Tăng mức xử lý cán bộ sai phạm

Chống tham nhũng là quy trình xử lý sai phạm, trong đó khâu xử lý tập thể, cá nhân sai phạm đóng vai trò rất quan trọng, mức xử lý chẳng những ảnh hưởng lớn đến kết quả thu hồi tài sản tham nhũng mà còn quyết định đến sức mạnh răn đe, ngăn chặn những ý định tham nhũng ở các tập thể, cá nhân khác.

Thực tế nhiều năm qua, xử lý tập thể, cá nhân tham nhũng được đánh giá chưa đạt kết quả, do vậy đã xảy ra tình trạng “nhờn thuốc”, giảm sức răn đe, ngăn chặn. Mặt khác, những cá nhân tham nhũng là người có chức, có quyền.

Tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng của Tòa án Nhân dân Tối cao (2005 - 2015), báo cáo của Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) công bố: Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng ở mức khoảng 22%.

Năm 2016, kết quả thu hồi tài sản tham nhũng không đạt chỉ tiêu 60% nêu trong Nghị quyết của Quốc hội. Rõ ràng kết quả thu hồi còn thua xa với mức độ thiệt hại. Nhiều chuyên gia luật có danh tiếng nhận xét: Một trong các nguyên nhân dẫn đến việc thu hồi tài sản tham nhũng kém hiệu quả là do xử lý cá nhân chịu trách nhiệm chưa đạt đến mức cần thiết.

Trước đây cũng như hiện tại, xử lý những cán bộ tham nhũng trước hết xử lý kỷ luật về Đảng, sau đó về mặt chính quyền. Nhiều năm qua, các Đảng viên vi phạm hầu hết chịu mức kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo về Đảng. Số lượng bị khai trừ Đảng chiếm tỷ lệ thấp, đặc biệt là nhóm các VIP vi phạm. Về mặt xử lý pháp luật, thường sau một thời gian vài năm chịu án, những người vi phạm được hưởng khoan hồng trở về. Những VIP chịu mức án hàng chục năm cũng chỉ khoảng dăm bảy năm là hoàn thành cải tạo.

Nhiều quan chức dính lao lý do tham nhũng khi trở về sinh sống ở các phường, xã, họ không đến nỗi “mất mặt” như một số người lầm tưởng là phải đi cúi mặt, về cúi đầu. Trái lại, phần đa họ vẫn sống hoành tráng, sang trọng. Bạn chơi của họ không hiếm, những đối tác, thuộc cấp được nâng đỡ trước đây, những người được ban phát bổng lộc… thường xuyên lui tới “chén chú chén anh”. Những cuộc dã ngoại, giao lưu trên các sân gôn hoặc các chuyến du lịch ra nước ngoài đều có các “chiến hữu” tham gia cùng. Đã có những người dân cay nghiệt: “Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã” ấy mà!

Nhiều người chịu “hy sinh” danh dự cá nhân, nhưng tài sản dành cho người thân đứng tên dưới góc độ cổ phiếu, bất động sản hoặc tài khoản ở nước ngoài nếu chia đều cho họ hàng thì ăn cả đời không hết. Cho nên mới có câu “một người làm quan cả họ được nhờ”. Nhiều cá nhân sai phạm bị xử lý xong, bước sang giai đoạn “hết quan, hoàn dân” thì vẫn đóng vai trò “lão gia” đứng đằng sau điều hành các công ty do người thân đứng tên, tiếp tục khai thác mối quan hệ với các thuộc hạ mà chính những con người này đã được tiến cử, đặt chỗ.

Đã có nhiều hội nghị sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm về hoạt động phòng, chống tham nhũng. Nhưng với kết quả thu hồi tài sản tham nhũng thấp như vậy thì rõ ràng hoạt động chống tham nhũng chưa đạt kết quả. Do vậy, cần phải điều chỉnh nhiều chế tài. Trong dư luận quần chúng cũng như trong các đợt tiếp xúc cử tri, rất nhiều người dân kiến nghị cần xem xét, điều chỉnh kịp thời các quy định của Đảng và pháp luật để nâng mức xử lý đối với các cá nhân, tập thể tham nhũng. Hình thức kỷ luật phải thích đáng, tương xứng với thiệt hại thì mới đúng là những liều kháng sinh đặc trị bệnh tham nhũng.

Thế Lữ

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/theo-dong-thoi-cuoc/tang-muc-xu-ly-can-bo-sai-pham_t114c68n122715