Tăng mức phạt nhằm nâng cao tính giáo dục về an toàn giao thông

Do y thức tự giác chấp hành pháp luật giao thông của người dân còn kém, việc tăng mức xử phạt phần nào sẽ tác động vào ý thức của người đi đường, để họ thấy được hậu quả của việc không tuân thủ pháp luật giao thông.

Trong vòng 10 năm qua, cơ quan quản lý nhà nước đã từng xây dựng 8 Nghị định về xử phạt, bình quân cứ hơn một năm là phải sửa đổi. Tại Hội nghị triển khai Nghị định số 46/2016, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt vừa được Tổng cục Đường bộ Việt Nam tổ chức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Vũ Đỗ Anh Dũng cho rằng, các văn bản quy phạm pháp luật không có gì trọn vẹn, nên nếu có vấn đề nào chưa phù hợp với thực tiễn thì phải xem xét, điều chỉnh hướng dẫn, kể cả Nghị định 46 sẽ có hiệu lực thi hành từ 1-8 tới đây.

Điều chỉnh mức phạt tiền đối với 152 hành vi vi phạm giao thông

Bà Hoàng Thị Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Thanh tra (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, Nghị định 46 gồm 5 chương và 82 điều (tăng 4 điều so với Nghị định số 171) quy định chế tài xử phạt tương xứng với tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, bảo đảm tính răn đe và khả thi thực hiện, đồng thời bổ sung đầy đủ hành vi vi phạm và sửa đổi một số nội dung phù hợp với quy định của các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Giao thông đường bộ, Luật Đường sắt đáp ứng yêu cầu thực tiễn khắc phục triệt để những vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định 171 và 107.

Về chế tài xử phạt, Nghị định 46 điều chỉnh mức phạt tiền đối với 152 hành vi, nhóm hành vi trong lĩnh vực đường bộ gồm nhóm vi phạm về nồng độ cồn; vi phạm tốc độ, vi phạm trên đường cao tốc, quy tắc giao thông, chở hàng quá tải trọng cho phép của phương tiện, nhóm hành vi chở hàng quá tải trọng cho phép của cầu, đường; các hành vi vi phạm liên quan đến kinh doanh vận tải đường bộ và kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Cụ thể, đối với nhóm vi phạm về nồng độ cồn, Nghị định 46/2016 tăng mức phạt tiền tất cả hành vi của tài xế ôtô, tăng mức phạt từ 10-15 triệu đồng lên 16-18 triệu đồng đối với người có nồng độ cồn vượt quá 80mg/100ml máu, hoặc vượt quá 0,4mg/lít khí thở (mức 3), tước giấy phép lái xe 4-6 tháng. Đối với người điểu khiển môtô, xe máy vi phạm về nồng độ cồn, mức phạt cũng tăng. Vi phạm ở mức 3 sẽ bị phạt 3-4 triệu đồng, tước bằng lái 3-5 tháng.

Từ ngày 1-8, nhiều hành vi vi phạm Luật Giao thông sẽ bị tăng nặng mức xử phạt. Ảnh: Thanh Huyền.

Cũng theo Nghị định mới, với hành vi đi xe máy vào đường cao tốc, mức xử phạt được tăng cao. Theo đó, người điều khiển môtô, xe máy đi vào đường cao tốc sẽ bị phạt tiền 500.000-1 triệu đồng và bổ sung việc tước giấy phép lái xe (GPLX) từ 1-2 tháng, thay vì mức 200.000-400.000 đồng trước đây. Nghị định cũng bổ sung quy định, nếu dùng chân để điều khiển vô lăng xe ôtô khi xe đang chạy trên đường bị phạt từ 7-8 triệu đồng. Mức phạt này cũng áp dụng đối với hành vi điều khiển xe lạng lách, đánh võng.

Trường hợp vi phạm quy định này mà không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của người thi hành công vụ hoặc gây tai nạn giao thông sẽ bị phạt tiền từ 18-20 triệu đồng. Bên cạnh đó, tăng mức phạt đối với người điều khiển xe ôtô trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy. Cụ thể, tước quyền sử dụng GPLX từ 22 - 24 tháng (trong trường hợp có GPLX) hoặc phạt tiền từ 16 - 18 triệu đồng (trong trường hợp không có GPLX hoặc có nhưng đang bị tước quyền sử dụng GPLX) đối với người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy (theo Nghị định số 171 thì hành vi vi phạm này chỉ bị phạt từ 8 - 10 triệu đồng).

Nghị định cũng tăng mức phạt đối với lái xe và chủ phương tiện vận chuyển hàng hóa vi phạm quy định về vận tải đường bộ các mức từ 20 - 50%, 50 - 100%, 100 - 150%. Đối với lái xe, mức phạt cao nhất khi chở quá tải trên 150% sẽ phạt tiền từ 8 - 12 triệu đồng. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển phương tiện còn bị tước quyền sử dụng GPLX 3 - 5 tháng, bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả, buộc phải hạ phần hàng quá tải, dỡ phần hàng vượt quá kích thước quy định…

Tăng mức phạt nhằm tác động vào ý thức người dân

Theo đại diện các cơ quan chức năng, thời gian qua nguyên nhân chủ yếu dẫn đến vi phạm trật tự an toàn giao thông là do hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ quá tải, ý thức tự giác chấp hành pháp luật giao thông của người dân còn kém… Do đó, việc tăng mức xử phạt phần nào sẽ tác động vào ý thức của người đi đường, để họ thấy được hậu quả của việc không tuân thủ pháp luật giao thông. Tuy nhiên, làm sao để tăng hiệu quả xử phạt vi phạm giao thông, qua đó kéo giảm vi phạm và tai nạn giao thông mới là điều quan trọng và đúng với “tinh thần” của Nghị định mới.

“Mức phạt cao mà Nghị định 46 đưa ra không nhằm mục tiêu thu tiền của người vi phạm, mà chủ yếu mang tính giáo dục, cảnh báo, ngăn ngừa người tham gia giao thông vi phạm, đặc biệt là những hành vi tiềm ẩn nguy cơ gây hậu quả nghiêm trọng trong thời gian qua như: uống rượu, bia khi lái xe, vượt đèn đỏ, lạng lách, đánh võng…”, ông Vũ Đỗ Anh Dũng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẳng định.

Liên quan đến thời gian áp dụng, ông Trịnh Xuân Thủy, Chánh Thanh tra Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết ngay khi Nghị định 46/2016 được Chính phủ thông qua, Bộ GTVT đã đẩy nhanh quá trình phổ biến, tuyên truyền để người dân và doanh nghiệp nắm được, do đó sẽ không có thời gian chờ, mà áp dụng mức xử phạt mới ngay từ 1-8 tới đây.

Đặng Nhật

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/giao-thong/tang-muc-phat-nham-nang-cao-tinh-giao-duc-ve-an-toan-giao-thong-397030/