Tăng nguồn lực phát triển vùng dân tộc thiểu số

ĐBP - Những năm qua, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) gắn với mục tiêu giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh đã đạt nhiều kết quả tích cực. Kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư góp phần thay đổi diện mạo khu vực vùng đồng bào DTTS. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện rõ rệt; các giá trị văn hóa dân tộc truyền thống được bảo tồn và phát huy. Hệ thống chính trị cơ sở vùng DTTS được tăng cường; đội ngũ cán bộ người dân tộc được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ.

Từ nguồn lực dành cho vùng dân tộc thiểu số, người dân tộc Si La, bản Nậm Sin, xã Chung Chải (huyện Mường Nhé) lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững. Trong ảnh: Người dân bản Nậm Sin thu hoạch lúa giống mới, năng suất cao. Ảnh: Sầm Phúc

Mặc dù vậy, hiện nay khu vực vùng cao, vùng DTTS vẫn còn nhiều hạn chế cản trở sự phát triển, từ đó ảnh hưởng tới kết quả chung của toàn tỉnh trong thực hiện giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội. Đó là vùng dân DTTS có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất, thu nhập thấp nhất, kinh tế - xã hội phát triển chậm nhất và việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cũng thấp nhất. Điện Biên có 19 dân tộc cùng chung sống, trong đó DTTS chiếm hơn 82% tổng dân số; khoảng 95% người DTTS sống tại khu vực nông thôn, vùng cao, biên giới. Vì vậy, quan tâm đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống cho đồng bào DTTS là nhiệm vụ quan trọng.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trong phát triển vùng đồng bào DTTS. Trước hết địa bàn sinh sống chủ yếu tại vùng núi cao, biên giới, địa hình chia cắt, khí hậu khắc nghiệt. Trong khi đó hạ tầng còn yếu và thiếu đồng bộ, nhất là giao thông nên chi phí cho sản xuất, lưu thông hàng hóa lớn gây khó khăn trong thu hút nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội từ ngoài ngân sách. Vốn đầu tư chủ yếu phụ thuộc vào ngân sách Trung ương nhưng nguồn lực dành cho khu vực này trong những năm qua chưa đáp ứng nhu cầu phát triển, đặc biệt là đầu tư về hạ tầng kinh tế - kỹ thuật. Tại một số địa bàn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp về tuyên truyền đạo trái pháp luật, tranh chấp đất đai, di cư tự do, tội phạm về ma túy…

Một trong những “điểm nghẽn” kìm hãm sự phát triển vùng cao, vùng DTTS dễ nhận thấy nhất là hạ tầng giao thông. Tỷ lệ đường cứng hóa thấp, chủ yếu là đường đất, cấp phối nhỏ hẹp, nhiều cua, dốc là rào cản sự phát huy nội lực cũng như kết nối với các vùng khác để phát triển kinh tế - xã hội. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực song đến hết năm 2020 toàn tỉnh mới có 93,8% tổng số xã có đường ô tô đến trung tâm đi được quanh năm (không đạt mục tiêu đề ra); tỷ lệ cứng hóa đường huyện đạt 77,85% (cũng không đạt mục tiêu).

Mục tiêu đến năm 2025 tỉnh ta phấn đấu 100% xã có đường ô tô đến trung tâm được rải nhựa hoặc bê tông; 70% thôn, bản có đường giao thông đến xã được cứng hóa. Để hoàn thành mục tiêu đó, Nhà nước cần tiếp tục quan tâm ưu tiên bố trí nguồn vốn nhiều hơn. Việc phân bổ kinh phí cần xét đến yếu tố đặc thù địa hình chia cắt, hiểm trở, suất đầu tư lớn. Cùng với đó, địa phương cần linh hoạt lồng ghép, tranh thủ tối đa các nguồn lực; tạo môi trường đầu tư thuận lợi, khuyến khích, thu hút các thành phần kinh tế đầu tư hạ tầng giao thông bằng các cơ chế ưu đãi về đất đai, thuế, lao động… Hạ tầng giao thông phát triển sẽ kết nối khu vực vùng cao, vùng DTTS với các khu vực khác, tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất, vận chuyển hàng hóa, phát triển du lịch.

Các vấn đề bức thiết của đồng bào DTTS như: Thiếu nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt… cũng cần được ưu tiên tập trung nguồn lực để giải quyết căn bản. Thời gian qua được sự quan tâm của Chính phủ và các bộ, ngành trung ương, tỉnh ta đã nỗ lực hoàn thành hàng nghìn ngôi nhà cho hộ DTTS nghèo trên địa bàn 2 huyện biên giới Mường Nhé, Nậm Pồ; hiện nay đang tiếp tục triển khai thực hiện tại huyện Điện Biên Đông. Đồng thời tập trung thực hiện cơ bản các mục tiêu của Đề án 79 sắp xếp, bố trí ổn định dân cư. Song vẫn còn nhiều hộ DTTS nghèo ở địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng có nguy cơ cao xảy ra thiên tai, sạt lở đất… cần được hỗ trợ kịp thời để đảm bảo an toàn, ổn định đời sống.

Tạo việc làm, sinh kế bền vững, có thu nhập là giải pháp căn cơ để giúp người DTTS thoát nghèo bền vững. Tập trung triển khai đồng bộ và huy động tối đa các nguồn lực đầu tư để thực hiện có hiệu quả hỗ trợ sản xuất, phát triển kinh tế. Kết hợp tuyên truyền, vận động làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS. Trước đây áp dụng phổ biến cơ chế “cho con cá” sẽ giúp “xóa đói” trong thời gian nhất định, nhưng không thể “giảm nghèo” bền vững. Việc cần làm là giúp bà con có “cần câu” cùng với hướng dẫn để họ tự chủ lao động sản xuất. Từ đó từng bước định hướng, hỗ trợ, thu hút đồng bào DTTS tham gia vào các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Liên quan đến vấn đề nhận thức thì phải phát triển giáo dục. Theo kết quả điều tra DTTS năm 2019, toàn tỉnh có 129.870 người DTTS đang đi học, 204.410 người đã thôi học và có trên 98.000 người chưa bao giờ đi học. Một mặt đề nghị trung ương quan tâm hỗ trợ kinh phí từ ngân sách, tỉnh ta cần huy động đa dạng nguồn lực xã hội để đầu tư cơ sở vật chất giáo dục vùng DTTS; triển khai đầy đủ, kịp thời chế độ chính sách đối với học sinh DTTS. Cùng với giáo dục kiến thức văn hóa là triển khai hiệu quả chính sách đào tạo nghề cho lao động; ý thức, kỹ năng phát huy bản sắc văn hóa truyền thống cho người dân để hướng tới phát triển du lịch, nhất là du lịch cộng đồng.

Được biết, thực hiện các nghị quyết, quyết định của Quốc hội, Chính phủ và cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, căn cứ tình thực tiễn địa phương, ngày 10/12/2021 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 17/NQ-TU về “Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, gắn với mục tiêu giảm nghèo bền vững và an sinh xã hội tỉnh Điện Biên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.”

Hà Nguyễn

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/chinh-tri/192917/tang-nguon-luc-phat-trien-vung-dan-toc-thieu-so