Tạo điều kiện mở rộng hạn điền

Phải có chính sách ưu đãi vốn cho nông nghiệp với đặc thù riêng để nông dân tiếp cận nhanh, đầu tư vào sản xuất đạt hiệu quả cao

Chiều 30-12, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2023, chủ đề: "Nông dân là chủ thể, là trung tâm trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới xanh, bền vững".

Muốn đi xa phải đi cùng nhau

Tham dự trực tiếp tại hội nghị có bộ trưởng các bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), Kế hoạch và Đầu tư; lãnh đạo nhiều bộ, ngành, cùng trên 70 nông dân tiêu biểu đại diện 10,2 triệu hội viên hội nông dân trên cả nước. Sự kiện cũng được kết nối trực tuyến đến điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Ông Trần Mạnh Báo - Anh hùng Lao động, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn ThaiBinhSeed - cho rằng sản xuất nông nghiệp ở nước ta vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ. Điều này đã cản trở việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất. Thời gian qua, một số địa phương, trong đó có tỉnh Thái Bình, đã hình thành các câu lạc bộ đại điền, hướng đến sản xuất lớn. Ông Báo đặt vấn đề Chính phủ có cơ chế, chính sách gì hỗ trợ, khuyến khích phát triển những mô hình này?

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho biết bộ đã góp ý đưa vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) về việc công nhận cho thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp. Bộ sẽ nghiên cứu trình Chính phủ phê duyệt chính sách về thị trường cho thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trò chuyện cùng các đại biểu tham dự hội nghị đối thoại Ảnh: NHẬT BẮC

Theo Thủ tướng, đối với vấn đề đất đai, cần rà soát cơ chế, chính sách, đặc biệt là trong Luật Đất đai (sửa đổi). Nếu luật được thông qua sẽ tạo điều kiện thuận lợi để nông dân liên kết, tích tụ đất đai, mở rộng hạn điền.

Bà Trần Thị Lanh - Giám đốc HTX Sản xuất, Kinh doanh nông sản Quang Lanh (xã Bình Minh, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) - kiến nghị Thủ tướng và Chính phủ có những chính sách để thúc đẩy phát triển mạnh các HTX trong Đề án Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp.

Về việc này, Thủ tướng nhắc lại câu nói "muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau". Thủ tướng nhấn mạnh trong bối cảnh mới và trước quy luật cung cầu, quy luật cạnh tranh, yêu cầu đặt ra là phải liên kết. Quốc hội đã ban hành Luật HTX sửa đổi; Chính phủ đã ban hành các nghị định, các bộ ban hành các thông tư để tạo hành lang pháp lý cho nông dân liên kết, hình thành, phát triển HTX.

Theo người đứng đầu Chính phủ, ngoài trung ương thì các địa phương cũng phải tham gia cùng nông dân thành lập các HTX với sản phẩm phù hợp, phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, cùng nhau phát triển thương hiệu của vùng, địa phương. "Nông dân cần liên kết theo hướng lợi ích hài hòa, chia sẻ rủi ro, từ đó các HTX cạnh tranh lành mạnh; tạo ra chuỗi sản phẩm, chuỗi giá trị, đa dạng hóa thị trường và sản phẩm; xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại" - Thủ tướng yêu cầu.

Thủ tướng cho biết năm 2023, nông nghiệp tăng trưởng 3,83% - mức cao nhất trong 10 năm gần đây; xuất khẩu đạt chỉ tiêu, ít nhất được 53 tỉ USD, trong đó hơn 10 ngành nghề đạt từ 1 tỉ USD trở lên. "Những thành quả đó có sự đóng góp lớn của nông dân" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Sản xuất thứ thị trường cần

Ông Bùi Văn Tuấn, Giám đốc HTX Nông nghiệp Cây Trôm (tỉnh Long An), mong muốn Thủ tướng trao đổi về những chính sách hỗ trợ nông dân tham gia Đề án 1 triệu ha sản xuất lúa chất lượng cao, giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu.

Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, Chính phủ đã phê duyệt Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030. Ngoài ra, trồng lúa không phải chỉ để bán lúa mà còn bán các sản phẩm từ tro, trấu... Vì vậy, HTX cần gia tăng chế biến, tận dụng phụ phẩm của lúa để làm các sản phẩm khác, tăng thu nhập cho nông dân.

"Chúng tôi đang hỗ trợ và xây dựng mô hình sản xuất lúa bán tín chỉ carbon tại một số tỉnh vùng ĐBSCL, sau đó nhân rộng ra nhiều tỉnh khác. Phải biến ngành hàng lúa gạo thành ngành hàng tích hợp đa giá trị" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan kỳ vọng.

Theo Thủ tướng, Việt Nam có thương hiệu gạo ngon nhất thế giới. "Gạo 5% tấm của chúng ta bán đắt nhất thế giới. Do đó, phải xây dựng thương hiệu. Tuy nhiên, có thương hiệu mà không quy hoạch thì rất khó xuất khẩu được nhiều sản phẩm. Người ta bán sản phẩm OCOP nhưng bán không được nhiều vì sản phẩm có hạn, xây dựng thương hiệu và quy hoạch kém" - Thủ tướng chỉ rõ.

Bên cạnh đó, phải có doanh nghiệp cung ứng đầu vào và lo đầu ra cho người dân. Theo Thủ tướng, ngân hàng phải cho vay ưu đãi, phải có chính sách ưu đãi vốn cho nông nghiệp với đặc thù riêng để nông dân tiếp cận nhanh, đầu tư vào sản xuất đạt hiệu quả cao. Cùng với đó là xây dựng thương hiệu, chú trọng khâu bao bì, mẫu mã, thiết kế.

Từ điểm cầu Gia Lai, bà Đỗ Thị Mỹ Thơm, Giám đốc HTX Hùng Thơm, cho rằng hạn chế lớn nhất của nông dân là thiếu thông tin về thị trường và xây dựng thương hiệu nông sản. Bà Thơm kiến nghị Thủ tướng và Chính phủ có giải pháp để giúp nông dân.

Thủ tướng nêu ra 2 vấn đề cần phải thực hiện ngay. Thứ nhất, Nhà nước phải có chương trình tuyên truyền, phổ biến cho người dân bằng nhiều hình thức; nông dân cũng phải học và chia sẻ để đạt năng suất cao. Thứ hai, Nhà nước phải tìm kiếm, kết nối thị trường và ký kết các hiệp định, kết nối người dân, hiệp hội với đại sứ quán.

Thủ tướng lưu ý: "Muốn giữ được thị trường thì bà con phải giữ và sản xuất đạt yêu cầu của thị trường, có sản phẩm chất lượng cao, mẫu mã, bao bì, truy xuất... đều phải đạt chuẩn".

Hỗ trợ bán hàng điện tử xuyên biên giới

Trả lời câu hỏi của ông Trần Văn Tân, Giám đốc HTX Dược liệu QueenFarm (tỉnh Thanh Hóa), về việc hỗ trợ nông dân, HTX đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử (TMĐT) để quảng bá, tiêu thụ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân đề nghị nông dân bán, quảng bá sản phẩm trên sàn TMĐT cần lưu ý chất lượng, mẫu mã. Bộ Công Thương và các ngành sẽ hỗ trợ về các quy trình, quy định khi đưa sản phẩm lên sàn TMĐT trong nước. Đối với sàn quốc tế, cần phải có sự liên kết, tạo thương hiệu sản phẩm tốt. Bộ đã kết hợp với địa phương, các sàn TMĐT để tập huấn, đào tạo. Thời gian tới, bộ sẽ hỗ trợ nông dân bán hàng điện tử xuyên biên giới.

Văn Duẩn

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/tao-dieu-kien-mo-rong-han-dien-19623123022174396.htm