Tăng trưởng của Mỹ có lợi cho toàn cầu, nhưng lạm phát có thể làm hỏng chuyện

Mỹ đang nổi lên như một động lực chính cho tăng trưởng toàn cầu, nhưng lạm phát và thắt chặt tiền tệ của nước này có thể gây hại cho lộ trình hạ cánh mềm của kinh tế thế giới.

Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ vừa nâng triển vọng tăng trưởng kinh tế của nước này, dựa trên cơ sở năng suất lao động và lượng người nhập cư tăng lên. Ảnh: AFP

Tranh luận về sức mạnh của kinh tế Mỹ

Tuần này, các nhà lãnh đạo tài chính toàn cầu sẽ có mặt ở Washington để tham dự các cuộc họp mùa xuân của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB). Tại đây, vận mệnh kinh tế ngắn hạn của thế giới sẽ được thảo luận và giới tinh hoa tài chính sẽ xác định xem liệu thành công bất ngờ của kinh tế Mỹ có được tiếp sức nhiều bởi các yếu tố mang tính xây dựng như tăng nguồn cung lao động và năng suất, hay là do thâm hụt tài chính quá lớn tiếp tục thúc đẩy nhu cầu và có thể gây ra lạm phát.

Hiện có một luồng quan điểm ủng hộ cách gọi của ông Austan Goolsbee, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) tại chi nhánh Chicago, về "con đường vàng", nơi mà tăng trưởng mạnh mẽ và lạm phát suy giảm cùng tồn tại không chỉ ở Mỹ, mà còn ở các quốc gia khác liên quan chặt chẽ với Mỹ thông qua tỷ giá hối đoái và các kênh thương mại giúp cho nhập khẩu ở gần mức cao kỷ lục.

Trong khi đó, một luồng quan điểm khác cho rằng, có thể sẽ đối mặt một chặng đường gập ghềnh phía trước, nếu Fed kết luận rằng nhu cầu của Mỹ vẫn còn quá mạnh để lạm phát có thể giảm thêm và họ cần phải trì hoãn việc cắt giảm lãi suất như dự kiến hoặc trong trường hợp cực đoan, họ phải dùng đến biện pháp tăng lãi suất mà họ đã áp dụng trong 2 năm qua.

Dữ liệu kinh tế Mỹ mới đây dường như chưa thuyết phục được Fed ra quyết định lãi suất, bởi lạm phát quý I vẫn neo cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của Fed, trong khi GDP quý I vẫn đạt tăng trưởng trên tiềm năng là mức 2,4%, theo công cụ dự báo của Fed chi nhánh Atlanta. Hiện các quan chức Fed vẫn rất thận trọng khi nói về thời điểm có thể bắt đầu hạ lãi suất.

Ông Thomas Barkin, Chủ tịch Fed tại chi nhánh Richmond, tuần trước cho biết: "Chúng tôi vẫn chưa đạt đến mức mong muốn về lạm phát", sau 7 ngày mà dữ liệu việc làm của Mỹ ghi nhận các công ty đã thuê thêm 303.000 lao động trong tháng 3, con số này càng phủ định xu hướng mà các quan chức Fed đã dựa vào năm ngoái để phác thảo lộ trình hạ lãi suất cho năm nay.

Sau dữ liệu kinh tế tháng 3, các thị trường đã hạ thấp triển vọng về nới lỏng tiền tệ của Fed, điều mà các quan chức tài chính toàn cầu chắc chắn đã nhận ra trước khi tham dự các cuộc họp mùa xuân của IMF và WB. Các cuộc họp mùa xuân năm nay có thể tập trung vào việc liệu cơn lạm phát hậu đại dịch Covid-19 và chính sách tiền tệ thắt chặt trên thế giới đang đi đến hồi kết hay đơn giản chỉ là tạm dừng cho đến khi tình hình ở Mỹ trở nên rõ ràng hơn.

Chờ xem quan điểm của các ngân hàng trung ương khác

Bản tóm tắt Triển vọng Kinh tế Thế giới mới nhất của IMF sẽ được công bố vào ngày 16/4. Nhưng dữ liệu gần đây về kinh tế Mỹ đã ít nhiều tác động đến quan chức của các ngân hàng trung ương khác.

Mặc dù Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hiện vẫn giữ nguyên triển vọng cắt giảm lãi suất và lạm phát, nhưng cuộc họp báo tuần trước của Chủ tịch ECB Christine Lagarde chủ yếu xoay quanh các câu hỏi về việc chính sách tiền tệ của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ vênh với chính sách của Fed ra sao, nếu lạm phát ở Mỹ vẫn dai dẳng.

Các thị trường đang chờ các ngân hàng trung ương khác đưa ra quan điểm rõ ràng hơn về liệu cuộc chiến lạm phát kéo dài ở Mỹ sẽ hạn chế hành động của họ ra sao và tác động đến nền kinh tế của họ thế nào.

Ông Per Jansson, phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Thụy Điển (Riksbank), nói với các phóng viên rằng: "Vấn đề không chỉ là liệu Fed có thể quyết định hành động vào tháng 6 hay muộn hơn một chút, mà còn là toàn bộ chính sách tiền tệ của họ trong khoảng một năm còn lại vẫn đang là dấu hỏi". Đại diện Riksbank cho rằng không phải là “không có cơ hội” mà Fed có thể phải thảo luận xem liệu có cần tăng thêm chi phí lãi vay hay không.

Trong dự báo kinh tế mới nhất mà Fed công bố tháng trước, không quan chức nào của Fed cho rằng cần phải đưa lãi suất qua đêm chuẩn vượt ngưỡng hiện nay (5,25 - 5,50%) - mức lãi suất mà Fed đã duy trì kể từ tháng 7 năm ngoái.

Tuy nhiên, khác biệt đã xuất hiện khi biên bản cuộc họp chính sách ngày 19-20/3 của Fed cho thấy "một số người dự họp" đã đánh giá rằng các điều kiện tài chính tổng thể có thể không được thắt chặt như kỳ vọng và "điều này có thể tạo thêm động lực cho tổng cầu và gây áp lực lạm phát" và động lực này nếu được duy trì có thể khiến Fed tăng lãi suất.

Kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh mẽ trong bối cảnh lãi suất chính sách của nước này đạt mức cao nhất trong một phần tư thế kỷ. Tình thế này đã đặt ra câu hỏi cho Fed mà rộng ra là cho cả nền kinh tế toàn cầu, rằng liệu tác động của chính sách tiền tệ có thể diễn ra chậm chạp hay không khi một cuộc suy thoái sắp xuất hiện, hay liệu các khía cạnh của nền kinh tế Mỹ như sự tham gia của người lao động và năng suất lao động có biến chuyển tốt lên hay không.

Rủi ro tăng cao

Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ vừa nâng triển vọng tăng trưởng kinh tế của nước này, dựa trên cơ sở năng suất lao động và lượng người nhập cư tăng lên - hai yếu tố giúp nền kinh tế đạt tăng trưởng mà không gây ra lạm phát.

Thực tế, hai yếu tố trên đã giúp giảm tốc độ tăng giá vào năm ngoái một cách đáng ngạc nhiên, mở đường cho cái mà một số nhà phân tích gọi là "giảm phát hoàn toàn", nhưng nay vẫn chưa rõ mức giảm đó sâu đến đâu, theo các quan chức Fed.

Nếu cho rằng nền kinh tế Mỹ vẫn quá mạnh hoặc các điều kiện tài chính quá lỏng lẻo để lạm phát có thể quay trở lại mục tiêu 2% của Fed, thì hiện tượng lệch pha này sẽ giúp kéo kinh tế thế giới đi lên, nhưng lại có thể trở thành lực cản thắt chặt tiền tệ.

"Tôi nghĩ Fed đang ở chế độ theo dõi và chờ đợi", bà Karen Dynan, giáo sư Đại học Harvard và thành viên cấp cao tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, nhận xét.

Mặc dù nữ giáo sư của Đại học Harvard cho rằng, việc Fed thắt chặt chính sách tiền tệ hơn sẽ "kéo giảm" nhu cầu và kìm chân nền kinh tế, nhưng không thể bỏ qua những hậu quả tồi tệ nếu tình trạng lạm phát vẫn dai dẳng.

"Đó thực sự là một dự báo về một 'cuộc hạ cánh mềm'…, nhưng tôi thành thật cho rằng, nguy cơ suy thoái kinh tế đang tăng cao ở Mỹ và các quốc gia khác”, GS. Karen Dynan cảnh báo.

Đông Phong

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/tang-truong-cua-my-co-loi-cho-toan-cau-nhung-lam-phat-co-the-lam-hong-chuyen-d213047.html