Tăng thuế giá trị gia tăng có làm người thu nhập thấp bị 'tổn thương'?

Dù Bộ Tài chính đưa ra nhiều lý lẽ minh chứng việc tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) ảnh hưởng không đáng kể tới người nghèo khi cho rằng nhóm thu nhập thấp nhất thì dành tới 59,6% thu nhập để chi mua lương thực, thực phẩm, y tế, giáo dục - là những mặt hàng không phải chịu thuế VAT.

Ngược lại, nhóm thu nhập cao nhất chỉ dành 39,6% tổng thu nhập để chi cho các hàng hóa, dịch vụ trên. Do vậy, việc tăng thuế VAT ảnh hưởng không đáng kể tới người nghèo.

Hơn nữa, lãnh đạo Bộ Tài chính cũng cho biết, với những hộ có thu nhập thấp dễ bị tổn thương thì cần có những giải pháp hỗ trợ về an sinh, xã hội như: chi cho giáo dục, y tế, cơ sở hạ tầng... để đem lại lợi ích nhiều hơn cho người nghèo.

Tăng thuế VAT chắc chắn ảnh hưởng tới tiêu dùng của những người có thu nhập thấp

Tăng thuế VAT chắc chắn ảnh hưởng tới tiêu dùng của những người có thu nhập thấp

Xoay quanh vấn đề này, đến nay vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều.

Thuế VAT thấp - người giàu hưởng lợi

“Hiện nay, có những lo ngại chính đáng về tác động tới phân bổ thu nhập của thuế VAT, đặc biệt là người nghèo. Những lo lắng này hoàn toàn có cơ sở, nhưng kinh nghiệm quốc tế cho thấy việc giữ thuế suất thuế VAT ở mức thấp không phải là cách tốt nhất để giải quyết cân bằng tài khóa và đảm bảo công bằng.

Không giống như thuế thu nhập có tính chất lũy tiến, thuế VAT không phân biệt đối tượng nộp thuế, bất kể mức thu nhập thế nào tất cả các hộ gia đình đều phải trả thuế như nhau. Vì vậy, loại thuế này có tính chất lũy thoái.

Thông thường các hộ gia đình giàu thường có xu hướng tiêu dùng nhiều hơn, dùng nhiều hàng hóa đắt đỏ hơn nên họ trả phần lớn thuế VAT. Tại Việt Nam, theo tính toán của chúng tôi, 20% người nghèo nhất chỉ trả khoảng 9% tổng số thu thuế VAT, trong khi con số chi trả của người giàu là gần 40%. Điều này có nghĩa, nếu một hộ nghèo tiết kiệm được trung bình 10.000 đồng do thuế suất thuế VAT thấp, thì hộ giàu tiết kiệm được 40.000 đồng. Vì vậy, thuế suất VAT thấp thực sự mang lại lợi ích cho người giàu hơn người nghèo.

Thứ hai, các hộ gia đình nghèo chi trả phần lớn hơn trong thu nhập của mình để tiêu dùng, đặc biệt là vào các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm. Một giải pháp để giảm tác động tiêu cực của việc tăng thuế đối với người nghèo là giữ nguyên mức thuế suất thuế VAT ưu đãi cho các mặt hàng thiết yếu. Điều này sẽ làm giảm tác động tiêu cực của việc tăng thuế đối với người nghèo và phù hợp với xu hướng cải cách thuế theo đề xuất của Bộ Tài chính…

Ngoài ra, cũng có nhiều cách tốt hơn để phân bổ lại cho các hộ nghèo về mặt chi ngân sách, bao gồm chi tiêu cho y tế, giáo dục, cơ sở hạ tầng mang lại lợi ích cho người nghèo. Vì vậy, nếu chúng ta xem xét đề xuất tăng thuế VAT trong bối cảnh rộng hơn này thì có thể giải quyết được mối lo ngại về tác động tới phân bổ thu nhập của việc tăng thuế VAT…”.

Ông Sebastian Eckhardt Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam

Chắc chắn ảnh hưởng tới người nghèo

“Bộ Tài chính nói là tác động không nhiều nhưng theo tôi còn tùy đối tượng cụ thể, với người nghèo, tác động là khá lớn chứ không hề ít. Tất nhiên, rau, thực phẩm bán lẻ ở chợ thì không có VAT nhưng những mặt hàng, dịch vụ quan trọng thì vẫn có như xăng, dầu, điện hay nhiều hàng hóa tiêu dùng khác. Thế nên, tăng thuế VAT chắc chắn ảnh hưởng tới tiêu dùng của người nghèo.

Theo tôi, lý lẽ của Bộ Tài chính thiên về bảo vệ việc tăng thuế nhưng tôi cho là phải nhìn vấn đề một cách đầy đủ, nghĩ nhiều cho người dân hơn. Không thể nói tác động không nhiều một cách chung chung mà phải tính toán xem người dân có chịu được không. Tỷ lệ chi cho những nhu cầu thiết yếu chiếm phần lớn thu nhập người nghèo rồi, người ta không còn để dành nữa, chưa kể còn bao nhiêu khoản chi tiêu khác. Vì thế, với người thu nhập thấp, tăng thuế 1-2% là đáng kể rồi.

Thuế VAT của ta đúng là thấp hơn so với nhiều nước, thế nhưng, nếu so sánh với quốc tế thì phải tính tỷ lệ thu thuế VAT trong tổng thu. Với nước ta, tỷ lệ này khoảng gần 28%, còn các nước cao nhất như khối EU thì chỉ trung bình 21%, thậm chí nhiều nước dưới mức này. Nếu ta tăng thêm thuế thì tỷ lệ đó lại càng cao hơn. Mỗi nước có bối cảnh khác nhau chứ không phải mức thuế của mình thấp thì tăng lên.

Chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

Linh Nhật

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/tang-thue-gia-tri-gia-tang-co-lam-nguoi-thu-nhap-thap-bi-ton-thuong/740182.antd