Tăng tốc cho cao tốc

Gần như các tuyến đường cao tốc trên cả nước đều được thi công khẩn trương suốt trong những ngày đầu năm 2024.

Minh họa/INT

Tết Dương lịch lẽ ra được nghỉ nhưng công nhân ở các công trường đường cao tốc vẫn miệt mài lao động, hoàn thành từng mét một từ mặt đường, cầu cống cho đến hầm chui.

Ở miền Trung, những tháng qua rơi đúng vào mùa mưa, việc thi công ở công đoạn đào, đắp nền đường là không thể. Thay vào đó, các công đoạn đục khoét hầm chui, thi công các trụ móng cầu, cống vẫn được tiến hành không một ngày ngưng nghỉ.

Tiêu biểu như tuyến cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, nhà thầu đã đảm bảo tiến độ thi công ở các gói thầu, thông 2 trong tổng số 3 hầm chui trên toàn tuyến, đúng vào những ngày cuối năm, như cam kết với chủ đầu tư.

Đây là tuyến khó khăn do phải đi qua những địa hình núi đá phức tạp, song được chủ đầu tư đánh giá là một trong số ít những gói thầu hoàn thành đúng tiến độ đã đề ra.

Đường cao tốc trên cả nước đã thực sự tăng tốc, không chỉ ở những ngày đầu năm mới, mà sẽ giữ nhịp độ thi công cho đến khi hoàn thành toàn bộ tuyến cao tốc Bắc - Nam.

Hiện tại, hàng trăm km đường cao tốc đang thi công dở dang và sẽ hoàn thành theo tiến độ như cam kết. Để có được điều này, ngoài nỗ lực của các nhà thầu trên từng gói thầu, việc giải ngân vốn luôn được Chính phủ quan tâm, đốc thúc từng tháng, từng quý một.

“Tiền không thiếu, các nhà thầu hoàn thành tới đâu sẽ được thanh toán tới đó” - như Thủ tướng đã từng phát biểu. Đây là điều chưa từng có tiền lệ khi nhà thầu thi công ở các công trình lớn.

Báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải cho biết, chỉ trong năm 2023 vừa qua, cả nước đã có thêm 475km đường cao tốc được đưa vào khai thác, lớn nhất từ trước đến nay, nâng tổng số đường cao tốc trên cả nước lên 1.892km.

Có những thời điểm chỉ trong 5 năm mà chiều dài đường cao tốc được hoàn thành bằng 20 năm trước đó, đủ thấy sự khẩn trương và quyết tâm của Chính phủ trước nhiệm vụ cấp bách và nhu cầu bức thiết trong công cuộc xây dựng đất nước hiện nay như thế nào.

Điều đáng quý là toàn bộ các tuyến cao tốc hiện nay, chúng ta đã hoàn toàn tự chủ về kỹ thuật thi công cũng như tư vấn, giám sát. Các kỹ sư và công nhân Việt Nam đã có thể thi công ở những công đoạn phức tạp nhất, từ việc khoét núi đào hầm cho đến thi công trong điều kiện dưới bùn nước đòi hỏi xử lý nền móng các mố, trụ cầu phải thực sự khoa học. Như công trình cầu Mỹ Thuận 2 là một ví dụ.

Cứ mỗi km cao tốc được hoàn thành và đưa vào sử dụng là chúng ta lại rút ngắn được thời gian di chuyển, không chỉ tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân được dễ dàng, mà còn giúp cho hàng hóa được lưu thông thuận lợi hơn. Kinh tế theo đó cũng phát triển nhanh hơn. Cái đích mà chúng ta đề ra mỗi ngày một gần hơn.

Theo kế hoạch, đến năm 2025, cả nước sẽ có 3.000km cao tốc, đến năm 2030 sẽ có 5.000km cao tốc. Điều đó cũng có nghĩa là mỗi năm, chúng ta phải hoàn thành và đưa vào sử dụng từ 4 - 500km cao tốc! Đây là một thử thách không hề đơn giản đối với ngành giao thông.

Để đảm bảo kế hoạch, chắc chắn nhiều kỹ sư, công nhân trên các công trường sẽ tiếp tục không biết Tết! Rất cần sự quan tâm cả vật chất lẫn tinh thần của chủ đầu tư, của các ngành, các cấp đối với đội ngũ “không biết Tết” này.

Trần Đăng

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tang-toc-cho-cao-toc-post668025.html