Tăng thuế rượu, bia và thuốc lá - nên làm sớm

(TBKTSG) - Bộ Tài chính vừa đề xuất sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt theo hướng tăng thuế đối với các mặt hàng rượu, bia và thuốc lá. Cụ thể, dự kiến từ ngày 1-7-2015, thuế suất của bia và rượu (20 độ trở lên) tăng từ 50% lên 65%; rượu (dưới 20 độ) tăng từ 25% lên 35%; thuốc lá điếu, xì gà và các chế phẩm khác từ cây thuốc lá tăng từ 65% lên 75% (đến ngày 31-12-2017) và tiếp tục tăng lên 85% (từ ngày 1-1-2018).

Quang Chung

Dự kiến đến giữa năm 2015, thuế suất của các loại bia rượu mới được điều chỉnh tăng trong khi tác hại của chúng đang ngày một lớn. Ảnh: Tuệ Doanh

Trong tờ trình Chính phủ về dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Bộ Tài chính cho biết, mục đích của việc tăng thuế là để hạn chế người tiêu dùng trong nước sử dụng rượu, bia và thuốc lá quá đà gây tổn hại cho xã hội và nền kinh tế.

Thống kê của Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam cho thấy, năm 2013, thị trường trong nước tiêu thụ gần 3 tỉ lít bia. Thống kê của Tổ chức Nghiên cứu thị trường Eurowatch cũng cho biết, năm 2012 Việt Nam tiêu thụ khoảng 3 tỉ lít bia, đứng thứ ba châu Á, sau Trung Quốc và Nhật Bản.

Với thực tế mỗi năm tiêu thụ 3 tỉ lít bia, bình quân giá mỗi lít bia khoảng một đô la Mỹ, thì có nghĩa mỗi năm các “đệ tử lưu linh” ở Việt Nam “uống” 3 tỉ đô la Mỹ. Đây là số tiền không hề nhỏ (gấp ba lần giá trị gạo xuất khẩu mỗi năm) trong khi quy mô nền kinh tế chưa đến 176 tỉ đô la Mỹ và thu nhập bình quân đầu người chưa đến 2.000 đô la Mỹ/năm (năm 2013).

Đó là chưa kể thuốc lá, theo Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, mỗi năm thị trường trong nước tiêu thụ hơn 4 tỉ bao thuốc lá (năm 2010 tiêu thụ 3,986 tỉ bao, năm 2011 tiêu thụ 4,131 tỉ bao, năm 2012 tiêu thụ 4,174 tỉ bao). Và, nếu mỗi bao thuốc lá có giá bình quân 0,5 đô la Mỹ thì mỗi năm Việt Nam “đốt” hơn 2 tỉ đô la Mỹ nữa!

Không chỉ tốn hàng tỉ đô la để “uống” và “đốt”, thuốc lá và rượu bia còn gây ra nhiều tổn hại cho xã hội. Thực tế, việc sử dụng nhiều rượu, bia và thuốc lá ngoài việc gây hại cho sức khỏe còn là căn nguyên của nhiều vấn đề xã hội khác như bạo lực cá nhân, mất trật tự an toàn xã hội, tội phạm, tai nạn giao thông...

Theo thống kê của Bộ Y tế, một phần tư dân số nước ta sử dụng thuốc lá, kéo theo hơn 40.000 ca tử vong mỗi năm. Còn theo báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, năm 2013 xảy ra 29.385 vụ tai nạn giao thông, làm chết 9.369 người, bị thương 29.500 người. Theo Ban An toàn giao thông TPHCM hơn 60% số vụ tai nạn giao thông là do người điều khiển xe đã uống rượu bia.

Với hàng chục ngàn người bị bệnh, bị thương, chết có nguyên nhân từ việc sử dụng thuốc lá và rượu, bia thì có lẽ số tiền chi cho việc chữa bệnh, điều trị thương tích cũng phải tốn thêm vài tỉ đô la Mỹ nữa! Đó là chưa nói đến hệ lụy nặng nề mà nó mang đến cho từng gia đình, xã hội, kể cả ảnh hưởng xấu đến giống nòi. Cho nên, ý muốn hạn chế người tiêu dùng trong nước sử dụng rượu, bia và thuốc lá của Bộ Tài chính là hợp lý.

Tuy nhiên, liệu với việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt thêm từ 10-20% như thế có làm giảm số lượng rượu, bia và thuốc lá đang tiêu thụ hiện nay? Tăng thuế, đồng nghĩa với việc tăng giá đối với các mặt hàng này, nhưng tăng nhẹ như thế có hạn chế người mua?

Trong tờ trình Chính phủ, Bộ Tài chính tính toán nếu đề xuất tăng thuế như trên được áp dụng, dự kiến số thu ngân sách từ bia năm 2016 tăng 7.800 tỉ đồng, năm 2017 tăng 9.000 tỉ đồng, năm 2018 tăng 10.300 tỉ đồng. Còn đối với mặt hàng rượu sẽ thu được 389 tỉ đồng vào năm 2016, 447 tỉ đồng năm 2017 và 514 tỉ đồng năm 2018. Tương tự, ước tính số thu từ sắc thuế này đối với mặt hàng thuốc lá sẽ đóng góp cho ngân sách nhà nước năm 2016 khoảng 2.930 tỉ đồng, năm 2017: 3.300 tỉ đồng, năm 2018: 7.700 tỉ đồng. Như vậy, việc tăng thuế có thể làm tăng thu ngân sách là điều có thể thấy trước và tính toán được.

Tuy nhiên, mục tiêu cuối cùng của việc áp đặt thuế tiêu thụ đặc biệt là nhằm hạn chế người tiêu dùng sử dụng rượu, bia và thuốc lá. Vì vậy, có ý kiến cho rằng, cần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt mạnh hơn nữa đối với các mặt hàng này.

Hiện nay thuế thuốc lá ở Việt Nam chỉ tương đương 50% giá bán lẻ, trong khi mức thuế mà Tổ chức Y tế thế giới khuyến nghị là 65% giá bán lẻ để giảm lượng người sử dụng.

Nhìn sang các nước, những mặt hàng này hầu hết đang chịu mức thuế suất rất cao. Ví dụ như với thuốc lá Myanmar áp thuế suất 100%, Thái Lan 87%, Singapore đánh thuế thuốc lá theo đơn vị điếu với 0,32 đô la Singapore/điếu (5.300 đồng), còn Việt Nam chỉ mới là 65%.

Mặt khác, theo quy trình làm luật ở nước ta, để sửa đổi luật cần phải có thời gian, tuy nhiên trong trường hợp này, thiết nghĩ Quốc hội nên rút ngắn quy trình, nhanh chóng xem xét thông qua ngay dự thảo luật này trong kỳ họp tới với mức tăng thuế mạnh hơn đề xuất (và có hiệu lực ngay) chứ không nên chờ đến năm 2015.

Tất nhiên, khi tăng thuế các mặt hàng này thì vấn đề đặt ra là làm thế nào để giải quyết dứt điểm bài toán thuốc lá lậu tồn tại dai dẳng lâu nay cũng như phải kiểm soát cho được chất lượng và việc kinh doanh các loại rượu thủ công, không nhãn mác... Nếu không, các doanh nghiệp sản xuất những mặt hàng này trong nước sẽ phải thiệt thòi do môi trường kinh doanh không lành mạnh, còn Nhà nước bị thất thu thuế.

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/home/doanhnghiep/phapluat/110105/