Tạo đà cho văn học - nghệ thuật phát triển

Ngày 20-4, Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật TP HCM đã tổ chức tọa đàm Kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 với sự tham gia của nhiều văn nghệ sĩ thuộc 9 hội chuyên ngành văn học - nghệ thuật tại thành phố

Tại tọa đàm, PGS-TS Trần Luân Kim, nguyên Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, cho rằng những quan điểm căn bản của "Đề cương về văn hóa Việt Nam" năm 1943 về vị trí, vai trò của văn học - nghệ thuật, về mối quan hệ giữa văn hóa - văn nghệ với chính trị và kinh tế, về vai trò lãnh đạo của Đảng đối với lĩnh vực văn học - nghệ thuật và 3 nguyên tắc: "Dân tộc hóa", "đại chúng hóa", "khoa học hóa" đã được Đảng không ngừng kế thừa, vận dụng, bổ sung, phát triển.

Kim chỉ nam

Theo kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật TP HCM, Đề cương có cách đặt vấn đề ngắn gọn nhưng trình bày rất nổi bật quan điểm lý luận, thể hiện tầm nhìn của Đảng, là kim chỉ nam soi đường cho những giá trị trong sáng tác văn học - nghệ thuật.

Nghệ sĩ Lê Nguyên Hiều, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa TP HCM, cho biết hiện nay, ngành văn hóa đang có chủ trương xây dụng "chiến lược công nghiệp văn hóa". Để xây dựng thành công chiến lược này, đòi hỏi phải giải quyết nhiều vấn đề. Trong đó, hai vấn đề cần làm rõ là văn hóa đích thực và văn hóa thương mại.

Nhà báo Ngô Ngọc Ngũ Long bày tỏ tâm tư khi có gần 100 chương trình giải trí (gameshow) đang thao túng trên các sóng truyền hình cả nước. Gameshow có mặt suốt 24 giờ phát sóng cả ngày lẫn đêm, nhất là vào "giờ vàng" buổi tối, gần như kênh truyền hình nào cũng dành cho các chương trình này. Trong khung giờ đó, khán giả có chuyển hàng chục kênh cũng không thể tìm được nội dung nào khác đáng xem hơn.

Đáng lo là trên một số phương tiện truyền thông đã xuất hiện nhiều bài báo "câu khách" rẻ tiền, chỉ cốt gây sự tò mò của độc giả để đạt yêu cầu doanh thu quảng cáo… "Trật tự xã hội sẽ lung lay khi những sản phẩm này xâm nhập giới trẻ hằng ngày, hằng giờ. Một dân tộc nếu để mất đi vốn di sản văn hóa của mình, để văn hóa xuống cấp thì dân tộc đó sẽ không còn tương lai" - nhà báo Ngô Ngọc Ngũ Long nhấn mạnh.

Nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TP HCM, phát biểu tại tọa đàm

Thể hiện được vai trò, vị trí

PGS-TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm, Hội Âm nhạc TP HCM, đặt vấn đề: Để ca khúc Việt hội nhập và phát triển, cần bắt đầu từ đâu; lấy gì làm cơ sở, con đường nào để hội nhập và phát triển? Bởi lẽ, đã có những bài hát Việt bê nguyên xi giai điệu của ca khúc Hàn Quốc, Thái Lan..., hoặc được thể hiện nửa rock nửa rap...

Theo các đại biểu dự tọa đàm, chúng ta hiện sống trong thời kỳ chuyển đổi số với sự phát triển vũ bảo của trí tuệ nhân tạo. Mạng xã hội ngày càng phổ biến, buộc công tác tuyên truyền phải thích ứng, đổi mới, linh hoạt ứng dụng công nghệ. Không gian mạng đang trở thành mặt trận chính của cuộc đấu tranh tư tưởng, văn hóa - nghệ thuật. Do vậy, chúng ta cần phải chủ động nắm bắt và khai thác hiệu quả xu hướng này,

Đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng trong thế giới phẳng, tiềm năng mới trong công tác tuyên truyền là chuyển đổi số. Trong đó, sáng tạo vĩ đại nhất là sự sáng tạo của cộng đồng. Thế nên, TP HCM phải sớm số hóa những tác phẩm văn học, công trình văn hóa - nghệ thuật để thích ứng với sự phát triển này.

Nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TP HCM, đồng tình với quan điểm vừa nêu. Theo bà, việc tạo điều kiện cho người trẻ tiếp cận với sách thuộc nhiều lĩnh vực sẽ góp phần hoàn thiện hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người ở thành phố mang tên Bác.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM, cho rằng bối cảnh, tình hình mới đã và đang đặt ra yêu cầu cấp thiết phải tiếp tục nghiên cứu, đổi mới tư duy, phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển văn học - nghệ thuật ở thành phố.

Văn học - nghệ thuật TP HCM đã thể hiện được vai trò, vị trí trong công cuộc xây dựng, phát triển thành phố; kịp thời truyền tải sâu sắc, toàn diện đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là việc cụ thể hóa các quan điểm, đường lối nhằm định hướng xây dựng, phát triển thành phố.

Việc đầu tư các tác phẩm, công trình văn học - nghệ thuật tiêu biểu, có giá trị về nội dung và tư tưởng, chất lượng nghệ thuật phù hợp bản sắc văn hóa dân tộc và đặc trưng văn hóa TP HCM, đoạt giải thưởng trong nước và quốc tế, sẽ thiết thực góp phần phục vụ đời sống tinh thần của nhân dân và sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

PGS-TS Trần Luân Kim nhấn mạnh: “Tài năng văn học - nghệ thuật là vốn quý của dân tộc. Việc phát hiện, bồi dưỡng, chăm lo và phát huy các tài năng văn học - nghệ thuật là trách nhiệm của toàn xã hội. Văn nghệ sĩ TP HCM cần tiếp tục phát huy, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của văn hóa trong việc xây dựng và phát triển thành phố cũng như đất nước”.

Bài và ảnh: THANH HIỆP

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/van-nghe/thuc-day-van-hoc-nghe-thuat-tp-hcm-phat-trien-20230420201250909.htm