng sản, để bảo đảm rằng tất cả những người nộp đơn được đối xử công bằng, phù hợp với pháp luật và để tránh nộp đơn đăng ký khu vực không khả dụng vì lý do an ninh hoặc do quyền sở hữu hiện tại, đang có hồ sơ xin cấp.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên.

Kết luận về nội dung trên, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên nhấn mạnh, các ý kiến đóng góp, chia sẻ kinh nghiệm của đại biểu quốc tế về những vấn đề trọng tâm, nổi bật của dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản có ý nghĩa vô cùng quan trọng, là nguồn thông tin quý giá để Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, tiếp thu, tiếp tục góp phần hoàn thiện dự thảo Luật chất lượng, có tính khả thi cao, đáp ứng được yêu cầu về quản lý, thực hiện các hoạt động địa chất và khoáng sản của đất nước hiện nay. Đặc biệt là nghiên cứu để thực hiện hiệu quả chính sách khai khoáng một cách rõ ràng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động nhằm góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội./.

Bích Lan

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=85446