Tăng tốc bán hàng qua công nghệ kỳ vọng giúp doanh nghiệp Việt thoát khó

Nhìn từ tính hiệu quả của việc livestream sẽ thấy việc mạnh dạn tăng tốc bán hàng thông qua ứng dụng các công nghệ mới nổi là rất cần thiết với các doanh nghiệp Việt giữa bộn bề thách thức như hiện nay. Điều này không những giúp mang lại làn gió mới cho người mua, mà còn cải thiện đầu ra, tăng doanh số, giảm chi phí trung gian, từ đó không còn mối lo phải rút lui khỏi thị trường.

Đứng ở góc độ của một doanh nghiệp (DN) sản xuất kinh doanh sản phẩm dừa, mặc dù có sở trường về xuất khẩu theo phương thức truyền thống, nhưng khi nói về việc bán hàng trên kênh thương mại điện tử (TMĐT), bà Trương Thị Minh Hương, Trưởng Phòng kinh doanh của CTCP Good Link, cho biết hiện tại công ty có đưa sản phẩm lên một số sàn TMĐT nhưng hiệu quả vẫn chưa như mong đợi.

Nhắm đúng khách hàng mục tiêu

Như chia sẻ của bà Hương với VnBusiness, những Deal (mua sắm với giá ưu đãi) mà các sàn TMĐT này giới thiệu thì hiệu quả không cao. Chính vì vậy, hướng đi của công ty là vẫn tiếp cận khách hàng thực tế, ngoài ra sẽ có những chiến dịch ứng dụng kỹ thuật số để đẩy mạnh tiếp thị trực tuyến (marketing online) trên Facebook, có những video clip đăng trên Tiktok, Instagram nhằm gia tăng sức mạnh cho việc bán hàng.

Thay vì bán hàng theo cách truyền thống, cácDN kinh doanh nông sản thực phẩm cần ứng dụng các công nghệ mới nổi để đầu ra được hiệu quả hơn.

“Những thị trường nào mà công ty tiếp cận thì chúng tôi sẽ tìm hiểu mạng xã hội của những quốc gia đó để tạo ra các video clip giới thiệu cho phù hợp”, bà Hương nói.

Không chỉ với công ty nêu trên, việc làm thế nào để thích ứng với xu hướng mua sắm trực tuyến với cách thức tiếp thị trực tuyến mới cùng các phương thức bán hàng mới nổi ở thị trường trong nước lẫn xuất khẩu là điều trăn trở chung của nhiều DN Việt trong bối cảnh sức mua còn đầy thách thức.

Như trong khảo sát người tiêu dùng năm 2024 của Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao, thời gian gần đây các kênh bán hàng online đã thích ứng và khai thác tốt nhu cầu mua sắm kết hợp giải trí (buy - entertainment) của người tiêu dùng với các hình thức livestream (phát trực tiếp) bán hàng. Tiêu biểu như Tiktok Shop được xem là hình thức buy - entertainment trên nền tảng kỹ thuật số. Xu hướng này sẽ tiếp tục “nở rộ” trong thời gian tới với sự đầu tư đa kênh, đa nội dung của những người bán hàng livestream.

Chẳng hạn như mới đây kênh Tiktok có tên là Quyền Leo Daily đã có phiên livestream bán hàng thu về doanh thu kỷ lục hơn 75 tỷ đồng. Ts. Alrence Halibas, chuyên gia về Digital Marketing tại Đại học RMIT, cho rằng sự thành công của phiên livestream này là nhờ nhắm đúng khách hàng, sử dụng đúng kênh, truyền tải đúng thông điệp và chọn thời điểm hiệu quả.

Và theo dự đoán của Ts. Halibas, kỷ lục này có thể sẽ bị phá vỡ trong tương lai. Phiên livestream đánh dấu sự thành công bước đầu của xu hướng livestream lan truyền tại Việt Nam.

“Với sự phát triển không ngừng của nền tảng kỹ thuật số và hành vi thay đổi của người tiêu dùng đối với mua sắm và giải trí trực tuyến, nhiều nhãn hàng và người có ảnh hưởng có thể sử dụng tính năng livestream để kết nối hiệu quả với người xem và tăng doanh số bán hàng”, vị chuyên gia của RMIT nói.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cũng lưu ý khi sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, các DN Việt cần lưu ý rằng nếu livestream trở nên quá bão hòa sẽ dễ khiến người tiêu dùng cảm thấy mệt mỏi. Cho nên các nhãn hàng Việt sẽ phải đưa ra những phương pháp đổi mới và sáng tạo hơn để duy trì sự quan tâm và tương tác của người mua trên các kênh livestream.

Mang lại trải nghiệm mua sắm liền mạch

Với kinh nghiệm 13 năm làm livestream, hiện vừa làm founder (người sáng lập), vừa quản lý (khoảng 300 nhân viên), vừa là người trực tiếp livestream bán hàng, chia sẻ với các DN trong khuôn khổ buổi công bố hàng Việt Nam chất lượng cao diễn ra ở Tp.HCM vào trung tuần tháng 3/2024, ông Đặng Tiến Hoàng (có biệt danh khi livestream là ViruSs) nhấn mạnh các DN Việt hãy cố gắng học livestream bán hàng, vì đó là phương thức rẻ và hiệu quả nhất.

Như lo ngại của ông Hoàng, đối với các xu hướng bán hàng cũ trước đây thì các DN có thể lựa chọn, thế nhưng từ 2024 thì họ sẽ không có sự lựa chọn thay thế. Và một khi DN không đáp ứng được với công nghệ livestream bán hàng thì sẽ khó tránh chuyện sẽ bị đào thải.

Còn đứng ở góc độ của một DN lớn trong ngành hàng tiêu dùng và bán lẻ, ông Trần Lệ Nguyên, Tổng giám đốc CTCP tập đoàn Kido, cho biết gần đây đã “bắt tay” với Tiktok mở kênh giải trí và livestream bán hàng mang tên E2E. Chỉ mới ra mắt hơn 3 tháng, nhưng kênh E2E đã nhanh chóng thu hút người xem khi đã có những clip lên đến hàng chục triệu view, mang lại một làn gió mới cho các tiểu thương, DN khi mang hàng chợ lên TMĐT.

Không những vậy, theo vị tổng giám đốc này, trong những năm gần đây, phía Kido đã chuyển mạnh sang kinh doanh trực tuyến và hiện tại doanh số bán hàng trực tuyến chiếm gần 70%. Trên nền tảng Shopee, công ty cũng đang đứng trong top 3.

Ông Nguyên cho rằng để xây dựng một kênh bán hàng hiệu quả trên mạng, điều quan trọng nhất là phải có lượng người theo dõi đáng kể. Nhất là cần xây dựng các nền tảng và kênh truyền thông không chỉ là để quảng cáo và bán hàng, mà còn là để tương tác và cung cấp giải trí cho cộng đồng.

“Trước đây chúng ta chỉ bán trên kênh truyền thống nhưng ngày nay phải bán hàng qua công nghệ, bắt đầu livestream. Giữa bán trực tiếp và online thì tiêu thụ online tăng đáng kể, đặc biệt rất có lợi cho người tiêu dùng. Khi giảm bớt những chi phí trung gian cũng như logistics, marketing, sale…đặc biệt Tiktok vẫn thường tung ra rất nhiều voucher, tất cả đều có lợi cho người tiêu dùng”, ông Nguyên nói.

Không chỉ với công nghệ livestream, việc tăng tốc bán hàng qua những công nghệ khác là điều mà các DN Việt cần làm để thoát khó về mặt đầu ra như hiện nay. Bởi nếu không giải quyết được đầu ra, cộng với những khó khăn triền miên thì việc DN rút lui khỏi thị trường là khó tránh khỏi.

Như dữ liệu từ Cổng Thông tin quốc gia về đăng ký DN, chỉ tính riêng 2 tháng đầu năm 2024, cả nước đã có 62.977 DN rút lui khỏi thị trường, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, phần lớn là các DN lựa chọn hình thức tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn (chiếm 78,2%).

Và thay vì bi quan viễn cảnh rút lui khỏi thị trường, điều mà các DN Việt cần làm trong lúc này là đẩy mạnh chiến lược bán hàng đa kênh tích hợp các kênh truyền thống và kỹ thuật số để mang lại trải nghiệm mua sắm liền mạch cho người mua. Đặc biệt là cần thể hiện tính linh hoạt và nắm bắt các công nghệ bán hàng mới nổi để đáp ứng kỳ vọng ngày càng cao của người tiêu dùng. Chung quy là các DN hãy mạnh dạn tăng tốc, đừng để quá muộn mới bắt đầu, có như thế thì khó khăn mới rời xa.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/tang-toc-ban-hang-qua-cong-nghe-ky-vong-giup-doanh-nghiep-viet-thoat-kho-1098790.html