Tăng kết nối dữ liệu số trong hợp tác, phát triển liên kết vùng Đông Nam Bộ

Đó là một trong những đề nghị của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên tại hội nghị tổng kết Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng Đông Nam Bộ diễn ra sáng nay 18-3, tại Trung tâm hội nghị Trường Chính trị tỉnh Bình Phước.

Nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển vùng

Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa các địa phương trong vùng đến năm 2022 và dự thảo thỏa thuận hợp tác đến năm 2025 giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh trong vùng Đông Nam Bộ có ý nghĩa hết sức quan trọng, nhằm phân bổ nguồn lực hợp lý trong toàn vùng, tập trung được nguồn lực đầu tư xây dựng những công trình trọng điểm cấp vùng, thúc đẩy sự phát triển chung của vùng, mang lại hiệu quả tối ưu, nhất là đối với các dự án cơ sở hạ tầng giao thông. Liên kết và hợp tác giữa các địa phương cũng giúp chia sẻ nguồn tài nguyên, cùng sử dụng chung cơ sở hợp tác cơ sở hạ tầng như hệ thống cảng biển, sân bay, đường cao tốc, đào tạo nguồn nhân lực, y tế... Thực hiện tốt mối liên kết, hợp tác, phát triển vùng sẽ tạo điều kiện chia sẻ cơ hội phát triển giữa các địa phương, hỗ trợ thúc đẩy lẫn nhau cùng phát triển, về lâu dài toàn bộ các địa phương sẽ đều được hưởng lợi từ những thành quả phát triển chung của vùng.

Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW và Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 154/NQ-CP về phát triển vùng Đông Nam Bộ. Các nghị quyết đã nêu rõ định hướng phát triển chung của vùng cũng như của từng địa phương trong vùng, đặt trong mối quan hệ tổng thể hợp tác, liên kết vùng. Đây là cơ sở quan trọng để các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ cùng phối hợp tổ chức thực hiện.

Đóng góp ý kiến tại hội nghị, ông Lê Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã xây dựng Chương trình hành động để thực hiện, trong đó sẽ tổ chức nghiên cứu xây dựng 5 đề án phát triển để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đó là các đề án: Phát triển Bà Rịa - Vũng Tàu trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia. Phát triển các tổ hợp quy mô lớn về công nghiệp - dịch vụ - đô thị tại thị xã Phú Mỹ, chú trọng các loại hình khu công nghiệp công nghệ cao, khu công nghiệp sinh thái. Tiếp tục phát triển, hiện đại hóa Cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép - Thị Vải thành cảng quốc tế trung chuyển lớn nhất cả nước, có tầm cỡ khu vực châu Á và quốc tế. Phát triển thành phố Vũng Tàu thành trung tâm du lịch chất lượng cao đẳng cấp quốc tế. Đồng thời chú trọng xây dựng mối quan hệ liên kết với các địa phương trong Hành lang kinh tế Đông - Tây phía Nam, Mộc Bài - TP. Hồ Chí Minh - Vũng Tàu, gắn với hành lang kinh tế xuyên Á.

Đại diện doanh nghiệp các tỉnh, thành miền Đông Nam Bộ tham dự hội nghị

Hội nghị đã nhận được nhiều đề xuất, giải pháp của lãnh đạo các địa phương liên quan đến quy hoạch, hạ tầng cơ sở, chiến lược phát triển chung của vùng như: Các tỉnh, thành phố khi xây dựng các quy hoạch, kế hoạch phát triển của địa phương cần chú trọng mối liên kết chặt chẽ với các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ. Trong đó, chú trọng phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, tổ chức không gian phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường trên cơ sở phát huy thế mạnh đặc thù của từng địa phương để cùng phát triển, bảo đảm hài hòa lợi ích của quốc gia, lợi ích chung của toàn vùng, của các địa phương trong vùng, trong đó lợi ích quốc gia, lợi ích chung của vùng là cao nhất.

Bên cạnh đó, các quy hoạch, kế hoạch phát triển của mỗi địa phương cần bảo đảm phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng Đông Nam Bộ, tổ chức phân bố không gian phát triển từng địa phương. Trên cơ sở phân bố không gian phát triển chung của toàn vùng, phù hợp với tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của từng địa phương.

Các địa phương đề cao sự quan tâm trao đổi, tham vấn lẫn nhau trong triển khai các dự án đầu tư có quy mô lớn, có tác động chung đến phát triển vùng, có ảnh hưởng đến địa phương lân cận. Qua đó, hỗ trợ lẫn nhau trong nâng cao hiệu quả đầu tư, hạn chế các tác động xung đột, hạn chế các tác động tiêu cực gây ảnh hưởng đến địa phương khác trong vùng, nhất là các dự án hạ tầng giao thông, hạ tầng môi trường...

Đặc biệt, các địa phương đề xuất việc chú trọng tập trung hợp tác, phối hợp phát triển hệ thống hạ tầng giao thông kết nối liên hoàn, đồng bộ giữa trung tâm kinh tế của vùng là TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh vệ tinh trong vùng Đông Nam Bộ. Qua đó thúc đẩy lưu thông và phân phối hàng hóa, phục vụ đắc lực cho sản xuất, tiêu dùng hàng hóa toàn vùng và xuất nhập khẩu; giải quyết điểm “nghẽn” trong kết nối hiện nay giữa các địa phương trong vùng. Phối hợp liên kết đào tạo nguồn nhân lực giữa các địa phương trong vùng với TP. Hồ Chí Minh. Và việc nghiên cứu tổ chức xúc tiến đầu tư, xúc tiến du lịch chung các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ cũng được các địa phương quan tâm.

Hiệu quả từ chương trình hợp tác phát triển vùng

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng cho biết: Qua tổng kết thực hiện hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP. Hồ Chí Minh với tỉnh Đồng Nai và các tỉnh Đông Nam Bộ đã đạt được những kết quả khá tốt trên các lĩnh vực. TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ đã thống nhất việc xây dựng, quản lý và thực hiện các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; thu hút đầu tư thông qua tọa đàm về xúc tiến đầu tư; phát triển thương mại dịch vụ thông qua trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, giao lưu sản phẩm, mở rộng mạng lưới, kết nối cung cầu giữa các địa phương; quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc một số thực phẩm; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và đặc biệt là giao thông kết nối liên vùng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng phát biểu tại hội nghị

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng, một trong những đặc trưng của Đồng Nai, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh trong vùng Đông Nam Bộ nói chung là có tỷ lệ người nhập cư cao nhất cả nước. Điều đó cũng dẫn đến nhiều khó khăn trong quá trình đô thị hóa và tăng trưởng như: kẹt xe, ngập lụt, ô nhiễm môi trường, các vấn đề về y tế, giáo dục, an sinh xã hội...

Ngoài ra, nguồn lực đầu tư của Trung ương dành cho các địa phương trong vùng chỉ chiếm khoảng 18,5% tổng vốn đầu tư của cả nước cũng là một trở ngại để các địa phương xoay xở trong phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội. Hiện các tỉnh Đông Nam Bộ vẫn tiếp tục là vùng có sự đóng góp lớn nhất về GDP, ngân sách nhà nước, việc làm…

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông đánh giá cao chương trình hợp tác và lưu ý một số vấn đề để việc hợp tác hiệu quả cao trong những năm tới

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho rằng: Hợp tác phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam Bộ giữ vai trò quan trọng trong liên kết phát triển với các vùng kinh tế khác. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá cao vai trò của TP. Hồ Chí Minh đã chủ động, sáng tạo, phát huy vai trò hạt nhân trong sự phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam Bộ và cả nước. Thời gian qua, việc hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Đông Nam Bộ đã đạt được những kết quả quan trọng, có sức lan tỏa rộng trên nhiều lĩnh vực như bất động sản, công nghiệp, nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, văn hóa - du lịch, y tế, giáo dục, thông tin và truyền thông, các hoạt động an sinh xã hội... Đã thu hút được các nguồn lực từ các thành phần kinh tế của TP. Hồ Chí Minh đến đầu tư, khai thác tiềm năng và thế mạnh của từng tỉnh, góp phần tăng thu ngân sách và giải quyết được nhiều việc làm cho lao động địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh trong vùng. Các doanh nghiệp đã tìm kiếm được cơ hội và thuận lợi trong phát triển kinh doanh.

Tăng kết nối dữ liệu số trong quá trình hợp tác, phát triển liên kết vùng

Kết luận hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên đánh giá cao những ý kiến rất thiết thực, thẳng thắn của doanh nghiệp, các địa phương. Qua đó cho thấy vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc cần sớm được tháo gỡ nhằm tránh để mất cơ hội phát triển của các tỉnh, thành nói riêng và vùng Đông Nam Bộ nói chung. Việc liên kết hợp tác phát triển trong vùng đã có từ lâu, nhưng hội nghị hôm nay nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 154/NQ-CP của Chính phủ ban hành về phát triển vùng Đông Nam Bộ, trong đó đưa ra những biện pháp cụ thể để các đơn vị, địa phương và vùng có những chương trình hành động cụ thể.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên phát biểu tại hội nghị

Tại hội nghị, 6 tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ đã ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2023 về: Công tác quy hoạch; cơ chế điều phối phát triển vùng; kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại đầu tư; kết nối giao thông, hạ tầng công nghiệp, hạ tầng dịch vụ; hợp tác bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; hợp tác trên lĩnh vực giáo dục, y tế, đào tạo nguồn nhân lực; hợp tác trên lĩnh vực khoa học công nghệ, chuyển đổi số.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên đề nghị các địa phương cần có phân cấp mạnh mẽ, ưu tiên nguồn vốn đầu tư để phát triển. Riêng TP. Hồ Chí Minh cần chủ động hơn nữa trong tháo gỡ những khó khăn hiện tại của địa phương, hỗ trợ các doanh nghiệp, địa phương phát triển…, đặc biệt cần thực hiện tốt 7 nội dung đã được triển khai hợp tác giữa các đơn vị. Cần phải chủ động xây dựng chương trình hành động cụ thể của mỗi địa phương, của vùng và hoàn thiện quy chế hoạt động; trong đó, TP. Hồ Chí Minh có trách nhiệm chủ động tháo gỡ các điểm nghẽn hiện tại của địa phương và khu vực. TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh trong vùng cần tăng cường kết nối dữ liệu số trong quá trình hợp tác, phát triển để giải quyết nhanh các công việc, chương trình hành động vùng.

Lãnh đạo các tỉnh, thành miền Đông Nam bộ tiến hành ký kết hợp tác phát triển kinh tế - xã hội

Và chụp hình với các doanh nghiệp tham dự hội nghị.

Ngọc Bích - Thanh Mảng - Văn Đoàn

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/32/142390/tang-ket-noi-du-lieu-so-trong-qua-trinh-hop-tac-phat-trien-lien-ket-vung-dong-nam-bo