Tăng sức hấp dẫn của xe buýt

Từ ngày 1/4, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hà Nội dừng hoạt động 5 tuyến buýt trợ giá gồm các tuyến buýt số 10 (A và B), 14, 18, 44, 145.

Từ ngày 1/4 tuyến buýt số 14 đã dừng hoạt động. Ảnh: Công Hùng

Việc dừng hoạt động những tuyến buýt hiệu quả thấp trong quá trình vận hành giúp tiết kiệm ngân sách và cũng là cơ hội để quy hoạch lại mạng lưới xe buýt trên địa bàn Thủ đô, kéo người dân đến với loại hình vận tải công cộng này.

Việc đi lại của người dân không bị xáo trộn

Các tuyến buýt vừa dừng hoạt động phục vụ hành khách theo lộ trình như: tuyến buýt số 10A (Long Biên - Từ Sơn) và 10B (Long Biên - Trung Mầu); tuyến buýt số 14 Bờ Hồ - Cổ Nhuế; tuyến buýt số 18 Đại học Kinh tế quốc dân - Long Biên - Đại học Kinh tế quốc dân; tuyến buýt số 44 Trần Khánh Dư - Bến xe Mỹ Đình; tuyến buýt số 145: Trung tâm thương mại Big C Thăng Long - Công viên nước Hồ Tây.

Theo đánh giá của Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hà Nội, đây là những tuyến xe buýt có mức trợ giá cao, hoạt động không hiệu quả. Việc tạm dừng những tuyến xe buýt không đạt hiệu quả cao trong quá trình vận hành giúp tiết kiệm ngân sách, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại. Để không ảnh hưởng nhiều tới đi lại của hành khách, đơn vị này cũng sẽ điều chỉnh các tuyến buýt có lộ trình gần tương tự với tuyến dừng hoạt động.

Việc Hà Nội bỏ một số tuyến buýt hoạt động không hiệu quả là cách làm mới, đột phá trong việc nâng cao chất lượng xe buýt. TP Hà Nội cũng cần có những nghiên cứu kỹ lưỡng, cụ thể hơn nữa đối với mạng lưới xe buýt toàn địa bàn. Có tuyến cần kéo dài ra, có tuyến cần thu ngắn lại, giảm tần suất... để tiết kiệm chi phí, sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách trợ giá, đặc biệt là cung cấp cho hành khách dịch vụ tốt nhất cũng như tạo điều kiện tối đa cho lái phụ xe buýt giảm áp lực, làm việc hiệu quả hơn.
Chuyên gia giao thông, Thạc sĩ Vũ Hoàng Chung

Cụ thể, sau khi tuyến buýt số 10A và 10B dừng hoạt động, hành khách có thể sử dụng tuyến buýt số 54 (Long Biên - Bắc Ninh) và 42 (Giáp Bát - Đức Giang) cùng các tuyến khác trên mạng lưới để thực hiện chuyến đi. Để đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách, tuyến buýt số 54 sẽ tăng thêm 5 xe, hoạt động 172 lượt xe/ngày (tăng 46 lượt xe/ngày).

Sau khi tuyến buýt số 14 tạm dừng, hành khách có thể sử dụng tuyến buýt số 45 (Khu đô thị Times City - Nam Thăng Long) và các tuyến khác trên mạng lưới để thực hiện chuyến đi. Sau khi tuyến xe buýt số 18 dừng hoạt động, hành khách có thể di chuyển theo tuyến 08A và 47B. Đối với tuyến 44 sau khi dừng hoạt động, hành khách có thể chọn di chuyển trên tuyến 35A đối với chiều từ Trần Khánh Dư đến Bến xe Mỹ Đình và đi tuyến 21B, 103A, 103B, 29, 39, 157, 30, 22B, 87, 88, E01 để đến ngã tư Phạm Hùng – Đình Thôn sau đó di chuyển bằng tuyến 35A. Sau khi tuyến xe buýt 145 dừng hoạt động, hành khách cũng có thể lựa chọn các tuyến 60A.

Đây là lần đầu tiên Hà Nội dừng hoạt động các tuyến buýt không đảm bảo chất lượng sau nhiều năm hình thành và phát triển loại hình vận tải hành khách công cộng này. Ghi nhận trong buổi sáng đầu tiên 5 tuyến xe buýt dừng hoạt động, một số người dân chưa nắm được thông tin còn đứng chờ xe. Tuy nhiên, hoạt động xe buýt cũng như việc đi lại của người dân không bị xáo trộn quá nhiều. Đa số người dân đi lại thường xuyên bằng xe buýt đã chọn cho mình được tuyến xe thay thế cũng như điều chỉnh lộ trình sao cho phù hợp.

Chị Nguyễn Thị Hà trú tại quận Bắc Từ Liêm chia sẻ: “Nhận được thông tin bỏ tuyến xe buýt 14, tôi đã chủ động di chuyển sang tuyến buýt số 28. Quá trình di chuyển khá thuận lợi, tôi đến công ty làm việc cũng sớm hơn mọi khi 15 phút do lộ trình xe 28 di chuyển thuận lợi, nhanh chóng hơn”.
Anh Lê Việt Hưng, sinh viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng cho biết, sáng 1/4, anh đã đổi sang di chuyển trên tuyến xe buýt 08A để đi học. Theo anh Hưng, tuyến buýt 08A và 18 có lộ trình tương đối giống nhau nên việc di chuyển không gặp khó khăn gì.

Tiết kiệm ngân sách, cơ cấu lại mạng lưới

Hà Nội hiện có 154 tuyến buýt đang khai thác, vận hành, trong đó có 132 tuyến trợ giá; 8 tuyến không trợ giá; 12 tuyến buýt kế cận và 2 tuyến City tour. Hiện có 11 đơn vị vận tải tham gia hoạt động buýt với hơn 2.300 phương tiện, mỗi ngày đảm nhận vận chuyển hàng chục nghìn hành khách.

Thống kê của Sở GTVT, mức trợ giá của vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt của TP trung bình giai đoạn 2020 - 2022 cao hơn so với giai đoạn 2015 - 2019 là 857,43 tỷ đồng. Năm 2022 là năm có mức trợ giá cao nhất lên tới gần 3.000 tỷ đồng, cao hơn trung bình giai đoạn 2020 - 2022 hơn 670 tỷ đồng. Trong khi đó, giai đoạn 2020 - 2022, doanh thu vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt sụt giảm, một phần do chịu tác động bởi đại dịch Covid-19, phần khác do một số chính sách ưu đãi, miễn phí cho người dân được áp dụng theo Nghị quyết 07/2019 của HĐND TP.

Bên cạnh đó, do thi công một số công trình giao thông trọng điểm nên phải điều chỉnh lộ trình làm giảm sản lượng hành khách, tăng số km hành trình, tăng chi phí, giảm doanh thu kéo theo trợ giá tăng... Qua rà soát, Sở GTVT Hà Nội tạm thời xác định 71/132 tuyến buýt cần xem xét điều chỉnh. Trong đó trước mắt dừng hoạt động 5 tuyến buýt 10, 14, 18, 44, 45, 145 từ 1/4/2024. Với phương án dự kiến nêu trên, Sở GTVT tính toán sẽ giảm được khoảng 11,45 triệu km hành trình/năm, tương ứng với chi phí tiết kiệm khoảng 212,23 tỷ đồng/năm.

Trước đó, tháng 11/2023, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã giao Ban Cán sự Đảng UBND TP chủ trì xây dựng phương án tổng thể mạng lưới, cơ chế, chính sách trợ giá, đối tượng hành khách được hỗ trợ khi tham gia giao thông bằng xe buýt. Theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hà Nội, quyết định dừng hoạt động đối với 5 tuyến trên là một chủ trương lớn của TP là một bước để hướng tới tối ưu hóa mạng lưới tuyến, nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng lưới, phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân.

Cùng với việc cho dừng hoạt động đối với một số tuyến xe buýt hoạt động không hiệu quả, thời gian qua, Hà Nội cũng đã điều chỉnh hợp lý hóa lộ trình 78 tuyến xe buýt. Trong đó hợp lý hóa lộ trình 18 tuyến; điều chỉnh lộ trình, dịch vụ 27 tuyến; điều chỉnh tần suất dịch vụ 8 tuyến; điều chỉnh thời gian biểu chạy xe 25 tuyến.

Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Vũ Hoàng Chung cho rằng, việc điều chỉnh lộ trình, tần suất, hợp lý hóa mạng lưới tuyến buýt của Hà Nội thời gian qua đã và đang đem lại những kết quả tích cực trong việc kéo người dân lại gần hơn với phương tiện vận tải hành khách công cộng. “Xe buýt vẫn đang phải chen chân cùng với các phương tiện khác trên đường, hành khách phân bổ không đều nơi đông, nơi vắng, nhiều tuyến buýt trùng lặp… không thể chỉ tập trung vào việc mở mới, kéo dài tuyến... Do vậy, cần phải sắp xếp, tính toán cụ thể với từng tuyến buýt để có sự điều chỉnh sao cho phù hợp” - thạc sĩ Vũ Hoàng Chung chia sẻ.

Việc bỏ một số tuyến xe buýt sẽ làm ảnh hưởng tới một lượng hành khách nhất định thường xuyên di chuyển. Tuy nhiên, việc điều chỉnh lộ trình, tần suất, hợp lý hóa mạng lưới tuyến buýt của Hà Nội thời gian qua đã và đang đem lại những kết quả tích cực trong việc kéo người dân lại gần hơn với phương tiện vận tải hành khách công cộng. Tiếp tục những biện pháp mạnh tay đối với những tuyến xe buýt hoạt động không hiệu quả được kỳ vọng sẽ đem lại một luồng gió mới cho vận tải hành khách công cộng Thủ đô.
Chuyên gia xã hội học, Thạc sĩ Nguyễn Văn Dương

Phạm Công

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tang-suc-hap-dan-cua-xe-buyt.html