Tăng tốc chuyển đổi xanh

Tiến tới chuyển đổi xanh, Việt Nam đã có nhiều chính sách nhằm tạo tiền đề, bắt kịp với xu thế hội nhập quốc tế, trong đó có lĩnh vực giao thông vận tải, chuyển đổi năng lượng.

Tuyến metro số 1 TPHCM (Bến Thành - Suối Tiên).

Nhiều chính sách hỗ trợ chuyển đổi xanh

Đầu năm 2024, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt ký công văn số 149 trả lời kiến nghị của cử tri Bình Định liên quan đến hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trạm sạc xe điện. Các tiêu chuẩn này được xây dựng dựa trên cơ sở tương đương tiêu chuẩn của Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO), Ủy ban kỹ thuật điện quốc tế (IEC).

Theo đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đang xây dựng 18 tiêu chuẩn liên quan đến trạm sạc xe điện và các thiết bị điện liên quan như đầu sạc, dây cáp sạc, thiết bị đo điện năng sạc pin xe điện. Ngoài ra bộ cũng sửa đổi và bổ sung một số điều của thông tư 23 ban hành năm 2013 quy định về đo lường đối với phương tiện nhóm 2 với nội dung bổ sung "thiết bị đo điện năng sạc pin xe điện". Thông tư sửa đổi bổ sung này dự kiến ban hành trong năm 2024.

Công văn cũng đề cập, thời gian tới Bộ Khoa học và Công nghệ cùng với các bộ ngành nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách hỗ trợ nhà đầu tư phát triển hạ tầng trạm sạc xe điện và khuyến khích người tiêu dùng sử dụng loại phương tiện này.

Cuối năm 2023 vừa qua, các thành phố lớn là Hà Nội, TPHCM đều đưa ra cam kết sớm xanh hóa các tuyến giao thông công cộng.

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM Trần Quang Lâm cho biết, TPHCM sẽ tập trung chuyển đổi phương tiện giao thông công cộng, xe buýt, taxi. Thành phố sẽ tăng mức trợ giá, hỗ trợ trạm sạc đối với xe buýt điện, miễn giảm thuế trước bạ, hỗ trợ điều kiện vận hành, khai thác đối với xe taxi điện.

Đối với các loại môtô, xe 2 bánh cũ, thành phố cũng nghiên cứu, khoanh vùng và xác định một số đối tượng thí điểm như huyện Cần Giờ, khu vực trung tâm. Các đối tượng sẽ được hưởng các hỗ trợ gián tiếp bằng chính sách hoặc trực tiếp qua chi phí mua xe điện.

Từ những chủ trương lớn

Nói về vấn đề “xanh hóa” ngành giao thông vận tải (GTVT), trao đổi với Lao Động, GS.TS Lê Anh Tuấn - Chủ tịch HĐ Đại học Bách Khoa - cho biết, năm 2022, Việt Nam ban hành Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050 tại Quyết định số 450 ngày 13.4.2022; tiếp đó là Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 tại Quyết định số 896 của Thủ tướng Chính phủ ngày 26/7/2022. Trong các chiến lược này đều có đề cập đến nhiều giải pháp cắt giảm phát thải khí nhà kính của ngành GTVT.

“Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam được cập nhật năm 2022 đặt mục tiêu cắt giảm CO2 đến năm 2030 là 15,8% (kịch bản đóng góp không điều kiện - Nỗ lực quốc gia) và 43,5% (kịch bản có điều kiện - Hỗ trợ quốc tế). Mục tiêu cắt giảm phát thải khí nhà kính trong NDC là cơ sở để xây dựng các chiến lược “xanh hóa” các lĩnh vực, bao gồm GTVT.

Trong lĩnh vực GTVT, Việt Nam cũng đã đưa vào một số luật nhiều cơ chế để thúc đẩy chuyển đổi sang sử dụng phương tiện sạch như Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2022, Luật Bảo vệ môi trường năm 2022. Trong đó đề cập những ưu đãi rất rõ và cụ thể ôtô sử dụng điện, bên cạnh những chính sách đối với phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch,..

Quyết định 876 của Thủ tướng Chính phủ ngày 22/7/2022 đặt mục tiêu rất cụ thể chuyển đổi sang năng lượng sạch, giảm phát thải khí carbon và khí methan cho lĩnh vực GTVT. Chuyển đổi phương tiện sang sử dụng điện và sử dụng nhiên liệu sạch là một trong những giải pháp chủ đạo của lĩnh vực GTVT” - GS.TS Tuấn nói.

Chuyển dịch năng lượng xanh

Để phương tiện giao thông chuyển đổi xanh, việc chuyển đổi năng lượng cũng cần phải được tăng tốc.

Tại Hội nghị COP26, COP27 vừa qua, diễn ra tại Vương quốc Anh và Ai Cập, Chính phủ Việt Nam đã tham gia Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch. Đây là định hướng quan trọng của Việt Nam hướng tới nền kinh tế carbon thấp, tăng trưởng xanh trong những thập kỷ tới.

Không phải sau COP26, COP27 những chủ trương, chiến lược phát triển năng lượng tái tạo mới được đề cập. Ngay từ sớm, chủ trương, chiến lược đã được hình thành để huy động các nguồn lực của các thành phần kinh tế và đảm bảo an ninh năng lượng tái tạo, như: Phát triển thủy điện từ những năm 2000, phát triển điện gió từ sau 2010.

Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25/11/2015 phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đặc biệt là Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW (Nghị quyết số 140/NQ-CP ngày 2.10.2020)...

Theo đó, để phát triển năng lượng tái tạo cần ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, xây dựng các cơ chế, chính sách đột phá để khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo nhằm thay thế tối đa các nguồn năng lượng hóa thạch. Ưu tiên sử dụng năng lượng gió và mặt trời cho phát điện; khuyến khích đầu tư xây dựng các nhà máy điện sử dụng rác thải đô thị, sinh khối và chất thải rắn đi đôi với công tác bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế tuần hoàn...

Riêng đối với điện gió và điện mặt trời, chủ trương của Việt Nam là ưu tiên phát triển phù hợp với khả năng bảo đảm an toàn hệ thống với giá thành điện năng hợp lý. Khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái và trên mặt nước. Xây dựng các chính sách hỗ trợ và cơ chế đột phá cho phát triển điện gió ngoài khơi gắn với triển khai thực hiện Chiến lược biển Việt Nam.

Cũng từ đó, mục tiêu trong Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo là tăng tỉ lệ điện năng sản xuất từ năng lượng tái tạo trong tổng điện năng sản xuất toàn quốc tăng từ khoảng 35% vào năm 2015 tăng lên khoảng 38% vào năm 2020; đạt khoảng 32% vào năm 2030 và khoảng 43% vào năm 2050...

Một bài viết đăng tải trên tạp chí The Economist ngày 4/6/2022 đã cho biết, trong 4 năm tính đến 2021, tỉ trọng điện lượng Mặt Trời tại Việt Nam đã tăng từ mức thực tế gần như bằng 0 lên gần 11%. Tác giả bài viết nhận định, Việt Nam là điểm sáng trong khu vực Đông Nam Á về chuyển đổi năng lượng sạch.

Theo báo Lao động

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/tang-toc-chuyen-doi-xanh-post379919.html