Tạo đà cho năm mới thắng lợi mới

BHG - Khi cánh đào Phai vẫn còn vẹn nguyên sắc thắm thì trên khắp các cánh đồng, vườn đồi đến nhà máy, cơ sở sản xuất, kinh doanh của huyện Bắc Quang, người dân nhanh chóng bắt tay vào lao động sản xuất. Không khí khai Xuân tất bật, rộn ràng không chỉ đảm bảo khung thời vụ, kế hoạch sản xuất, kinh doanh mà còn nhân lên khí thế quyết tâm, tạo đà cho một năm mới thắng lợi mới.

Sau Tết Nguyên đán, nắng Xuân “dát vàng” phủ khắp các vườn đồi của huyện Bắc Quang cũng là thời điểm lý tưởng để nhà vườn tiếp tục thu hoạch cam Sành, niên vụ 2023 – 2024. Anh Đặng Văn Phong, Bí thư Chi bộ - Trưởng thôn Giàn Thượng (xã Tiên Kiều) chia sẻ: Thôn Giàn Thượng có trên 250 ha cam Sành sản xuất theo quy trình VietGAP. Với năng suất bình quân hơn 10 tấn/ha, giá bán tại vườn dao động từ 15 – 20 nghìn đồng/kg, cao hơn so với cùng kỳ năm trước từ 5 – 10 nghìn đồng/kg nên bà con phấn khởi lắm. Hiện nay, các nhà vườn tiếp tục thu hoạch cam Sành, phấn đấu đến hết tháng 2 âm lịch kết thúc thu hoạch để chăm sóc cam Sành niên vụ mới.

Người dân xã Tân Thành (Bắc Quang) thu hoạch cam Sành. Ảnh: THU PHƯƠNG

Tại xã Đông Thành, từng kiện cam Sành ánh vàng, căng tròn, mọng nước theo xe máy, xe tải từ khắp các nhà vườn tập kết tại Nhà máy chế biến cam Sành của Công ty Cổ phần Cam Ta làm cho không khí thu mua cam Sành những ngày đầu Xuân trở nên rộn rã. Anh Nguyễn Việt Cường, Giám đốc Công ty Cổ phần Cam Ta chia sẻ: “Với chất lượng thơm, ngon, đậm vị, cam Sành Hà Giang đã chiếm lĩnh, khẳng định uy tín, thương hiệu trên thị trường, trở thành “Món ngon tinh hoa ẩm thực Việt”, được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn. Từ nguồn nguyên liệu quý giá này, chúng tôi đã phối hợp với nhóm chuyên gia hàng đầu của Hà Lan để nhận chuyển giao công nghệ chế biến các sản phẩm từ cam Sành Hà Giang trên dây chuyền hiện đại, khép kín theo tiêu chuẩn châu Âu”. Với quy mô sản xuất tiểu thủ công nghiệp, công suất 2 tấn cam/ngày, Nhà máy chế biến cam Sành của Công ty Cổ phần Cam Ta đã trở thành địa chỉ uy tín bao tiêu sản phẩm cho các nhà vườn trên địa bàn xã để phục vụ chế biến. Hiện nay, Công ty Cổ phần Cam Ta đã có 3 sản phẩm cam Sành được chứng nhận OCOP, gồm: Tinh dầu cam (3 sao), Mứt cam, Siro cam (4 sao). Thông qua việc cung cấp cho thị trường hơn 4.000 sản phẩm OCOP đã mang lại cho Công ty nguồn doanh thu khoảng 600 triệu đồng/năm. “Trong năm mới này, chúng tôi tiếp tục nghiên cứu, đổi mới, sáng tạo, ứng dụng công nghệ hiện đại để ra mắt thị trường sản phẩm Trà cam, nâng tổng số sản phẩm cam chế biến lên 7 sản phẩm”, anh Nguyễn Việt Cường chia sẻ thêm.

Người dân xã Vĩnh Phúc thu hoạch cam sành. Ảnh: MAI ÁNH

Nếu trên các sườn đồi, cam Sành được nhà vườn nhanh chóng thu hái thì dưới cánh đồng, lúa Xuân bắt đầu bén rễ, vươn màu xanh non. Anh Trần Minh Hữu, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT Bắc Quang cho biết: Trước và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn, tranh thủ thời tiết ấm áp, nhân dân đã tập trung gieo trồng các loại cây vụ Xuân gồm lúa, ngô, lạc, đảm bảo khung thời vụ. Theo kế hoạch, toàn huyện gieo cấy gần 2.900 ha lúa, 1.400 ha ngô, 1.900 ha lạc. Tính đến thời điểm này, toàn huyện trồng được hơn 580 ha ngô và trên 1.100 ha lạc. Riêng với cây lúa, diện tích gieo mạ đạt 100% và cấy được gần 2.400 ha, đạt 82,1% so với kế hoạch. Đặc biệt, vụ Xuân này, huyện Bắc Quang tiếp tục triển khai ứng dụng mạ khay với tổng diện tích gần 95 ha/8 xã, tương đương với 25.594 khay mạ. Cơ cấu giống chủ yếu là lúa Việt lai 20 thế hệ mới, Tẻ nương Hà Giang. Đến nay, các xã đã gieo cấy được gần 90 ha; trong đó, có 5,4 ha cấy máy, còn lại là cấy tay. Việc ứng dụng mạ khay, máy cấy đã và đang mang lại lợi ích kép cho người dân trong việc giải phóng sức lao động, giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp.

Xuân Giáp Thìn 2024 là năm thứ 4 gia đình chị Hoàng Thị Dịu, thôn Tân Tấu (xã Tân Thành) thực hiện chủ trương cải tạo vườn tạp theo tinh thần Nghị quyết 05, ngày 1.12.2020 của BCH Đảng bộ tỉnh về cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ để tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 – 2025. Ngay sau những ngày vui Tết cổ truyền của dân tộc, gia đình chị Dịu đã bắt tay vào làm đất, chuẩn bị cho mùa bí Xanh mới. Chị Dịu cho biết: “Trước đây, gia đình tôi dành 1.300 m2 đất để trồng chè nhưng vì nhiều lý do khách quan, chủ quan nên năng suất thấp, thu nhập từ chè chưa đạt 10 triệu đồng/năm. Thế nhưng, trên cùng diện tích đất sản xuất ấy, gia đình tôi đã chuyển đổi sang trồng bí Xanh. Trung bình 1 năm, gia đình tôi thu hoạch hơn 6 tấn bí Xanh với giá bán dao động từ 3 – 10 nghìn đồng/kg (tùy từng thời điểm), mang lại doanh thu cao gấp nhiều lần so với trồng chè”.

Ngay sau Tết nguyên đán Giáp Thìn, không khí khẩn trương bắt tay vào lao động sản xuất đã ngập tràn khu vực cửa ngõ phía Nam của tỉnh. Đây cũng là tiền đề quan trọng để huyện Bắc Quang tiếp tục huy động sức mạnh đồng thuận trong nhân dân, cùng cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2024.

THU PHƯƠNG

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202402/tao-da-cho-nam-moi-thang-loi-moi-ee33198/