Tăng trưởng kinh tế 'âm' ở Bắc Ninh và câu chuyện thu hút đầu tư

Từ một tỉnh luôn nằm trong Top đầu về tăng trưởng kinh tế, năm 2023, Bắc Ninh 'quay xe đội sổ' trong số 63 tỉnh, thành phố, khiến nhiều người ngỡ ngàng.

Số liệu của Cục Thống kê tỉnh Bắc Ninh cho thấy, năm 2023, tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của tỉnh (theo giá so sánh 2010) giảm 9,28% so với cùng kỳ. Đây là điều chưa từng có trong cả thập kỷ phát triển kinh tế - xã hội vừa qua của Bắc Ninh.

Với mức giảm này, bình quân mỗi năm giai đoạn 2021-2023, Bắc Ninh chỉ tăng 0,4%/năm, thấp hơn nhiều so với mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đề ra (tăng trưởng GRDP bình quân 7-8% mỗi năm).

Giá trị xuất khẩu của Samsung Việt Nam thấp hơn khá nhiều so với 2 năm trước khiến thủ phủ công nghiệp Bắc Ninh rơi vào tăng trưởng âm

Lý giải về nguyên nhân sụt giảm mạnh, ông Vũ Minh Giang - quyền Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Bắc Ninh - chia sẻ, năm 2023 kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức đã ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế - xã hội của đất nước nói chung, của Bắc Ninh nói riêng.

Đánh giá của UBND tỉnh Bắc Ninh, sự sụt giảm sâu là do công tác nắm bắt, dự báo tình hình có lúc chưa sát. Đặc biệt, công tác phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương còn thiếu chặt chẽ, chưa hiệu quả, chất lượng thấp. Một số cơ quan, đơn vị, cán bộ có biểu hiện đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm, giải quyết kéo dài thời gian…

Nhận định về tình hình này, giới chuyên gia cho rằng, trong khi cùng có điểm chung là thế mạnh phát triển công nghiệp, hút vốn FDI thì tỉnh hàng xóm là Bắc Giang năm nay tăng trưởng kinh tế đạt tới 13,45% - đứng đầu cả nước còn Bắc Ninh lại “đội sổ” là hiện tượng khá bất thường, cần có sự mổ sẻ nguyên nhân.

Thực tế nhìn vào kết quả thực hiện kinh tế - xã hội năm 2023 của Bắc Ninh thấy rất rõ: Năm qua, ngành công nghiệp giảm tới 13,08%, trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo giảm mạnh nhất (13,30%), tập trung chính ở ngành điện.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Lê Trung Hiếu phân tích: Trong cơ cấu kinh tế của Bắc Ninh, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng gần 70%. Năm 2022, ngành điện tử chiếm khoảng hơn 50% trong cơ cấu GRDP của Bắc Ninh, năm nay con số này có giảm song vẫn chiếm tỷ trọng 45%. Tăng trưởng ngành điện tử giảm sâu là nguyên nhân chính khiến GRDP của Bắc Ninh giảm.

Nhiều ý kiến cũng đề cập: Nhiều năm qua, ngành điện tử của Bắc Ninh, hoạt động của Samsung đóng vai trò chủ đạo, then chốt nhưng trong năm 2023, giá trị xuất khẩu của Samsung Việt Nam thấp hơn khá nhiều so với 2 năm trước khiến thủ phủ công nghiệp Bắc Ninh rơi vào tăng trưởng âm.

Từ câu chuyện tăng trưởng của Bắc Ninh, đại diện Tổng cục Thống kê khuyến cáo, trong thu hút FDI, các tỉnh, thành phố phải thu hút nhiều ngành, lĩnh vực, không nên tập trung vào một số ngành, để tình trạng một số ngành chiếm cơ cấu rất lớn, quá phụ thuộc sẽ dễ dẫn tới rủi ro. Bởi khi một ngành có tỷ trọng cao bị ảnh hưởng sẽ kéo theo tăng trưởng của tỉnh, sau đó là tới đời sống kinh tế, dịch vụ liên quan.

Đồng quan điểm với đại diện phía Tổng cục Thống kê, nhiều ý kiến bày tỏ: Với một nền kinh tế có độ mở lớn như Bắc Ninh không chỉ bị chi phối bởi các yếu tố bên ngoài, mà ngay cả yếu tố nội tại cũng sẽ tác động sâu sắc. Trong khi những lợi thế so sánh của địa phương đã tới ngưỡng và đang giảm dần, không còn đủ sức hấp dẫn các nguồn đầu tư, đã đến lúc cần phải thay đổi tư duy trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng nâng cao năng lực cạnh tranh mang tính bao trùm.

Theo đó, giải pháp tỉnh Bắc Ninh đưa ra nhằm đạt được cao nhất các mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2024 và tạo nền tảng cho năm tiếp theo, đó là: Tăng cường năng lực hiện có của tỉnh, củng cố nền tảng, bảo đảm ổn định kinh tế, tăng cường năng lực thích ứng, sức chống chịu của nền kinh tế. Giữ vững ổn định kinh tế, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng từ 5-6% theo mục tiêu kế hoạch của tỉnh.

Bên cạnh đó, cần có giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, sớm khắc phục các hạn chế để đẩy nhanh giải gân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2024, đặc biệt các dự án quan trọng, các công trình trọng điểm của tỉnh; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng, đa dạng hóa thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm, tham gia sâu, rộng hơn vào các chuỗi cung ứng khu vực, toàn cầu, phấn đấu thặng dư thương mại bền vững.

Chủ động triển khai các chiến dịch vận động xúc tiến đầu tư, khẳng định Bắc Ninh là điểm đến đầu tư an toàn, tin cậy. Chủ động kết nối, làm việc với các tập đoàn lớn của thế giới để trao đổi, chia sẻ cơ hội đầu tư tại địa phương.

Nếu như giai đoạn dịch Covid-19 hoành hành và thời gian đầu hậu Covid-19, kinh tế Bắc Ninh vẫn tăng trưởng dương: Năm 2020 tăng 1,36%, năm 2021 là 6,9% và năm 2022 là 7,39%. Năm 2023, kinh tế Bắc Ninh tăng trưởng âm đã đặt ra câu hỏi lớn không chỉ với địa phương này mà cả những địa phương có thế mạnh phát triển công nghiệp, hút vốn FDI.

Tâm An

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tang-truong-kinh-te-am-o-bac-ninh-va-cau-chuyen-thu-hut-dau-tu-297110.html