Tăng mức giảm trừ gia cảnh: Những câu chuyện từ chi tiêu thực tế

Mức giảm trừ đối với bản thân người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng và 4,4 triệu đồng/tháng cho người phụ thuộc được cho là ngày càng 'bị bỏ lại phía sau' so với mức tăng thu nhập, đặc biệt là chi tiêu thực tế. Do đó, các chuyên gia cho rằng cần phải sửa đổi sớm để tránh gây thiệt hại cho người dân.

Chưa theo kịp với thực tế cuộc sống

Anh Minh Hiếu (36 tuổi), ở TP. Hạ Long, Quảng Ninh, hiện làm trưởng phòng một công ty xây dựng, cho biết thu nhập của anh là nguồn thu chính của gia đình, bởi vợ anh làm giáo viên mầm non, thu nhập khá thấp. Tổng thu nhập từ lương, thưởng 1 tháng của gia đình Hiếu trung bình khoảng 35 triệu đồng. Anh có làm giảm trừ gia cảnh cho 2 con ở công ty của mình, bố mẹ 2 bên là công nhân về hưu nên đều có lương hưu. Hiện thu nhập tính thuế của anh Hiếu là hơn 10 triệu đồng/tháng sau khi đã tính mức giảm trừ và tiền bảo hiểm. Với mức này anh sẽ phải nộp thuế thu nhập cá nhân đến bậc thứ 2.

Anh Hiếu cho rằng việc nộp thuế như trên có thể hợp lý ở thời điểm năm 2020, nhưng sau 4 năm thì không, bởi dù thu nhập có tăng thêm, nhưng giá cả còn tăng nhanh hơn nhiều. Cụ thể, anh Hiếu tính rằng chi phí cho giáo dục của gia đình gồm 2 con đi học trường công, lớp chọn, học thêm tiếng Anh, ngoại khóa bên ngoài hết gần 15 triệu đồng/tháng. Cộng thêm các chi phí khác như sinh hoạt thiết yếu, ăn uống, y tế, vui chơi giải trí… tổng chi phí của gia đình 1 tháng ít nhất gần 30 triệu đồng. Trong khi mức giảm trừ anh được hưởng theo luật này chỉ là hơn 21 triệu đồng.

“Chi phí hiện nay cho các con cao hơn nhiều so với chi phí giảm trừ gia cảnh là 4,4 triệu đồng/tháng theo Luật Thuế thu nhập cá nhân, thực tế thấp nhất đang là 7 - 8 triệu đồng/tháng, tức là gần gấp đôi. Mức cũ không còn sát với thực thế của đời sống xã hội nữa”, anh Hiếu nói.

Theo chị Trần Thùy Linh (32 tuổi), quê Bắc Giang, mức giảm trừ gia cảnh đối với gia đình chị hiện nay là “tạm ổn” khi thu nhập trung bình 1 tháng của vợ chồng chị từ lương, tiền thưởng khoảng 45 triệu đồng. Tuy nhiên, sự “tạm ổn” này không kéo dài lâu, bởi từ tháng 9/2024, bé thứ 2 nhà chị Linh sẽ vào lớp 1, vợ chồng chị xác định cho học thêm tiếng Anh, ngoại khóa, đồng thời so với khoảng 2 năm trước đây, chi phí gia đình chị Linh tăng thêm khoảng 20%.

Chị Linh liệt kê, tiền thuê nhà là 7,5 triệu đồng/tháng, thêm điện, nước là hơn 10 triệu đồng/tháng. Tiền học cho 2 con nhỏ là khoảng 17 triệu đồng/tháng nếu cho học trường tư. Chi phí ăn uống, sinh hoạt của gia đình 1 tháng khoảng 10-12 triệu đồng, có tháng hơn. Tổng chi phí 1 tháng trung bình của gia đình là khoảng 37-39 triệu đồng.

“Thực tế cuộc sống là vậy, mà đó là thời điểm này còn cắt giảm một số khoản, chứ giá cả cái gì cũng tăng, chắc chắn sắp tới chi phí của nhà tôi còn tăng nữa vì cháu vào lớp 1. Do vậy, tôi rất mong được tăng mức giảm trừ. Mức mà luật đang quy định là khoảng 32 triệu đồng/tháng đã không còn sát với thực tế cuộc sống tại trung tâm Hà Nội”, chị Thùy Linh chia sẻ.

Ghi nhận thực tế cho thấy trong vòng 4 năm qua, tình hình kinh tế vĩ mô có nhiều sự thay đổi kéo theo sự biến động lớn về thu nhập, cũng như chi phí của người dân, chưa kể ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19, khủng hoảng kinh tế và yếu tố lạm phát. Từ năm 2020 trở đi, mức lương tối thiểu vùng cũng đã 2 lần thay đổi, cụ thể vào năm 2020 và năm 2022, mới nhất sẽ là lần thay đổi thứ 3 áp dụng từ 1/7/2024, tăng 6% so với mức hiện hành. Điều bất hợp lý là mức lương tối thiểu theo 4 vùng chênh nhau gấp 1,5 lần mà mức thu nhập khởi điểm đóng thuế và giảm trừ gia cảnh lại bằng nhau.

Mức giảm trừ như nêu trên được duy trì từ tháng 7/2020, trong đó 11 triệu đồng được cơ quan thuế xác định bằng "mức chi tiêu đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của một người", còn 4,4 triệu đồng xác định bằng 40% so với giảm trừ của bản thân người nộp thuế.

Trước tình hình thực tế đời sống – xã hội, Chính phủ vừa yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh trong tính thuế thu nhập cá nhân.

Ảnh minh họa

Điều chỉnh thế nào cho phù hợp?

Chia sẻ vấn đề này với Đầu tư Tài chính - VietnamFinance, ông Nguyễn Văn Được, ủy viên Ban chấp hành Hội Tư vấn thuế Việt Nam, cho rằng mức giảm trừ gia cảnh quy định tại luật này là một bất cập. Nguyên nhân là trong khi thu nhập người dân tăng lên, giá cả thị trường cũng tăng, thậm chí còn nhanh hơn thu nhập. Đặc biệt, chi phí giáo dục, y tế vốn là những khoản chi phí chiếm phần lớn trong cơ cấu chi tiêu của các hộ gia đình, cũng biến động mạnh.

Những chi phí này bản chất là thiết yếu của người dân nhưng lại không được trừ trước khi tính thuế. Vì thế, mức giảm trừ gia cảnh cố định chỉ thuận tiện cho việc tính toán và thực hành thu, nhưng ngày càng lạc hậu so với thực tế của đời sống, thu nhập, phát triển kinh tế - xã hội, giá cả…

Đồng quan điểm, Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật SBLAW cho biết, mức giảm trừ theo Luật hiện hành sau 4 năm đã không còn phù hợp và cần phải xem xét điều chỉnh sớm. Luật sư Hà cũng lưu ý, việc sửa đổi phải cần xem xét đầy đủ 4 yếu tố.

Đầu tiên là xác định rõ các nguồn thu nhập nào sẽ chịu thuế và cách tính toán một cách công bằng. Thứ hai là xem xét một cách chính xác và hợp lý về khoản giảm trừ thuế để giảm bớt gánh nặng thuế cho người nộp. Thứ ba là cấu trúc thuế suất và biểu thuế là yếu tố bảo đảm tính công bằng trong việc phân phối gánh nặng thuế. Thứ tư là xác định tính phù hợp của mức thuế tương quan với mức sống trung bình của người dân.

Khi được hỏi về mức điều chỉnh nào là phù hợp với thực tế hiện nay, ông Nguyễn Thanh Hà đề xuất nâng mức chịu thuế thu nhập cá nhân lên 18 triệu đồng, và mức giảm trừ gia cảnh lên mức 6,5 -7,7 triệu đồng. “Việc nâng cao mức giảm trừ gia cảnh nhằm đảm bảo sự hài hòa giữa điều kiện kinh tế - xã hội thay đổi và việc duy trì cân đối trong thu ngân sách của nhà nước”, ông Hà nói thêm.

Với 25 năm kinh nghiệm giảng dạy - tư vấn thuế, TS Nguyễn Thị Mỹ (Đại học Kinh tế Quốc dân) nêu quan điểm thuế là công cụ tạo ra công bằng cho xã hội, việc sửa đổi cần phải có lộ trình và cần tính toán một mức đảm bảo tính phù hợp trong một chu kỳ, có thể lấy mốc 5 năm, nhằm tạo ra cú bứt phá, tránh tình trạng sửa đổi lắt nhắt, vừa thực hiện đã lỗi thời. Ví dụ như mốc từ 5 triệu đồng lên 9 triệu đồng thì không vấn đề, nhưng mức 9 triệu đồng lên 11 triệu đồng thì sau 1 năm đã thấy bất cập rõ.

Đồng thời, TS Mỹ cũng cho rằng việc điều chỉnh này phải nương theo tình hình của đời sống xã hội, nhưng cũng phải phù hợp với việc xây dựng dự toán về phân bổ ngân sách của nhà nước, ví dụ giai đoạn 2026 – 2030, nhà làm luật cần phải tính toán và dự trù được.

“Làm sao các cơ chế đánh giá và điều chỉnh về chính sách thuế phải vừa đảm bảo phản ánh được tình hình kinh tế và xã hội hiện tại của đất nước, nhưng cũng cần bảo đảm tính ổn định, lâu dài cho một văn bản luật, tránh tình trạng nay ban hành, mai sửa”, TS Mỹ nhấn mạnh.

Ảnh minh họa

Xuân Thạch

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/tang-muc-giam-tru-gia-canh-nhung-cau-chuyen-tu-chi-tieu-thuc-te-d110168.html