Tạo điều kiện cho lao động phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội

Khảo sát mới đây của Viện Khoa học, Lao động và Xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho thấy, có tới 41,1% số lao động phi chính thức chưa bao giờ nghe nói đến bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện, 20,6% mới biết tên chính sách, 25% biết sơ qua và chỉ có 13,2% biết rõ thủ tục, đối tượng, mức đóng và mức hưởng… Điều đó cho thấy, phát triển BHXH tự nguyện đối với nhóm đối tượng này đang gặp không ít khó khăn, thách thức.

Công nhân lao động thời vụ tại xưởng đóng gạch ở xã Lão Hộ, huyện Yên Dũng (Bắc Giang). Ảnh: NGUYỄN ĐĂNG

Khảo sát mới đây của Viện Khoa học, Lao động và Xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho thấy, có tới 41,1% số lao động phi chính thức chưa bao giờ nghe nói đến bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện, 20,6% mới biết tên chính sách, 25% biết sơ qua và chỉ có 13,2% biết rõ thủ tục, đối tượng, mức đóng và mức hưởng… Điều đó cho thấy, phát triển BHXH tự nguyện đối với nhóm đối tượng này đang gặp không ít khó khăn, thách thức.

Kết quả khảo sát về lao động phi chính thức tại Hà Nội và tỉnh Nghệ An do Viện Khoa học, Lao động và Xã hội (ILLSA) phối hợp Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) vừa công bố tại Hội thảo Một số vấn đề về việc làm và tiếp cận chính sách liên quan của lao động phi chính thức ở Việt Nam cho thấy, có đến 70,6% lao động phi chính thức chỉ mới biết đến tên chính sách lao động việc làm. Đối với chính sách BHXH bắt buộc, có 37,4% mới nghe tên chính sách, 45,5% đã biết sơ qua về các chế độ. Đối với bảo hiểm y tế (BHYT), có 60,2% biết sơ qua về chế độ, 19,7% biết rõ về thủ tục, đối tượng, mức đóng hưởng... Quá trình nghiên cứu, khảo sát cho thấy, hiểu biết và tiếp cận thông tin về BHXH tự nguyện của lao động phi chính thức rất hạn chế. Có tới 41,1% chưa bao giờ nghe nói, 20,6% mới biết tên chính sách, 25% biết sơ qua; chỉ có 13,2% biết rõ thủ tục, đối tượng, mức đóng và mức hưởng.

Đề cập vấn đề này, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Dân số, Lao động, Việc làm (thuộc ILLSA) Trịnh Thu Nga cho biết, khi khảo sát về nhu cầu tham gia BHXH tự nguyện, có tới 35,2% số lao động phi chính thức chưa tham gia BHXH tự nguyện mong muốn tham gia; 8,5% số lao động cho biết sẽ tham gia BHXH tự nguyện nếu có sự điều chỉnh, bổ sung các quy định hợp lý và nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của ngành BHXH. Cụ thể, 80% mong muốn giảm thời gian thẩm định, 55% mong muốn thông tin tư vấn rõ ràng, cụ thể và đổi mới thủ tục đóng hưởng thuận lợi, linh hoạt như bảo hiểm thương mại...

Tuy nhiên, cũng có tới 56,4% trả lời sẽ không tham gia BHXH tự nguyện, kể cả có thay đổi về chính sách và tổ chức thực hiện. Tỷ lệ nam giới không muốn tham gia BHXH tự nguyện cao hơn nữ giới. Đáng chú ý, tỷ lệ lao động không có chuyên môn kỹ thuật không muốn tham gia BHXH tự nguyện rất cao (62%); trình độ sơ cấp là 67%, đại học 22%.

Theo số liệu của BHXH Việt Nam, đến hết tháng 9-2017, số người tham gia BHXH tự nguyện mới là hơn 243 nghìn người, được đánh giá là quá thấp so với thực tế và kỳ vọng của Nhà nước sau gần 10 năm triển khai chính sách.

Nguyên nhân của tình trạng nêu trên, theo đại diện Vụ BHXH (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) là do chính sách BHXH tự nguyện chưa thật sự hấp dẫn, chỉ có hai chế độ hưu trí và tử tuất; bên cạnh đó là sự khác biệt về chế độ thụ hưởng. Người dân so sánh, khi tham gia BHXH bắt buộc được hưởng thêm năm chế độ ngắn hạn, còn BHXH tự nguyện chỉ hưởng hai chế độ. Trong thực tế, nhiều khi, chế độ ngắn hạn có thể hỗ trợ tốt hơn cho lao động khi phải vượt qua những thời điểm khó khăn trong cuộc sống.

Bà Trịnh Thu Nga cho biết, sau khi khảo sát, ILLSA cũng đưa ra một số khuyến nghị cụ thể để thực hiện chính sách này. Theo đó, cần nghiên cứu bổ sung các chế độ của BHXH tự nguyện đầy đủ như BHXH bắt buộc là ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, tử tuất hằng tháng. Nghiên cứu giảm số năm đóng (có thể tối thiểu 15 năm), trong đó, chia theo nhóm tuổi và theo nghề, bởi một số nghề nặng nhọc, độc hại có thể xem xét số năm đóng ít hơn; đổi mới và mở rộng hệ thống mạng lưới thu BHXH tự nguyện qua bưu điện, ngân hàng (e-banking)… Ngoài ra, có thể tính đến phương án xóa tên gọi BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện, vì dễ dẫn đến sự phân biệt.

Chia sẻ thực trạng tham gia BHXH tự nguyện hiện nay của lao động phi chính thức tại địa phương, Phó Chủ tịch UBND phường Văn Quán (quận Hà Đông, Hà Nội) Vũ Thị Hà cho biết, phường đã lồng ghép tuyên truyền BHXH tự nguyện với chính sách lao động, việc làm và BHYT trong các buổi họp của hội nông dân, hội phụ nữ, đoàn thanh niên... Tuy nhiên, đến nay, hiệu quả khai thác đối tượng tham gia BHXH tự nguyện chưa cao so với BHYT. Để mở rộng độ bao phủ BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, cần vận động và tuyên truyền sâu rộng hơn nữa tới các tầng lớp nhân dân, nhất là sự phối, kết hợp và vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể, tổ dân phố, sự ủng hộ tích cực của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn.

ILO cũng đưa ra các khuyến nghị, theo đó, cần chia đối tượng tham gia BHXH tự nguyện thành nhiều nhóm, để lựa chọn hình thức tuyên truyền hiệu quả. Đồng thời, nghiên cứu bổ sung các chế độ như BHXH bắt buộc; giảm số năm đóng cho phù hợp từng nhóm đối tượng; thí điểm giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện trong chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội địa phương để cải thiện tình hình. Phó Trưởng ban Thu (BHXH Việt Nam) Nguyễn Thị Ngọc Lan cho biết, ngoài số lao động phi chính thức chưa tham gia BHXH tự nguyện, số lao động khu vực chính thức hưởng BHXH một lần, rời khỏi hệ thống an sinh xã hội cũng đang gia tăng, từ đầu năm đến nay có gần 600 nghìn người hưởng một lần. Do đó, để thu hút nhiều người tham gia BHXH tự nguyện, từ ngày 1-1-2018, Nhà nước sẽ hỗ trợ mức đóng cho người lao động từ 10 đến 30%, tùy từng đối tượng. Chủ trương này được kỳ vọng sẽ nâng mức bao phủ BHXH; đồng thời giúp những người lao động tự do có lựa chọn phù hợp.

ANH THU

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/item/34406702-tao-dieu-kien-cho-lao-dong-phi-chinh-thuc-tham-gia-bao-hiem-xa-hoi.html