Tăng trưởng thương mại điện tử Việt Nam gấp 2,5 lần Nhật Bản

Theo ông Trần Đức Tân, Giám đốc dự án Z.com, nếu xét về tăng trưởng trong lĩnh vực thương mại điện tử, Việt Nam là một trong những thị trường có tốc độ tăng nhanh nhất thế giới, khoảng 35% và cao gấp 2,5 lần Nhật Bản.

Tại Diễn đàn toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam 2017 diễn ra ngày 16/2, ông Trần Đức Tâm, Giám đốc dự án Z.com cho biết, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam tính đến cuối năm 2016 là khoảng 4 tỷ USD, bằng 1/30 so với mức 120 tỷ USD của Nhật Bản.

Tuy nhiên, nếu xét về tăng trưởng, tốc độ tăng trưởng lĩnh vực thương mại điện tử của Việt Nam khoảng 35%, cao gấp 2,5 lần Nhật Bản và là một trong số những thị trường có tốc độ tăng nhanh nhất thế giới. Con số ông Tâm đưa ra – 35% cao hơn con số mà trước đó Bộ Công Thương từng đưa ra (20%).

Ông Tâm cho biết thêm, với thị phần thương mại điện tử chiếm khoảng 2,8% thị trường bán lẻ, người Việt đang chuyển dịch mua sắm từ “offline” sang “online” tuy nhiên, thương mại điện tử ở Việt Nam là bài toán niềm tin và giao hàng, việc kết nối thông tin dường như chưa đủ.

Ông Tâm dẫn trường hợp Nhật Bản và cho biết, ở Nhật, khi nhận được một đơn hàng mua online (trực tuyến) thì khách hàng vẫn nhận được những ưu đãi, dịch vụ hậu mãi… như khi mua trực tiếp tại cửa hàng, đây là điểm khác biệt mà các doanh nghiệp Việt cần học tập.

Ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (Vecom) cho biết, việc tham gia của nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực thương mại điện tử thời gian vừa qua cho thấy đã tạo ra hệ sinh thái tốt cho thị trường thương mại điện tử, chẳng hạn Lazada muốn phát triển dịch vụ tốt thì phải sử dụng các dịch vụ của doanh nghiệp khác.

Nêu thêm quan điểm về vấn đề này, ông Trần Trọng Tuyến, Tổng thư ký Vecom cũng cho biết, một thị trường khi được nhiều “ông lớn” quan tâm cho thấy thị trường rất ổn, tiềm năng.

“Khi các công ty lớn với kinh nghiệm, tiền bạc đầu tư thì đồng thời cũng là nỗi lo của doanh nghiệp trong nước. Nỗi lo này là hợp lý nhưng nếu không có doanh nghiệp mạnh vào thì mãi chỉ loanh quanh, không phát triển, có doanh nghiệp mạnh vào thì thị trường có cạnh tranh, phát triển”, ông Tuyến cho hay.

“Các đơn vị thương mại điện tử đầu tư tại Việt Nam dù dưới hình thức nào 100% vốn, hay đầu tư một phần thì cũng tạo cơ hội cạnh tranh lớn cho thị trường”, ông Tuyến nói thêm.

Nguyễn Thảo

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/thuong-truong/tang-truong-thuong-mai-dien-tu-viet-nam-gap-25-lan-nhat-ban-2474739.html