Tăng giá trị kinh tế từ chăn nuôi dê hàng hóa

Những năm gần đây, nông dân trên địa bàn huyện Chiêm Hóa đã mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi dê theo hướng hàng hóa, tăng giá trị kinh tế. Từ chăn nuôi dê, nhiều gia đình đã có thu nhập ổn định, góp phần phát triển tổng đàn gia súc tại địa phương.

Dê là con vật dễ nuôi, ít dịch bệnh, thức ăn đa dạng, ngoài ăn cỏ xanh, chúng còn ăn nhiều loại lá cây rừng khác nên rất thuận lợi trong chăn nuôi. Tận dụng thế mạnh của địa phương, người dân đã mở rộng diện tích trồng cỏ để làm thức ăn xanh cho đàn dê. Đến nay, toàn huyện có hơn 12.000 con, tập trung nhiều ở các xã: Yên Lập, Bình Phú, Nhân Lý, Tân An, Yên Nguyên... Nhiều gia đình đã xây dựng mô hình phát triển chăn nuôi từ 50 - 60 con, với mức giá dao động từ 110 - 120 nghìn đồng/kg.

Ông Lương Xuân Bình, thôn Khun Vai, xã Phú Bình (Chiêm Hóa) chăm sóc đàn dê của gia đình.

Ông Lương Xuân Bình, thôn Khun Vai, xã Phú Bình (Chiêm Hóa) chăm sóc đàn dê của gia đình.

Năm 2016, gia đình chị Hà Thị Lệ, thôn Ba 2, xã Nhân Lý (Chiêm Hóa) đã mạnh dạn đầu tư phát triển mô hình nuôi dê thương phẩm. Ban đầu chị mua 5 cặp dê, đến nay tổng đàn đê của gia đình chị đã tăng lên hơn 100 con. Theo chị Lệ, một năm dê đẻ hai lứa, mỗi lứa từ 1 - 2 con, dê con nuôi từ 4 đến 6 tháng trở đi có thể xuất chuồng, mỗi lần xuất chuồng khoảng từ 20 - 40 con, mỗi năm trừ chi phí cho gia đình chị thu lãi trên 100 triệu đồng.

Từ lâu, người dân xã Yên Lập (Chiêm Hóa) tận dụng địa hình và nguồn thức ăn tự nhiên để nuôi dê, một số hộ dân trong xã bắt đầu phát triển quy mô đàn dê. Vừa qua, đã có 9 hộ nuôi dê trong xã thành lập Tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi dê xã Yên Lập. Các thành viên trong tổ hội nghiêm chỉnh thực hiện quy trình chăn nuôi dê theo tiêu chuẩn an toàn.

Anh Bùi Văn Khiêm, Tổ trưởng Tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi dê xã Yên Lập cho biết, hiện nay, tổng đàn dê của các thành viên trong tổ lên đến 80 con, được nuôi theo tiêu chuẩn an toàn, không sử dụng thuốc kháng sinh, thức ăn chủ yếu là lá cây tự nhiên trên rừng nên thịt săn chắc, thơm ngon. Thịt dê núi Yên Lập có hương vị đậm đà, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thị trường tiêu thụ chủ yếu tại thành phố Tuyên Quang, Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Nguyên...

Đồng chí Đỗ Văn Hiếu, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chiêm Hóa cho biết, ngoài việc tuyên truyền, vận động người dân thấy được hiệu quả kinh tế từ chăn nuôi dê, huyện tiếp tục đẩy mạnh phát triển chăn nuôi tập trung theo hướng hàng hóa, tăng thu nhập gia đình, góp phần tăng nhanh giá trị chăn nuôi. Từ đó tạo ra mô hình trang trại sản xuất theo hướng bền vững gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, làm thay đổi tập quán của các hộ chăn nuôi, nhằm chuyển dần từ hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi theo mô hình liên kết.

Bài, ảnh: Quốc Việt

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/kinh-te/tang-gia-tri-kinh-te-tu-chan-nuoi-de-hang-hoa-158929.html